Hồng Ánh: Một nhan sắc không khuynh đảo

Hồng Ánh: Một nhan sắc không khuynh đảo
Hồng Ánh đem đến cho người ta một dự cảm không hạnh phúc. Một cô gái xinh đẹp, tài năng, thông minh, sống khiêm nhường, tự trọng, tự lập, lại có giọng nói hơi khàn, chỉ tay nát, nhiều "nguy cơ" sẽ là người đàn bà khổ tâm. Nhưng đấy là cái khổ tâm, cái không hạnh phúc để gây nghiện cho người từng nếm trải.
Hồng Ánh: Một nhan sắc không khuynh đảo ảnh 1

Nhiều lần, vào những đợt nhãn hiệu quần áo Mango big sale (đại hạ giá), từ 50-70%, tôi gặp Hồng Ánh kiên nhẫn, hớn hở đứng xếp hàng rồng rắn với mình, chờ đến lượt thanh toán tiền, trên tay ôm la liệt quần áo. Gặp sáng, rồi gặp chiều, trong một ngày, vẫn cũng cảnh ấy.

Ai trêu, cô cười bẽn lẽn "tranh thủ big sale mới dám mua và phải mua nhiều để dành làm đồ đi diễn". Thấy cô thật gần gũi, có phần đáng yêu trong hình ảnh đời thường ngộ nghĩnh ấy.

Nhưng mà cũng chạnh lòng. Một ngôi sao điện ảnh, kịch nghệ, một diễn viên múa, MC, người mẫu ảnh, bà chủ quán, nai lưng thồ từng ấy việc, với danh vị ấy rồi, mà danh vọng kia vẫn chẳng thể đi đôi với giàu sang.

Thế nhưng, trông nét mặt, dáng đứng kia của cô, chẳng sốt ruột cũng chẳng bận tâm đến xung quanh, an thiên, thì lại tự cười về cảm giác chạnh lòng kia của mình.

- Cát-sê đầu tiên chị nhận được năm 14 tuổi là từ múa. Thế rồi điện ảnh đã quyến rũ và "đánh cắp" mất con thiên nga xinh đẹp của sàn gỗ. Chị vĩnh biệt múa luôn sao? Vì lý do gì?

- Vâng. Bỏ hẳn. Dù mười năm học múa khổ cực. Khi tôi bước sang điện ảnh, mới khám phá ra rằng mình không hợp lắm với múa, nếu theo thì cũng chỉ luôn dừng ở mức múa minh họa. Vì điều kiện cần và đủ để làm diễn viên múa tôi không đủ. Cơ thể tôi thiếu độ mềm, độ dẻo, chỉ đỡ là không có dị tật.

- Mai chị đi làm phim gì vậy? Còn những vai kịch ở IDECAF thì sao, nhất là vai bà học sĩ phu nhân của Nguyễn Trãi?

- 5 giờ 30 sáng mai tôi phải bay ra Huế để làm phim Trăng nơi đáy giếng, nhận vai nữ chính. Vai này lẽ ra thuộc về chị Ngọc Hiệp, nhưng chị ấy bận với mấy trăm tập phim bên hãng phim Việt nên mới đến tay tôi, tôi là người được cast cuối cùng.

Phim quay trong 8 tuần, may là bối cảnh chỉ tập trung ở Huế. Tôi sẽ tranh thủ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, hai ngày đoàn phim nghỉ để bay về TP.HCM với Bí mật vườn Lệ Chi.

- Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng nói: người thực sự có tài, tiềm ẩn một năng lực dồi dào đủ để chuyển tải những vai diễn phức tạp, đa dạng nhất hiện nay, chỉ có Hồng Ánh. Thế bên kịch, đạo diễn Thành Lộc nhận xét thế nào về chị?

- Diễn viên từ điện ảnh chuyển sang sân khấu thường có nhiều khiếm khuyết, đầu tiên là về đài từ. Anh Lộc nói điều ấy tôi có thể khắc phục được và quan trọng nhất là tôi có cảm xúc mạnh với vai diễn.

