Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ 7: Hãy tự đổi mới tâm hồn mình

Hội nghị nhà văn trẻ lần thứ 7: Hãy tự đổi mới tâm hồn mình
TPCN - Tâm trạng chung của những người viết văn trẻ hiện nay là muốn đi tìm cái mới, cố gắng vượt qua những cái lỗi thời, mòn cũ. Đó là một mong muốn rất chính đáng.

Hội nghị đã khai mạc vào sáng 12/5. Đoàn chủ tịch 5 người thì có 3 người viết trẻ: Niê Thanh Mai, Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Vĩnh Tiến.

Trong lời khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: Muốn tại hội nghị này, những người viết trẻ hãy thẳng thắn mổ xẻ cái được và chưa được, vững vàng tiến lên, tự tin nhận trách nhiệm là lực lượng nòng cốt của văn học Việt Nam những năm sắp đến.

Vấn đề là hành trang của họ có những gì để lúc đó khỏi hẫng hụt. Không khí chung của viết trẻ bây giờ là đi tìm cái mới. Đó là điều bình thường, chính đáng. Nhưng, quan niệm thế nào là mới đích thực?

Điều này không phải ai cũng lý giải được. Mọi sự kiếm tìm đều trở nên vô vọng nếu anh quay lưng lại đời sống. Quan trọng hơn, cái mới ở ngay trong tâm hồn mình. Nếu tâm hồn trống rỗng thì văn chương thất bại.

Viết gì, viết như thế nào, là quyền của người viết. Điều quyết định là tầm nhìn, cách nhìn trước hiện thực lao lung, phức tạp, mọi sự cực đoan đều có thể đưa văn học đến chỗ  bế  tắc và vô giá trị, đi xa  cái đích  cuối cùng của văn học là kiến tạo đạo đức, làm đẹp cuộc sống.

Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, chính điều mới mẻ trong hội nghị lần này, tạo ra bản lề trong hoạt động sắp đến mà Hội Nhà văn dành cho những người viết trẻ:

Bắt đầu từ  năm nay, định kỳ hàng năm, HNV sẽ tổ chức gặp gỡ thường xuyên các nhà văn trẻ tại các khu vực; dành giải thưởng riêng cho các nhà văn trẻ; các hội địa phương sẽ mở rộng tiêu chí kết nạp hội viên mới.

Ba tham luận đọc tại hội nghị của Phan Hồn Nhiên (Văn xuôi, đại diện phía Nam), Lê Hoài Nam (Phê bình) và Nguyễn Vĩnh Tiến (thơ, đại diện phía Bắc) đề cập  đến việc mở rộng thêm đất cho văn trẻ được dịp công bố, hỗ trợ tiền sáng tác, có cách giới thiệu, lăng xê sách trẻ chuyên nghiệp hơn, sự thiếu hụt của đội ngũ phê bình trẻ đặt ra vấn đề hỗ trợ, phát hiện và bồi dưỡng lực lượng này...

Tọa đàm mở đầu bằng  giải thích của nhà văn Hồ Anh Thái - chủ toạ: Đó là văn của tôi, tôi là văn, nói gì về văn học. Cách giải thích này bị “phản pháo” từ Nguyễn Văn Ninh (Hà Nội): Phải đổi tiêu đề đó, đúng ra phải là phê bình nói gì về văn tôi bởi cái này mới chỉ ra cái riêng của văn tôi là gì? Không thấy chủ tọa trả lời.

Nhà văn Vũ Hồng (Bến Tre) đăng đàn trước bằng tham luận về văn học ĐBSCL. Các cây bút trẻ ĐBSCL hầu hết viết hồn nhiên như Nguyễn Ngọc Tư.

Đây là điều hay nhưng cũng là hạn chế, phải bứt phá lên nữa bằng cách tự học, nâng cao tầm văn hóa trong tác phẩm như văn học vùng này đã bắt đầu vượt ra khỏi vùng kênh rạch, vươn xa.

Bản sắc văn học vùng miền cũng là câu hỏi của chủ tọa đưa ra lấy ý kiến của các cây bút. Đỗ Bích Thuý (VNQĐ) thành danh khi viết về Tây Bắc cho rằng, chuyện vùng miền cũng chỉ là một cách tiếp cận.

Chị hay viết về Tây Bắc bởi chị hiểu quê mình. Hầu hết đều cho rằng không nên giới hạn vùng miền, đó cũng chỉ là cách nói ước lệ. Cũng Nguyễn Văn Ninh:

Khi người biên tập đọc tác phẩm của thế hệ 8 X thì bị “vênh” trong đánh giá bởi người biên tập lấy suy nghĩ của thế hệ 7 X, 6X áp vào, hay vặn vẹo là họ bị ảnh hưởng ông này ông kia.

Người viết trẻ cần có những nhà phê bình trẻ tiên phong trong việc này. Cứ nhìn tờ VN Trẻ, 6-7 năm qua, chả thấy gì mới ?! Hội trường bắt đầu nóng lên.

Ngồi bàn chủ tọa, Phan Hồn Nhiên (văn xuôi, TP.HCM) hưởng ứng: Viết trẻ chờ sự tương tác để nhìn lại mình. Phê bình văn học trẻ còn rất yếu. BTV Nguyễn Đình Tú (VNQĐ) phân trần: Tại sao chúng tôi phải vậy ư?

Sáng tạo nghệ thuật phải là cái riêng, không giẫm chân người khác! Hoài Nam (phê bình) nhẹ nhàng: Xin các  bạn yên tâm, hãy chờ phê bình trẻ xuất hiện. Nhưng người viết đừng chờ người phê bình. Hãy viết đi.

Đến lúc các nhà văn trả lời câu hỏi: Bạn muốn nói gì trong tác phẩm của mình? Nguyễn Vĩnh Nguyên nói ngay: Tôi nói những gì tôi đã nghĩ, không hề nghĩ đến một bạn đọc vô hình nào đó, NXB, BTV nào cả. Tôi chỉ nghĩ đến tự do, tự do tuyệt đối.

Nguyễn Thị Châu Giang nhẹ nhàng: Tôi đã nghỉ viết hơn 1 năm nay, bởi trước đây tôi viết cho tôi, nay thấy phải viết cho xã hội, thấy mình chưa thể đáp ứng được điều đó nên chọn cách im lặng và suy nghĩ. 

MỚI - NÓNG