Hollywood bị vạ lây từ khủng hoảng tài chính Mỹ

Hollywood bị vạ lây từ khủng hoảng tài chính Mỹ
Cách nay một năm, các định chế tài chính Mỹ bắt đầu siết chặt hoạt động trợ vốn cho Hollywood. Hiện các nhà sản xuất phim Hollywood đang gặp khó khăn không thua gì những người cần mua nhà thế chấp khi quan hệ với ngân hàng.
Hollywood bị vạ lây từ khủng hoảng tài chính Mỹ ảnh 1
Cảnh trong phim Người nhện

“Nếu các hãng phim muốn làm ăn suôn sẻ vào thời điểm này, họ cần thay đổi quan hệ với những chiếc vòi rót tiền, trong đó có cả việc tính lại lãi suất” - P. John Burke, một luật sư chuyên về tài chính cho phim ảnh, nhận xét.

Vậy mà mới cách nay bốn năm, quan hệ giữa công ty sản xuất phim ảnh và giới ngân hàng Phố Wall còn được xem là lãng mạn như “trai gái phải lòng nhau”.

Năm 2004 các ngân hàng lớn như Merrill Lynch, JPMorgan và Goldman Sachs đều bội thực tiền mà không biết đổ vào đâu. Trong khi đó các studio, do chán lệ thuộc vào tài chính của các công ty mẹ (mà thường kèm theo những điều kiện ngặt nghèo), quay sang tìm các nguồn kinh phí khác thoáng hơn. Thế là hai “tư tưởng lớn” gặp nhau.

Các nhà tài chính gọi đây là trường hợp cung gặp cầu hiếm thấy trong kỹ nghệ giải trí Mỹ. Phương cách mới tài trợ cho phim ra đời: các ngân hàng có một danh mục phim ảnh để đầu tư, thậm chí mua cổ phần của những bộ phim mà họ tin sẽ thắng lợi về doanh thu.

Một loạt quỹ hỗ trợ điện ảnh ra đời. Phần chia cho các nhà đầu tư mới chiếm 13-18% lợi nhuận hằng năm của các hãng sản xuất phim. Chuyện chưa từng có tại Hollywood.

Năm 2006, thị trường tài chính cho phim càng mở rộng hơn nữa với hiện tượng các ngân hàng thi nhau rót vốn cho phim. Hệ quả là tiền bạc chảy vừa nhanh vừa nhiều vào kỹ nghệ điện ảnh ở thời điểm mà làm một bộ phim ăn khách ngày càng khó. Việc đổ tiền tràn lan như vậy đã dẫn đến hậu quả không tốt cho các ngân hàng.

Merrill Lynch là “tay chơi” lớn trong cơn sốt ngân hàng đổ tiền vào phim. Tháng 4/2007 ngân hàng này đầu tư hơn 1 tỉ USD cho Công ty giải trí Summit Entertainment và cho Công ty MGM vay 500 triệu USD để xây dựng cơ sở sản xuất mới.

Quan hệ giữa các ngân hàng và điện ảnh Mỹ đang ấm nồng thì xảy ra cuộc khủng hoảng thị trường địa ốc Mỹ. Không thu hồi được nợ cho vay mua nhà, các ngân hàng túng bấn bắt đầu rời xa Hollywood, trong đó có cả Merrill Lynch, Lehman Brothers, Deutsche Bank và Dresdner Kleinwort.

Ai còn dan díu thì tính toán rất kỹ nơi đổ tiền và điều kiện kèm theo. Chẳng hạn họ đề nghị các hãng phim hạ thấp phí phát hành để phim dễ tiêu thụ hơn trên thị trường trong và ngoài nước.

Nhưng quan trọng nhất là yêu cầu được góp vốn vào cả những bộ phim chắc chắn thắng như các phần tiếp theo của phim Spider-man (Người nhện) và Pirates (Cướp biển) mà thường là độc quyền của các hãng sản xuất. Trong các hợp đồng mới ký thời gian qua, các nhà đầu tư đòi được chia các “miếng ngon nhất” và quyền bác bỏ những miếng bánh chưa biết có ngon không.

Mô hình tài trợ kiểu cũ không còn nữa. Sự bình đẳng giữa phía tài trợ và phía làm phim được hình thành. Các ngân hàng đầu tư ngày càng có tiếng nói mạnh hơn trong việc ký hợp đồng.

Áp lực tài chính đang chống lại các hãng phim, làm chậm quá trình sản xuất phim và ảnh hưởng đến cả chất lượng phim. Nhưng quá nhiều tiền đổ vào điện ảnh cũng có nghĩa là có quá nhiều phim tranh nhau khán giả. “Xác định thời gian công chiếu một bộ phim là một trong những yếu tố quyết định thành bại của phim.

Nó sẽ tránh đụng độ giữa hai bộ phim bom tấn và chia doanh thu” - một quan chức của một hãng phim đang thiếu tiền làm phim nói. Chính vì vậy mà Hãng phim Warner Bros đã dời ngày chiếu bộ phim được chờ đón Harry Potter từ tháng 11/2008 đến mùa hè 2009.

Theo Trung Nguyên
Tuổi trẻ/The New York Times

MỚI - NÓNG