Anh Lộc là người rất khắt khe về mặt nghề nghiệp với diễn viên trẻ, nếu có khen ngợi gì, anh ấy cũng chỉ nói sau lưng. Mình chỉ có thể biết được sự đánh giá thực sự của anh ấy qua những vai diễn anh trao cho mình thôi.

Một ngôi sao nghệ thuật không là minh tinh màn bạc

Hồng Ánh đích thực là một tài năng của điện ảnh, nhưng giải thưởng về diễn xuất danh giá nhất trong nước cô đều đã đạt, cả giải trong khu vực, khi tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ. Cô là một ngôi sao nghệ thuật, nhưng là của đạo diễn và ban giám khảo, chứ chưa bao giờ là "ngôi sao của phòng vé".

Mỗi một "minh tinh" có một nhan sắc và tài năng có sức khuynh đảo lòng người, khuynh đảo nhân vật trong phim, khuynh đảo bạn diễn. Và quan trọng nhất, khuynh đảo cả triệu, triệu khán giả, bởi vẻ đẹp ma mị hay vẻ đẹp ngùn ngụt sức sống, hay vẻ hoang dại thiêu đốt.

Hồng Ánh rất xinh, từ ánh mắt đến nụ cười, nước da nâu giòn. Là vẻ đẹp của một "gái ngoan", có chiều sâu, đầy dồn nén, nhẫn nại chịu đựng và nền nã, thiếu rực rỡ, không gây choáng ngợp. Đó là vẻ đẹp "ngấm về sau" của "người vợ trung trinh" hơn là vẻ đẹp của kiểu nhan sắc "người tình đại chúng", "niềm mong muốn nhất của các quý ông".

Hồng Ánh: Một nhan sắc không khuynh đảo ảnh 2
Hồng Ánh. Ảnh: Quốc Huy

- Người ta thường cho rằng, Hồng Ánh không là ngôi sao để công chúng bỏ tiền ra mua vé vì hầu hết những bộ phim chị được mời tham gia, đoạt giải là những bộ phim về chiến tranh và thời hậu chiến, vào cái thời mà loại phim này không còn là "món ăn" được ưa thích. Nhưng từ phía chị, chị có lý giải nào khác không?

- Tôi thì nghĩ rằng đấy không phải là "lỗi" của những bộ phim tôi tham gia mà là "lỗi" của tôi. Ở thể loại phim truyền hình, tôi cũng toàn thủ vai "đào đẹp" đấy chứ, mà đâu phải là những bộ phim về chiến tranh hay hậu chiến, nhưng tôi cũng chưa bao giờ tạo được cái gọi là "cơn sốt hâm mộ".

Tôi không phải là ngôi sao "hot". Nhưng thực chất vấn đề ’không là ngôi sao của khán giả" của tôi có nguyên nhân sâu xa hơn, nằm ở hiện trạng nền điện ảnh của chúng ta.

Ở Hollywood, nếu là diễn viên tài năng, thì bất kể anh ta (cô ta) thuộc kiểu vẻ đẹp nào, anh ta cũng có khán giả của mình và họ là ngôi sao của loại khán giả đó.

Ở VN, hiện vàng thau lẫn lộn, tôi tin rồi nó sẽ phân nhanh ra, đa dạng khán giả, mọi dòng phim đều tồn tại, phát triển. Nhưng sợ rằng đến lúc đó, thì thời của tôi cũng qua mau rồi.

- Những phim có chị tham gia, từ bộ phim đầu tay Người đẹp Tây Đô, cho đến Cầu thang tối, Hải nguyệt, Đời cát, Thung lũng hoang vắng, Người đàn bà mộng du... đều mang về giải thưởng, cho chị, cho phim hoặc cho cả hai. Chỉ không mang về được doanh thu. Nỗ lực để có những bộ phim vừa có giải vừa có doanh thu, chị cho đó là của chị hay của ai?

- Theo tôi là nỗ lực của tất cả các thành phần tham gia vào quá trình tạo thành một bộ phim và quảng bá bộ phim. Còn tôi, khi làm việc, tôi chỉ nỗ lực hết sức cho nhân vật của mình. Làm tận tâm, tận sức, tận hiến, để chạm được đến cái thần của nhân vật. Còn ngoài ra, người ta sẽ mua vé xem mình diễn hay không, quả thực không nằm trong mối bận tâm của tôi.

