Hồng Hồng, Tuyết Tuyết...

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết...
Một thời gian dài ca trù bị những điều tiếng thị phi, tưởng đã âm thầm chết trong quên lãng, nhưng hơn chục năm nay đã sống lại.

Nghệ sĩ hát ca trù CLB Ca trù Hà Nội   Ảnh: Quách Mạnh Hùng

Một thời gian dài ca trù bị những điều tiếng thị phi, tưởng đã âm thầm chết trong quên lãng, nhưng hơn chục năm nay đã sống lại.

Từ xa xưa những bậc túc nho, thức giả, văn nhân tài tử, cả vương tôn công tử… đã ham thích nghe hát ca trù như một thú tiêu đao, một cuộc chơi sang trọng thấm đẫm tinh thần Việt. Câu ca trù ăn theo nhịp đàn tiếng phách của Nguyễn Công Trứ: Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng/ Không Phật, không Tiên, không vướng tục… dường như đã lột tả được hết cái tinh túy của nghệ thuật diễn xướng dân gian này…

Cuối tháng 3 ở Hà Tĩnh và đầu tháng 4 này ở Hà Nội sẽ diễn ra “Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2005” chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước với sự hiện diện của hàng chục Câu lạc bộ ca trù xuất sắc nhất trên miền Bắc cùng hàng trăm gương mặt “ca nhi” trẻ trung…

Để có cuộc Liên hoan “trong mơ” này, phải kể tới cái mốc không thể quên, đó là ngày 28/04/1991 – CLB ca trù Hà Nội – CLB ca trù đầu tiên của Việt Nam chính thức ra mắt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám sau hơn nửa thế kỷ tiếng hát ả đào biến mất vô tăm tích. Hôm đó không riêng gì người nước ngoài, mà ngay những người đất Hà thành đã sững sờ nghe giới thiệu về xuất xứ và lịch trình của bộ môn nghệ thuật ca nhạc đầy bản sắc này.

Theo Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, đời Vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) có người ca nhi là Đào Thị hát rất hay, từng được vua ban thưởng. Sau người ta mộ danh Đào Thị nên con hát gọi là đào nương. Như vậy ca trù ít nhất cũng có từ thời Lý.

Đến đời Lê có một danh ca là Bạch Hoa cùng chồng là Đinh Lễ sáng tạo ra chiếc đàn đáy, chế ra âm luật, làm rạng rỡ cho giáo phường, thu nhận nhiều đệ tử, khi chết được giới ca nhi suy tôn là Tổ cô đầu. Đền thờ hai vị hiện còn nhiều nơi trên vùng châu thổ sông Hồng. Cũng vì mộ danh Đào Thị tài giỏi hát hay nên người đi hát gọi là “ả đào”. Chữ ả nghĩa là cô, ta thường nói “cô ả”. Vậy “ả đào” tức là “cô đào”.

Những ả đào danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám, các đào nương phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy, gọi là tiền đầu. Người ta sau này dùng tiếng cô thay tiếng ả cho rõ ràng và tiếng đầu thay tiếng đào để tỏ ý tán tụng là bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu, nên gọi là cô đầu. 

Hát ả đào, hát cô đầu cũng là “biến âm” của ca trù mà thôi. Ngày xưa hát ở cửa đền có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là Trù, làm bằng mảnh tre ghi chữ, đánh dấu, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. Khi hát quan viên thị lễ ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống.

Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát, bên kia đánh một tiếng chiêng rồi thưởng luôn cho một cái trù. Sau buổi hát, đào kép cứ theo trù thưởng mà lĩnh tiền. Ca trù xuất xứ từ đó… Ca trù là lối chơi phong lưu tao nhã, tạo nên những áng văn chương bất hủ, sử sách còn ghi lại những tuyệt bút của các thi nhân như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà…

Hát nói là một thể ca trù phổ biến và được ưa chuộng nhất, ngoài ra còn hơn 40 thể khác. Muốn được ngồi vào chiếu hát, phải có giọng “trời phú”, kiên trì luyện tập khổ công 5 - 6 năm.

Nữ nghệ sĩ Bạch Vân – Chủ nhiệm CLB ca trù Hà Nội tâm sự hồi mới vào nghề, chị đã phải cất công tìm đến những nghệ sĩ bậc thầy, như NSND Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, NSƯT Kim Đức, nghệ nhân đàn đáy Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, rồi bà Trúc, bà Mùi xin truyền nghề.

Người dạy cách lấy hơi, nhả câu, nhả chữ, người nắn chuốt phách sao cho nẩy, cho giòn. Khi hát phải ngồi xếp bằng tròn, lưng thẳng. Ngồi hát không được đưa mắt, lộ răng mà vẫn phải tròn vành rõ chữ. Hát bằng giọng thật, âm nén mà vang, khẩu hình mở vừa phải, mỗi câu mỗi chữ sao toát lên cái tình, cái hồn vía của câu thơ.

Học phách cũng công phu không kém. Chỉ một động tác tay trái buông phách thôi có khi phải tập hàng tháng trời. Khổ công như vậy nhưng với lòng đam mê đến say đắm, các bạn trẻ đã không quản thời gian kiên nhẫn luyện tập, suốt năm suốt tháng.

Cô gái Hà Nội xinh đẹp Thúy Hòa, con  gái của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi là một ví dụ. Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, cũng vì mê đắm ca trù Thúy Hòa đã chia tay thương trường, dành cả thời xuân sắc cho nghệ thuật này. Ngót chục năm mới được ngồi chiếu hát sang trọng giữa đất thành đô, rồi du ngoạn các chân trời, làm say lòng bạn bè các châu lục.

Hai cháu gái Thu Thảo, Kiều Anh tuổi mới mười lăm mười bảy cũng theo cô Thúy Hòa và người ông yêu quý nhịp nhàng sênh phách sẽ là các “đào nương” cự phách duyên dáng nay mai…

Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2005, cũng là liên hoan đầu tiên dành riêng cho bộ môn nghệ thuật này. Đợt 1 diễn ra vào ngày 26/3 ngay tại quê hương thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), thu hút 9 CLB đến từ Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, và đương nhiên không thể thiếu các bạn trẻ đất Cổ Đạm, một trong những cái nôi của ca trù mà chắc hẳn từ xửa xưa tiếng hát ả đào đã làm thổn thức cõi lòng Nguyễn Tiên Điền.

Đợt 2 diễn ra trang trọng vào ngày 02/4 tại Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám với 11 CLB của Hà Nội và các tỉnh Hà Tây, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh… Cuộc gặp gỡ các tài danh ca trù lần này không chỉ tôn vinh bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là sự phô diễn tài năng, tâm huyết của lớp trẻ.

Đam mê kế thừa và phát huy vẻ đẹp đích thực của ca trù, nuôi dưỡng cho sinh hoạt nghệ thuật độc đáo này luôn luôn tươi mới. Hồng hồng/Tuyết Tuyết/ Mới ngày nào chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì…

MỚI - NÓNG