Hồn Việt trong Ngôi nhà nghệ thuật

Hồn Việt trong Ngôi nhà nghệ thuật
TP - Phóng tầm mắt từ tầng năm của một ngôi nhà cổ nằm trên phố Văn Miếu nhìn ra xung quanh, một Hà Nội hiện ra với cây cối xanh biếc, một Văn Miếu Quốc Tử Giám thơ mộng nằm ẩn khuất dưới những lùm cây.
Hồn Việt trong Ngôi nhà nghệ thuật ảnh 1
Chị Nga trong phòng căn nhà cổ trên tầng 5 của Ngôi nhà nghệ thuật

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, Việt kiều Pháp, muốn giới thiệu với du khách nước ngoài một Hà Nội xanh, không ồn ào, không khói bụi và một di sản văn hóa truyền thống đang được trưng bày tại đây - Ngôi nhà nghệ thuật (Maison des arts).

Tìm về cội rễ

Năm 7 tuổi, Tuyết Nga theo cha và gia đình rời Việt Nam sang Lào sinh sống. Cha mất sớm, mấy chị em nương tựa vào nhau. Năm 1972, cả gia đình chuyển sang Pháp định cư. Học đại học kiến trúc tại Pháp chuyên ngành quy hoạch đô thị, nhưng Tuyết Nga lại say mê hoạt động văn hóa.

Lúc có con, chị đã đích thân sưu tầm và vẽ tranh minh họa cho các câu chuyện cổ tích Việt Nam ra hai thứ tiếng Việt - Pháp. Những truyện như Sơn Tinh - Thủy Tinh, Tấm Cám... đã bồi đắp tâm hồn cho các con của chị. Sau đó chị cho xuất bản bộ sách song ngữ, Pháp - Việt.

Mặc dù xa quê hương đã lâu nhưng Tuyết Nga vẫn nói tốt tiếng Việt. Ở Paris, để giới thiệu văn hóa Việt cho người nước ngoài, chị đã từng xây dựng cho Hội người Việt Nam tại Pháp mô hình ngôi nhà Việt. Ngôi nhà đã được một tờ báo Pháp bình chọn “năm sao” sau khi tham quan rất nhiều ngôi nhà văn hóa của các nước trên thế giới tại thủ đô Paris.

Với mong muốn đóng góp cho quê nhà, cộng với sự ủng hộ của chồng, đạo diễn người Pháp Daniel Roussel, người có nhiều duyên nợ với Việt Nam qua các bộ phim về Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đã từng được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị, chị đã thực hiện được ước mơ của mình: Thành lập Ngôi nhà nghệ thuật để giới thiệu, quảng bá và tiếp tục phát triển văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Mặc dù mới đi vào hoạt động chưa đầy 6 tháng nhưng Ngôi nhà nghệ thuật đã được nhiều người trong giới nghệ thuật biết đến. Triển lãm 38 chiếc diều sáo của đồng bằng Bắc Bộ tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vừa qua là hoạt động văn hóa đầu tiên nhằm giúp công chúng và du khách nước ngoài biết tới một nét văn hóa truyền thống độc đáo của Việt Nam.

Chị cho biết, những chiếc diều này được bán đấu giá và toàn bộ số tiền đó dành tặng cho các em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra, chị sẽ cố gắng duy trì hoạt động này thường niên và đưa những chiếc diều này tham gia các lễ hội diều lớn trên thế giới.

Khát vọng khơi dậy hồn Việt

Hồn Việt trong Ngôi nhà nghệ thuật ảnh 2
 Một phòng trưng bày của Ngôi nhà nghệ thuật

Nếu như các trung tâm văn hóa đều do các Chính phủ tài trợ thì việc thành lập một ngôi nhà Việt để giới thiệu văn hóa truyền thống của một cá nhân nghe chừng hơi... phiêu lưu.

Chị Nga tâm sự: “Mỗi dự án này ngốn rất nhiều tiền. Riêng tiền hoạt động đã lên tới gần 80 triệu đồng/tháng, chưa kể các hỗ trợ cho các nghệ nhân sáng tác tại đây và  chi phí khác. Nhưng bù lại, thấy vui khi du khách nước ngoài tỏ ra rất thích thú đến đây”.

“Tôi ước mơ trong ngôi nhà này có tất cả các hoạt động nghệ thuật của dân tộc... - Chị Nga bộc bạch.

Một không gian mang đầy chất nghệ thuật với tầng một trưng bày những giá trị văn hóa truyền thống, tầng hai, ba là nơi trưng bày nghệ thuật hiện đại, tầng bốn là nơi gặp gỡ của các nhà văn, nhà thơ ...

Một khung nhà cổ hàng trăm năm được đưa về dựng ở đây. Ở giữa là nơi dàn nhạc cổ biểu diễn. Trong phòng, chị treo rất nhiều cá chép bằng gỗ sơn son, biểu tượng của cá chép hóa rồng. Đó cũng chính là mong muốn về ngôi nhà nghệ thuật của chị. Ngôi nhà nghệ thuật của chị vừa quảng bá văn hóa Việt Nam vừa tiếp thị văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Lan Anh

Maison des art (31A Văn Miếu, Hà Nội) là mô hình nhà nghệ thuật hội tụ nhiều dòng nghệ thuật. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ lưu lại đây, người ta có thể xem tranh, đọc sách, nghe nhạc, thưởng trà... Họ có thể ở lại và tìm thấy hồn văn hóa Việt.
MỚI - NÓNG