- Được tham gia trong những bộ phim vừa có giải vừa có doanh thu như Áo lụa Hà Đông, chị có mơ ước không?

- Tôi rất mơ ước. Ví dụ như Dòng máu anh hùng thôi, nó đơn thuần giải trí nhưng sạch sẽ, hấp dẫn. Dù tôi thiên về diễn tâm lý hơn hành động, vẫn cứ thích được đóng trong một phim như vậy. Nhưng tôi đâu có mấy cơ hội tham gia, vì đạo diễn và nhà sản xuất đâu có mời tôi.

- Và chị có làm được không, như Ngô Thanh Vân trong Dòng máu anh hùng, như Kim Thư trong Khi đàn ông có bầu, Đẻ mướn, như Minh Thư trong Gái nhảy?

- Tôi nghĩ là tôi diễn không được. Với ngoại hình, suy nghĩ cảm nhận của mình về nhân vật như thế, thì mình sẽ chọn những cách diễn khác. Và cách diễn đó chưa chắc đã "ăn khách".

Nhanh - nhiều - tốt - rẻ ư? Tôi không làm được

Xem phóng sự về Hồng Ánh trên TFS, thấy chị lăn dưới đất đá ở một cảnh quay Thung lũng hoang vắng, người thờ ơ nhất cũng "xót" cho cô. Suốt mấy tháng liền chị bám trụ trên một vùng cao heo hút, muỗi mòng, không điện không nước.

Để chuẩn bị vào vai Người đàn bà mộng du, cô dành cả một năm trời "đầu ấp tay gối" kịch bản, đến mức thuộc lòng từng câu, từng chữ. Rồi đi thực tế ở nhiều bệnh viện tâm thần ở TP.HCM, Hà Nội, rồi gặp bác sĩ, rồi diễn xuất cùng lúc với... 8 nam bệnh nhân tâm thần thực sự.

Rồi vượt qua tính e thẹn và sự phòng thủ cần thiết cùng lời ong tiếng ve để tự đảm nhận những cảnh khỏa thân trong phim. Và nhớ nhất là những cảnh chị diễn xuất bằng ánh mắt đầy rung cảm, đầy hấp lực với khả năng biểu đạt nội dung rất đa dạng của đôi mắt ấy.

- Chị làm nghề như một tín đồ hành lễ. Vào thời buổi mà ai cũng chọn một lối đi, một cách làm đỡ tốn mồ hôi, công sức nhất, sao chị không hòa chung vào cái "dòng thời cuộc" ấy cho đỡ khổ, lại đạt được hiệu quả kinh tế nữa?

- Xuất phát từ cá tính. Tôi không làm được như vậy. Tôi muốn sự hoàn hảo. Tôi làm việc thường ít nghĩ tới hiệu quả kinh tế hay hiệu quả này nọ, mà chỉ thích được mọi người công nhận, khen ngợi, yêu mến.

Mà muốn được thế thì phải cố, không ẩu được. Có người nhìn mình sống như thế là mỗi thời. Còn mình cũng nhiều khi muốn làm như vậy, nhanh - nhiều - tốt - rẻ cho khỏe nhưng... làm không được.

- Để theo Thung lũng hoang vắng, chị phải đóng cửa một quán bar - café của mình. Hy sinh vì nghệ thuật hay do tài kinh doanh của nữ nghệ sĩ quá kém?

- Do tài kinh doanh mình kém. Lại còn sĩ diện nhiều. Tôi không biết cách sắp xếp, ngoại giao như thế nào cho được việc mình, lại còn sợ nhân viên họ buồn, họ khổ.

Mình cũng không chịu được những người khách có lời đề nghị khiếm nhã, có những thực tế kinh doanh khiến mình bàng hoàng mà mình không thể lấy danh nghĩa diễn viên ra để "che chở" cho nhà hàng. Lại cũng là những chuyện tôi "làm không được".

