Hội Lim đã khá hơn

Một canh hát lề lối trong nhà chứa quan họ
Một canh hát lề lối trong nhà chứa quan họ
TP - Theo đánh giá của ông Lưu Đắc Hùng, Trưởng ban tuyên giáo Huyện ủy Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh), thành viên Ban tổ chức Lễ hội Lim năm 2017, du khách năm nay đổ về hội Lim khá lớn nhưng địa phương cũng đã làm tốt công tác tổ chức, không để tắc đường, không xảy ra tình trạng “chặt chém” tại các bãi gửi xe hay để chuyện ăn mày, thiếu công trình vệ sinh công cộng… làm ảnh hưởng đến lễ hội. 

Trước khi tổ chức lễ hội, địa phương cũng đã yêu cầu các đơn vị ký cam kết không để xảy ra tình trạng “ngửa nón xin tiền” tại các lán trại đồng thời giao cho thị trấn Lim tổ chức ký cam kết không xin tiền tại  các điểm hát quan họ dưới thuyền. Đặc biệt năm nay huyện đưa vào sử dụng các công trình chính như đường lên chùa Hồng Ân, khu quảng trường đồi Lim đồng thời quy hoạch lại các khu vực hát quan họ như khu hát giao lưu, hát đối đáp, khu trò chơi dân gian, khu dịch vụ ăn uống…

Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, việc đưa vào sử dụng các công trình mới ở quảng trường đồi Lim đã góp phần làm giảm ô nhiễm không khí rất lớn trong lễ hội (trước đây do nền đất nên thường khá bụi). Các lán quan họ cũng được bố trí khang trang, lịch sự. Tuy nhiên, tình trạng “ngửa nón xin tiền” vẫn còn tái diễn. Tại các lán hát trên đồi Lim, một số đơn vị tổ chức bán các ấn phẩm in lời bài hát quan họ hoặc các đĩa DVD quan họ nhưng cung cách bán không khác gì kiểu bán dạo tại các chợ nông thôn trước đây khi các liền anh, liền chị cứ chìa ra hoặc giơ lên trước mặt du khách.

Năm nay là năm đầu tiên Bắc Ninh đưa vào hoạt động “nhà chứa quan họ” ở tại thôn Lũng Giang (thị trấn Lim) với mong muốn phục dựng lại những giá trị và truyền thống quan họ của người Kinh Bắc xưa. Trong “nhà chứa” chỉ có những nghệ nhân cao tuổi chia hai bên nam – nữ ngồi hát những bài quan họ cổ với sự hỗ trợ về âm nhạc duy nhất từ một cựu chiến binh già và cây đàn bầu, có rất ít khán giả đến xem. Các canh hát của các nghệ nhân cao tuổi tại gia thường kéo dài đến nửa đêm, thể hiện sự bền bỉ của các bậc nghệ nhân trong làng quan họ, nhưng khó thu hút giới trẻ.  Ông Nguyễn Năng Diễn, 68 tuổi (thôn Lũng Giang, thị trấn Lim) với hơn 20 năm “chơi” quan họ tâm tư: “Tôi cũng chưa biết nhà chứa quan họ ngày xưa thế nào nhưng chỉ nghe các cụ nói là mỗi lần chơi quan họ “chật nhà năm gian” thì sướng lắm, thấy cái tình của người quan họ lớn lắm. Còn bây giờ lớp trẻ tìm được người hát quan họ cổ thật khó!”.

Tại khu vực quảng trường của hội Lim cũng xảy ra tình trạng tương tự. Sân khấu chính trong ngày khai hội được dành cho những nghệ nhân cao tuổi biểu diễn những bài quan họ cổ theo lề lối, truyền thống. Nhưng đa phần người đến xem dửng dưng với các màn biểu diễn này mà tranh thủ thuê quần áo quan họ để “check-in” khiến cho những câu hát quan họ của các nghệ nhân gần trăm tuổi như chìm nghỉm trong sự xô bồ của lễ hội. “Các cụ hát khó nghe lắm, lại không có nhạc nên không vui”, một bạn trẻ nhận xét và nhanh chóng hòa cùng chúng bạn đi sang phía các lán quan họ nơi có những liền anh, liền chị trẻ trung, xinh xắn với má hồng môi son và bài quan họ lúng liếng theo tiếng nhạc từ cây đàn organ rộn rã…

MỚI - NÓNG