Đạo diễn Christian Wagner:

“Huế mà có Liên hoan phim quốc tế, tôi bay đến ngay”

“Huế mà có Liên hoan phim quốc tế, tôi bay đến ngay”
TP - Đạo diễn Christian Wagner có 2 giờ thảo luận trước công chúng với đạo diễn Đặng Nhật Minh xung quanh những vấn đề như “hôn nhân” giữa điện ảnh và truyền hình, vì sao Việt Nam không tổ chức LHP quốc tế...

Chẳng mấy khi 2 nền điện ảnh có dịp ngồi cạnh nhau để bật lên sự đối sánh.

Mắt lác thì không thể nhìn thẳng

Theo Christian Wagner: “Những người trẻ, trong khi tìm kiếm thành công, hay liếc ra xung quanh, nếu cứ liếc đi liếc lại, mắt đã lác thì không nhìn thẳng được nữa.

Tôi có mấy người bạn từng nói họ quay quảng cáo bao giờ có nhiều tiền sẽ làm phim tử tế, nhưng 10 năm sau tôi gặp lại họ vẫn làm phim quảng cáo. Họ không ra khỏi vũng lầy được.

Vậy hãy trung thành với chính mình, hãy làm điều mình muốn”. Wagner ví cuốn phim như dòng sông, 2 bờ sông là khán giả. “Sông vẫn chảy đời sông”, nhưng không có bờ thì cũng chẳng có sông.

Christian Wagner sinh 1959.

Bộ phim dài đầu tay Chuyến đi cuối cùng của Waller, ra mắt năm 1989 đoạt giải Phim hay nhất tại LHP Đức, LHP Bavarian, và giải của giới Phê bình Điện ảnh Đức.

Từ 1995, Wagner giảng dạy về đạo diễn và diễn xuất tại Học viện Điện ảnh Baden-Wurttemberg.

Wagner đến Việt Nam cùng gia đình trong một chuyến du lịch riêng 2 tháng.

Tiện thể, ông liên lạc với Viện Goethe- nơi từng mua phim của ông- để tổ chức tuần phim.

* Viện Goethe vừa tổ chức tuần phim của đạo diễn người Đức Christian Wagner tại Hà Nội từ 3-6/3.

“Tôi luôn ở trong tình thế cần có tiền nhưng cũng phải sống theo ước mơ của mình”.

Và ông dẫn lời của Beckett: Thất bại, thất bại nữa đi, nhưng càng về sau càng thất bại một cách vinh quang hơn.

Wagner cho biết, ở Đức, rạp phim và truyền hình cạnh tranh rất mạnh. Nhưng phim của ông vẫn được truyền hình tài trợ.

“Chúng tôi mong một ngày nào đó điện ảnh và truyền hình sẽ có cuộc “hôn nhân” làm tăng số lượng phim”, Đặng Nhật Minh nói.

“Ở Việt Nam hiện truyền hình không cần điện ảnh. Cần thì họ nhập phim nước ngoài. Họ không có nhu cầu cấp thiết chiếu phim Việt Nam. “Mọi phim tôi làm bây giờ đều có truyền hình góp vốn” -Wagner cho hay. “Không có truyền hình, thành công của phim sẽ hạn chế.

Cũng phải nói rằng, cũng nhờ phim của chúng tôi tốt, kênh truyền hình mới sống được!”. Wagner gợi ý, người làm phim Việt Nam sao không “lớn tiếng” đề nghị các chính khách quan tâm đến mối quan hệ điện ảnh và truyền hình. “Sao không để truyền hình là nơi nghệ thuật làm phim được phát triển?”.

Khái niệm phim đông khách?

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, hàng năm ta có 40-140 phim nước ngoài (trong đó 90% là phim Mỹ) chiếu rạp- con số cực lớn nếu so với Trung Quốc 1,3 tỷ dân, một năm chỉ nhập 20-30 phim. “Việt Nam đã ký với WTO chấp nhận không hạn chế nhập phim.

Trong số phim Mỹ nhập về VN thì 99% là phim hành động, rất ít phim đi vào tâm tư sâu lắng. Khán giả xem phim  một thời gian quen với tiết tấu thật nhanh, nếu chậm không chịu nổi” - Ông Minh cảnh báo.

“Đây là thách thức đối với các nhà làm phim”. Ông so sánh với việc ăn mãi một món, nó sẽ “nhập” vào người, không thích ăn món khác.

Wagner kể, nhóm đạo diễn trẻ làm việc với ông đang đi theo trường phái riêng chống lại truyền hình- mà họ cho rằng làm hỏng khiếu thẩm mỹ của khán giả. “Hai tháng ở Việt Nam, tôi mở TV toàn thấy phim Mỹ (hẳn Wagner không thạo dò các kênh truyền hình Việt Nam-PV)- tôi không xem được quá 5 phút” - Wagner nói.

“Lâu dài, nó sẽ làm hỏng cách nhìn của người xem, cũng là một kiểu thực dân- xâm chiếm bộ não của người ta.  Sao không xem phim kinh điển. Trong lịch sử điện ảnh, có những tác phẩm xứng đáng bỏ công để xem, như phim Sác-lô chúng ta xem bao nhiêu năm nay.

Hiện ở Việt Nam có rất nhiều phim lậu- điều này không tốt, nhưng ít nhất cũng có khía cạnh tích cực là mọi người được xem…”

Có một con đường nữa để phim đến với người xem. Đó là các LHP-  ngày càng nhiều trên thế giới. Cũng theo Wagner, phim châu Á đang rất được công chúng Âu, Mỹ chú ý. Một nữ cử tọa nước ngoài thắc mắc, ở VN đã lâu mà không thấy có LHP Quốc tế (như Thái Lan có LHP Bangkok)?

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho hay: “Tôi đã lập dự án tổ chức LHP quốc tế ở Huế - di sản văn hóa thế giới, lại thường kỳ có festival- nhưng  không được hưởng ứng.

Người ta bảo tiền đâu mà mời tài tử giai nhân đi lại tốn kém, bán vé có đủ hòa vốn không? Tôi sẽ cố gắng thuyết phục lần nữa.

Hy vọng sắp tới LHP Quốc tế không ở Huế thì sẽ ở Hà Nội, TPHCM”. Christian Wagner: “Tôi đã dự nhiều LHP quốc tế- hầu hết đều không được Nhà nước tài trợ mà là những tư nhân yêu điện ảnh.

Ở Đức, một làng vô danh như Hop mà cũng tổ chức được LHP, tôi đã đến xem cái rạp cũ kỹ như thể cách đây 30 năm… nhưng họ làm LHP thành công. Nếu nghe nói Huế có LHP, tôi sẽ bay sang ngay!”.

MỚI - NÓNG