"Chỉ sợ mình hy sinh mà nó không đẹp"

- Hầu hết vai của chị là vai bi. Và chị đã chứng tỏ đẳng cấp của mình chính ở khả năng tạo dựng nhân vật theo tinh thần này, bi kịch không bị lụy. Trong cuộc đời thực, chị có bi kịch của riêng mình không? Chị "xử lý" nó có tốt như trong phim không?

- Có bi kịch chứ, đến từ nghề nghiệp, tình cảm. Ai đã sống có cảm xúc, biết khóc biết cười mà không có bi kịch. Chỉ có điều, với người khác điều ấy mới sượt qua, với người khác điều ấy mới sượt qua da thì với tôi đã vào tim rồi. Còn xử lý bi kịch cá nhân thì khi tốt khi không. Tôi cũng có những sai lầm khiến bi kịch của mình thành bi lụy đấy.

- Xem những cảnh khỏa thân của chị trên phim, như tắm sông cùng bà cả trong Đời cát, tắm suối trong Thung lũng hoang vắng, thấy "rõ ràng trong ngọc trắng ngà/dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên". Tòa thiên nhiên trên màn ảnh rộng ấy, đã nhờ góc máy và ánh sáng "điêu" lên máy lần?

- Phim ảnh là cuộc chơi của ánh sáng, khả năng của nó ma quái lắm đấy, nó đã "cộng điểm thưởng" cho tôi rất nhiều.

- Chị bảo ai cũng có khuyết điểm riêng, nhưng phải vượt qua được tình yêu lớn nhất cho bản thân ấy để phô mình trọn vẹn trước ống kính. Thế khiếm khuyết của chị là gì, về hình thể ấy?

- Tôi là người không có ba vòng đều đặn như người mẫu hay hoa hậu. Và người thô, hơi mập, khung xương to, ngực nhỏ. Nói chung, mình không là người hoàn hảo cho những cảnh nuy, nên tôi mới nói "chỉ sợ mình hy sinh mà nó không đẹp".

- Thế sao chị vẫn chấp nhận tự mình đảm đương những cảnh này?

- Khi mình yêu nhân vật hết lòng, thì mình không từ chối nhân vật ấy điều gì cả. Cùng với nghệ thuật ma quái của quay phim, tôi đã làm tròn nhiệm vụ của mình trước nhân vật và khán giả đấy chứ, phải không?

- Nhìn vào danh sách những vai trò chị đảm nhận, những công việc chị làm, cách chị làm, thấy rõ chị mải miết dốc toàn lực cho công việc. Phải chăng vì như chị từng thừa nhận, mình là người phụ nữ có "tham vọng điên cuồng"?

- Đúng. Câu nói ấy là của người bạn trai cũ nói với tôi: "Em tham vọng điên cuồng, mà chẳng để làm gì cả". Tham vọng điên cuồng của tôi là làm được nhiều việc và làm thật tốt, để mỗi ngày đều có ý nghĩa, để được công nhận và khen ngợi.

Còn "chẳng để làm gì cả" là những ích lợi tôi thu được từ "tham vọng điên cuồng" của mình không là thứ hữu hình, có thể cân đo đong đếm được. Thậm chí tôi còn là mẫu người ưa nhận phần thiệt về mình.

Tôi hay nhường, thích nhường, đặt cảm xúc của người khác lên trên cảm xúc cá nhân mình.

"Đấy là thứ hạnh phúc không trọn vẹn"

- Một lần làm cô dâu hụt với đạo diễn Đỗ Phú Hải, lâu nay không nghe chị nhắc đến chuyện chồng con nữa?

- Mình định không bằng trời định, không nhắc tới vì không muốn làm tổn thương ai. Tôi rất ngại nói những chuyện có liên quan đến người khác, vì biết đâu mình là nguyên nhân làm cho ai đó không hạnh phúc. Còn yêu ai, tôi cũng nghĩ sẽ đi đến tận cùng.

- Chị và đàn ông, ai làm khổ ai? Ai là tặng vật của ai?

- Với tôi, người nào chịu được tôi thì người đó là quà tặng của tôi. Mình làm khổ người yêu mình và người yêu mình làm khổ mình. Trong tình yêu, ai yêu nhiều hơn sẽ khổ mà. Nhưng tôi có cảm giác mình làm khổ họ nhiều hơn. Tôi cũng đành hanh, đỏng đảnh, đồng bóng lắm. Cũng là cái thói "nữ nhi thường tình".

