Hương chè

Hương chè
TP - Ba Trại (một xã nhỏ nằm ngay dưới chân núi Ba Vì - Hà Nội), mùa này đang độ thu hoạch chè. Khi những cơn mưa rào ào ạt dội trên những phiến lá non cũng là lúc búp chè căng tràn nhựa sống.
Hương chè ảnh 1

Cây chè gắn bó với người miền núi qua nhiều thế hệ, bền bỉ, thủy chung dẫu cuộc sống cứ biến động ầm ào. Trẻ con từ khi biết bò đã quen thuộc với những luống chè trải dài tít tắp trong vườn, trên nương, ven sườn núi.

Hoa chè trắng muốt, điểm một nhúm nhụy vàng tươi đã biến lũ con gái thành nàng công chúa xinh đẹp trong chuyện cổ tích. Quả chè già là món đồ chơi vừa ngộ nghĩnh, vừa ngọt ngào; chơi chán, có thể cắn đôi từng quả, mút lấy chút nước ngòn ngọt, man mát để thưởng thức thứ hương vị đặc biệt mà chỉ có tuổi thơ mới cảm nhận hết được.

Nghề làm chè vất vả quanh năm suốt tháng không mấy khi được ngừng nghỉ. Chăm chè không vất vả bằng thu hoạch chè. Cứ cách hai tuần, những búp non mập mạp nõn nà nhú lên khỏi cành khoảng dăm bảy xăngtimet là phải lập tức hái về ngay. Nếu không kịp, búp sẽ già đi, chè sao lên uống không còn ngon nữa.

Từng sọt búp tươi được hái về đổ trên nền đất, rải ra cho bớt hơi nước, rồi mới nổi lửa trong lò để sao. Cứ năm cân chè búp thì được một cân chè khô. Nhưng phải qua bao nhiêu công đoạn mới có được những búp chè “móc câu” khô giòn ấy. Người sao chè phải chạy đua với nhiệt độ của bếp lò mà sao, đảo, vò, sàng sảy rồi “đánh mốc” để giữ được hương vị trong từng cánh chè.

Bàn tay người làm chè, ngay từ khi còn là thiếu nữ, lúc nào cũng ram ráp, chai sần, những móng tay vàng xịt nhựa chè. Nhưng đặt tay mình vào đó, sẽ cảm nhận được sự ấm áp, thành thật như tấm lòng của người miền núi.

Chè Ba Trại vẫn có tiếng là “được nước” – nghĩa là một ấm chè pha khéo, khi rót ra chén, nước có màu xanh trong veo, thoảng lên mùi hương ấm nồng thanh khiết. Uống từng ngụm nhỏ, thấm vào đầu lưỡi vị chát đậm rồi mới thấy vị ngọt lan tỏa dần dần. Chè pha đến nước thứ ba mà vẫn không đổi vị - đó là chè được hái đúng độ, sao tẩm đúng kỹ thuật. Và nhất là còn đọng lại trong đó bao nhiêu giọt mồ hôi của người trồng chè đã thấm vào đất đai.

Đã có một số nhà máy chế biến chè được xây dựng trong vùng, kí hợp đồng trực tiếp với bà con. Chiều chiều, những chiếc xe tải hạng nhẹ len lỏi vào từng xóm núi để chuyển chè tươi về nhà máy. Cuộc sống người dân cũng đỡ vất vả hơn. Nhưng không vì thế mà những bếp lò đắp bằng đất sét phía chái nhà bị dỡ đi.

Người đất chè sành lắm, họ không uống được thứ chè được chế biến công nghiệp, dù sao tẩm cách nào cũng vẫn phảng phất mùi dầu máy. Vì thế, qua hết tháng Giêng, khi những búp chè xuân bật mầm trong mưa bụi, họ hái về, tự tay mình sao khô, cất kỹ để uống dần quanh năm. Hay khi có người khách quý đến thăm, họ mới mang ra “biếu bác mấy ấm chè xuân”.

Chè cất trong hũ sành lót lá chuối khô, lúc nào cũng khô giòn như những chiếc móc câu hiền lành ấm sực mùi hương thuần hậu của núi rừng.

Ba Trại nhỏ bé khiêm nhường nép mình dưới bóng núi Tản Viên, bao đời nay âm thầm mà mãnh liệt chuyển mình từ vùng đồi núi hoang vu thành xóm, thành làng, thành những vạt chè xanh mướt trải miên man trong kỷ niệm của bao người. Không có những điểm du lịch như các xã lân cận nhưng Ba Trại là vùng đất đã đến là thấy thân thương, đi thì lưu luyến không thôi.

Có lẽ bởi những cánh chè bé nhỏ “hữu xạ tự nhiên hương” đã làm nên nỗi nhớ khi một lần bất chợt ghé thăm. Để hẹn với lòng mình ngày trở lại.

MỚI - NÓNG