Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Cải tổ!

Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Cải tổ!
TP - Không mấy khi không khí ở trụ sở trung ương Hội Nhạc sĩ VN lại “nóng” như những ngày vừa qua, giới nhạc sĩ mô tả: “Hội đang cải tổ”. Hàng loạt thay đổi của Hội đã và sẽ diễn ra.

Điều đó được khẳng định trước hết bằng một thông báo về Hội nghị BCH Hội Nhạc sĩ VN kỳ họp thứ ba khoá VII tới tận tay hội viên.

Đáng chú ý đầu tiên là việc đổi mới cơ quan ngôn luận của Hội: tạp chí “Âm nhạc và thời đại”. Âm nhạc là một trong những lĩnh vực nghệ thuật được chú ý nhất nhưng “Âm nhạc và thời đại” hầu như ngoài cuộc trong các hoạt động âm nhạc và đời sống.

Nhiều hội viên nhận xét tạp chí mang tính cao đàm khoát luận, không hấp dẫn ngay anh em trong giới. Đã vậy lại ngốn khá nhiều kinh phí của Hội (tạp chí biếu miễn phí hội viên, không bán ngoài thị trường, phát hành theo quý).

Nay diện mạo mới của tạp chí sẽ hoàn toàn thay đổi, đổi tên thành “Âm nhạc Việt Nam”, hướng đến thị trường, liên kết với Cty V.COMM theo hướng “giữ vững tôn chỉ mục đích và chấp hành luật báo chí”.

Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN- nhạc sĩ Tôn Thất Lập hiện là Tổng biên tập tạp chí Sóng Nhạc (cơ quan ngôn luận của Hội Âm nhạc TPHCM) được chỉ định làm Tổng biên tập “Âm nhạc Việt Nam”.

Đồng nghĩa “đại bản doanh” 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội nay chuyển vào TPHCM. Cũng từ thông báo kể trên, nhiều người ngỡ ngàng thì ra một hội “to tướng” như thế mà tới bây giờ mới được BCH đồng ý mở văn phòng đại diện khu vực phía Nam đặt tại TPHCM - một địa phương vốn có các hoạt động âm nhạc sôi động nhất cả nước.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập  đồng thời phụ trách văn phòng.

Hội cũng đang có chương trình làm việc với NXB Âm nhạc - DIHAVINA để lấy tư liệu âm thanh từ gần 200 chương trình tác giả trước kia đã xuất bản.

Kêu gọi hội viên “tích cực gửi tài liệu và tác phẩm để xây dựng chân dung từng nhạc sĩ hội viên”- Tất cả sẽ có trên website mới của hội mang tên vnmusic.com.vn.

Trung tâm Phát triển nghệ thuật Âm nhạc VN từng làm tốt một số công việc, cụ thể là khôi phục nghệ thuật hát xẩm. Nay Hội đề nghị Trung tâm tạm thời “tập trung vào nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá âm nhạc truyền thống tới đông đảo quần chúng”.

Nổi cộm nhất là chuyện của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, một trong 2 trung tâm trực thuộc Hội. Có lẽ những rùm beng ở Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc xảy ra thời gian qua đã làm Hội mệt mỏi và cũng chẳng phải “miếng bánh ngon” (!) nên “BCH đồng ý với đề xuất tách ra độc lập của Trung tâm, không  trực thuộc Hội Nhạc sĩ VN nhưng phải tiến hành theo đúng thủ tục quy định”.

MỚI - NÓNG