- Chị đã ít nhất ba lần làm vợ lẽ, làm người thứ ba trên phim. Chị thấm thía được gì từ thân phận "kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng?" ấy?

- Thấm thía nhiều chứ. Tự mình chuốc khổ vào thân thì dù là kẻ thứ nhất hay thứ hai, thứ ba gì cũng khổ hết, một thứ hạnh phúc không trọn vẹn cho tất cả.

- Nếu điều ấy vận vào thân thì thái độ của chị sẽ thế nào?

- Tính tôi, rơi vào hoàn cảnh ấy, kể cả khi tôi là người "được" tôi cũng khổ, khổ cho mình, khổ dùm cho người mất, chứ không hả hê gì đâu. Và tối sẽ cố gắng cư xử sao cho chu toàn, gượng nhẹ nhất, để đừng gây thêm tổn thương cho một tình huống đã có quá nhiều tổn thương.

- Hiện giờ, chị có yêu ai không?

- Tôi có bạn trai. Anh ấy làm về công nghệ thông tin, có tí xíu dính líu tới văn học.

- Cho tôi bắt chước giọng của mẹ chị để hỏi: bao giờ thì chị mới chịu lấy chồng?

- Hai năm nữa, nếu như Trời tính cũng giống như mình tính.

"Ơn trời, VN mình không có paparazzi!"

- Có thể nói, chị là một ngôi sao "sạch". Bản thân chị không có scandal hay chị lựa chọn trình bày một hình ảnh không có scandal?

- Có đấy. Họ không bới móc ra thôi chứ bươi là có đấy. Ơn trời! VN mà có paparazzi, thì tôi cũng bị "dính" rồi.

- Trong thế giới nghệ thuật, thế giới phù hoa rực rỡ, xa hoa và phù phiếm là một phần ánh sáng của các ngôi sao. Tại sao chị từ chối nó? Hay chị không đủ điều kiện khoác nó?

- Tôi là mẫu người cổ điển, hướng nội. Nhu cầu sống của tôi đơn giản, cao sang quá lại khiến tôi lúng túng. Nhiều người bảo tôi, đã chọn  nghề diễn viên thì phải PR, phải chăm chút, tô màu cho hình ảnh bản thân. Nhưng như trên đã nói, ở VN tôi không thấy được sự ảnh hưởng của bản thân đến khán giả cho phim ảnh, nên không cố.

- Rốt cuộc lại, ý nghĩa gì ở điện ảnh đã khiến chị phải thiêu đốt mình như thế? Và đặt nó trên cả tình yêu của chính mình, của những người đàn ông dành cho mình?

- Cảm xúc, sự thăng hoa, niềm vui dai dẳng, hạnh phúc đằm sâu mà những vai diễn đem lại cho tôi vẫn lớn hơn, choáng ngợp hơn những gì tôi có được từ cảm xúc tình yêu do những người đàn ông đem lại.

Thế nên, tôi vẫn nói với bạn trai của mình: "Làm ơn đừng bắt e lựa chọn. Nếu không, em sẽ phải hy sinh anh". Với tôi, phim ảnh không còn là một cái nghề nữa, mà là Đạo. Đã là Đạo thì không thể bỏ.

Nói xong câu ấy, chị vội vã chào từ biệt, xách túi trang điểm đi thẳng vào hậu thường sân khấu Idecaf, chuẩn bị vào vai bà học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Tôi nhìn theo những bước chân vội vã ấy, có chút gì bâng khuâng.

Lúc nãy, đã định hỏi chị một câu chuẩn bị sẵn từ nhà: "Có người bảo hiện giờ, ở ngoài đời chị cũng đang làm người thứ ba. Đấy là tin đồn nhảm hay không nhảm?", nhưng rồi trước sự thành thật và ánh mắt mở rộng, loáng nước đến dễ mủi lòng của chị, lại thấy không nỡ...

Theo Thanh Niên Tuần San

MỚI - NÓNG