Hội VHNT Đăk Lăk: Nhiệm kỳ tới, có hết “chuyện nhập nhèm”?

Hội VHNT Đăk Lăk: Nhiệm kỳ tới, có hết “chuyện nhập nhèm”?
TP - Thấm thoắt mà việc cù cưa nhiệm kỳ cũng đã kéo dài được quá nửa năm so với hạn định. Không trì hoãn được hơn, ngày 1/11/2006 này lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật Đăk Lăk tổ chức Đại hội lần thứ IV.

Trong 8 chi hội ( CH) thuộc Hội VHNT Đăk Lăk, CH Văn học luôn tự hào là “xương sống” của Hội, vì chiếm tới hơn gần nửa tổng số hội viên (73/173 ) và “nắm trong tay” tờ tạp chí Cư Yang Sin –  bộ mặt của Hội. Cả nhiệm kỳ 5 năm họp được 2 lần, lần đầu để nghe thông báo Hội sẽ có kế hoạch phân bổ tiền tài trợ sáng tạo mỗi năm, lần sau để góp ý cho mọi mặt hoạt động của Hội.

Lần nào cuộc gặp mặt của các văn thi sĩ chưa rót men cũng bừng bừng lắm nỗi tâm tư. Nghệ sĩ cần môi trường trong lành để thăng hoa sáng tạo. Vậy mà buồn sao, nơi gắn kết họ đang đặt ra nhiều câu hỏi về danh lợi, tiền nong!

Từ đầu năm 2003, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 07 về đề án lập giải thưởng văn học nghệ thuật Cư Yang Sin, định kỳ 5 năm 1 lần. Đến Đại hội IV này, giải Cư Yang Sin lần thứ nhất vẫn chưa được trao nhưng đã không ít điều tiếng về sự “ chí tư vô công” của Chủ tịch Hội.

Giải thưởng cấp tỉnh, nhưng lãnh đạo Hội VHNT tự đề đạt danh sách nhận giải mà không cần có quyết định thành lập Hội đồng xét giải, không trưng cầu ý kiến các chi hội, không bàn bạc với Sở VHTT.

Danh sách chuyển qua Sở trong 8 giải A  của 8 chuyên ngành, Chủ tịch Hội đứng đầu cả 2 bảng: 1 giải A Văn học và 1 giải A Âm nhạc. Mỗi giải A trị giá 10 triệu đồng. Lãnh đạo Sở lắc đầu than: Làm việc kiểu gì mà tùy hứng, vô nguyên tắc hết chỗ nói!

Giải Hội chấm, Chủ tịch cũng không thiếu tên nhận giải đợt nào. Cùng vui vẻ chia giải cho nhau nên lắm chuyện kỳ cục xảy ra. Ví dụ giải tiểu thuyết của Hội được trao cho bản thảo tập 1 trong bộ tiểu thuyết nhiều tập đầu tay của con trai cựu Chủ tịch Hội vừa ngồi vào ghế Tổng biên tập Cư Yang Sin, mà bộ tiểu thuyết này chưa ai thấy mặt mũi thế nào vì chưa in và cũng chưa biết bao giờ mới viết xong... 

Chưa cần bàn đến chất lượng tác phẩm vốn rất đáng ngờ, chỉ riêng việc trao giải kiểu này đã thành đề tài đàm tiếu trong không ít hội viên.

Còn nhớ tại Đại hội III - tháng 5/2001, hầu hết hội viên đã bức xúc vì lãnh đạo Hội lúc bấy giờ “quên” công khai tài chính. Sang nhiệm kỳ IV ngân sách rót về nhiều hơn, 2 năm nay lại có thêm nguồn tài trợ 250 triệu mỗi năm, việc thu chi càng mập mờ lấp lửng.

Riêng “ sáng kiến” tổ chức trại điêu khắc quốc tế không thành của Chủ tịch Hội đã vứt qua cửa sổ vài chục triệu đồng ngân sách. Sau nhiều lần đề nghị công khai danh tính tài trợ lên nguyệt san của Hội không được đáp ứng, nhiều Hội viên Chi hội Văn học nổi giận chất vấn, Phó Chủ tịch Hội giãy nảy: Toàn do Chủ tịch tự quyết, Thường trực chúng tôi có nắm được gì đâu mà báo cáo! 

Tranh cãi chán, một nhà thơ đầu bạc đứng lên tuyên bố: Thắc mắc làm chi, từ khi thành lập Hội đến giờ, nhập nhèm tài chính còn là vấn đề của Hội ta!  Câu nói quá của ông khiến mọi người nhớ ra: Lãnh đạo Hội VHNT Đăk Lăk chưa công khai tài chính bao giờ.

Trước thềm đại hội, dư luận lại nóng lên chuyện nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Nghĩ lại 5 năm qua, lãnh đạo Hội cũng đã tổ chức được nhiều đợt trại, làm được mấy đêm thơ nhạc, khích lệ văn nghệ sĩ tỉnh nhà mở triển lãm, in hàng chục tập văn nọ thơ kia.

Dù tạp chí vài trăm bản mỗi số chẳng ai mua, chỉ phân phối nội bộ; dù  thơ văn tác phẩm in ra chẳng mấy tiếng vang còn tốn thêm tiền tem gởi biếu, Hội trong chừng mực nào đó vẫn là nơi tập hợp phong trào cho văn nghệ sĩ tỉnh lẻ.

Dù ghế Chủ tịch dành cho ai, hội viên cũng chỉ ước gì lãnh đạo Hội sau này rút được kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, công tâm và công khai sáng tỏ mọi việc để Hội VHNT Đăk Lăk phát triển đúng với thực chất của một Hội VHNT.

MỚI - NÓNG