Hội đền Lảnh Giang: Tôn vinh hầu đồng và body-art

Hội đền Lảnh Giang: Tôn vinh hầu đồng và body-art
TP - Bên cạnh màn trình diễn tái hiện huyền tích của các vị thánh với sự hỗ trợ của kỹ xảo hiện đại, còn có tiết mục vẽ lên mình trần của các chàng trai diễn xướng hầu thánh.
Hội đền Lảnh Giang: Tôn vinh hầu đồng và body-art ảnh 1
Phác thảo vẽ trên người (body-art) của họa sĩ Phương Vũ Mạnh và Cấn Ngọc Trúc.

Một đại diện ban tổ chức lễ hội nói tại họp báo sáng 10/7, đại ý lễ hội Lảnh Giang nói không với sân khấu hóa- tức không sử dụng diễn viên chuyên nghiệp đóng thế. Nhưng theo miêu tả của tổng đạo diễn Bùi Quang Thắng, lễ hội sẽ tận dụng khá nhiều chất xám của nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Nơi diễn ra lễ khai mạc (trực tiếp trên VTC1 vào 20 giờ ngày 23/7) và các buổi hầu đồng là sân khấu được bổ trợ bởi hình ảnh video, khói hiệu và ánh sáng lazer.

Như vậy, lễ hội đền Lảnh Giang sau khi được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Sở VHTT&DL Hà Nam và UBND huyện Duy Tiên nâng cấp không chỉ có phần lễ, phần hội, mà còn nhiều phần diễn.

Sân khấu cho màn trình diễn được dựng trên mặt hồ. Phông gồm màn hình lớn trình chiếu các hiệu ứng video về Thủy Phủ (Phương Vũ Mạnh thực hiện). Tầng trên của sân khấu thiết kế như ban thờ cùng ba chiếc ngai. Tầng dưới là sân khấu nhỏ để trình diễn hầu đồng. Tổng thể sân khấu trang hoàng nhờ một điện thờ lộng lẫy với sự hỗ trợ của kỹ xảo 3D.

Tiết lộ của người đứng đầu Viện Văn hóa Nghệ thuật, những màn trình diễn hầu đồng tại lễ hội Lảnh Giang sẽ được đưa vào tư liệu chuẩn bị đề xuất hầu đồng như một di sản tiếp theo của Việt Nam cần được UNESCO xem xét công nhận.

Kịch bản miêu tả: “Trong ánh sáng và tiếng nhạc lúc kỳ ảo, lúc dồn dập (nhạc do Vũ Nhật Tân làm), một bọc trứng lớn xuất hiện ở sân khấu tầng dưới…”.

Màn diễn này do thanh niên xã đảm nhiệm dưới sự hướng dẫn của Trường Art cùng các nghệ sĩ đương đại. Bọc trứng nứt ra và ba con rắn lớn (chu vi chừng 40cm, dài khoảng 12m) với ba màu đỏ, vàng, trắng- tượng trưng cho ba vị quan lớn xuất hiện...

Ba chàng trai hiện thân của ba vị rắn thần, được chào đón bằng các màn múa hát rút tỉa và nâng cấp từ nghệ thuật diễn xướng hầu thánh. Sau màn múa đuốc của 100 cô đồng, ba vị thánh sẽ hóa thành ba vệt ánh sáng bay đi ba hướng… Màn diễn này tái hiện huyền tích của ba vị thánh được thờ tại đền Lảnh.

Ở Đọi Sơn, họa sĩ mới chỉ vẽ trâu. Còn ở Lảnh Giang, các họa sĩ vẽ họa tiết rồng, rắn lên mình trần của khoảng 20 nam thanh niên. Những họa phẩm sống này sẽ tham gia diễn xướng hầu thánh buổi tối. Các tối 23-26/7, trước cửa đền có liên hoan hầu đồng của các đoàn Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng…

Đền Lảnh Giang- thường gọi là đền Lảnh- tọa lạc bên sông Hồng tại thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam. Đền thờ Tam vị Thủy thần đời Hùng vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), đặc biệt là vị đứng đầu- được sắc phong Trấn Tây An Nam Tam Kỳ Linh Ứng Thái Thượng Đẳng Thần- trấn giữ ba cửa sông phía Đông Nam trấn Sơn Nam và có công lớn trong việc bình Thục giữ nước, chiêu dân lập ấp...

Đền được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 1996- hàng năm có hai kỳ lễ hội chính vào các ngày: từ 18 đến 25/6 ÂL và 25/8 ÂL. Đền cũng thờ hai vị Tiên Dung- Chử Đồng Tử.

MỚI - NÓNG