Hữu Thỉnh và chút thảng thốt trước thời gian

Hữu Thỉnh và chút thảng thốt trước thời gian
TPCN - Thú thực, tôi trông đợi nhiều hơn ở cuốn sách này, ít ra thì cũng nghĩ là không chỉ bằng ấy trang! Nhà thơ Hữu Thỉnh nói về tập thơ "Thương lượng với thời gian"
Hữu Thỉnh và chút thảng thốt trước thời gian ảnh 1
Nhà thơ Hữu Thỉnh

Hữu Thỉnh là một trong số không nhiều nhà thơ còn đang được bạn đọc chờ đợi. Anh viết không ít nhưng việc công bố thì khá dè dặt. Từ tập “Thư mùa đông” (1994, Giải thưởng Hội Nhà văn 1995, Giải thưởng ASEAN 1996) đến “Thương lượng với thời gian” * (2005) là hơn mười năm. 

Nhưng tập thơ mới này cũng chỉ vừa tròn trăm trang, 56 bài, hầu hết là bài ngắn, một số lọc lại từ “hồ sơ lưu”, thậm chí là lấy từ một vài tập trước, tất nhiên có sửa, như tác giả đã sòng phẳng thưa cùng bạn đọc.

So với một tác giả lớp trước từng có thành tựu như Chính Hữu (Giải thưởng Hồ Chí Minh) thì “lượng” như vậy không phải quá ít, nhưng với tiềm năng của một nhà thơ chuyên nghiệp như Hữu Thỉnh, bạn đọc có quyền đòi hỏi cao hơn?

Tất nhiên, trong thơ, “chất” bao giờ cũng là ưu tiên số một. Điều làm người ta dễ dàng bỏ qua sự mỏng mảnh là không khó khăn lắm cũng có thể tìm ra những câu thơ hay, thậm chí là bài thơ hay trong “Thương lượng với thời gian”.

Như bài “Gửi người bộ hành lặng lẽ” tặng Chính Hữu chẳng hạn.Tôi đọc lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, đọc và có cảm tình ngay. Bài thơ ngắn, vẽ rất đúng chân dung tinh thần của tác giả “Đầu súng trăng treo”, người tự nhận là môn đệ của G.G. Rút-xô trong đoàn hành hương nhiều thế kỉ trên địa cầu:

Anh là khách quen của những buổi chiều/ Bạn thân cùng im lặng/ Anh chỉ mong tạo ra nhiều khoảng trống/ Khoảng trống dịu dàng, quà tặng của mùa thu/Thế kỉ sóng to/Anh lặn qua tận đáy/Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi/ Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ...

Hay nhất là câu thơ áp chót: Cây vẫn đây mà năm đã qua. Bao nhiêu bâng khuâng trong bảy chữ nhẹ như một hơi thở dài, là tâm trạng của người tặng thơ hay người được tặng?

Cảm thức thời gian quán xuyến cả tập mà cái tên sách đã gói ghém rất đúng: Mượn mùa thu một buổi/Ta về thăm cỏ đồi/ Tháng năm ai mài nhẵn/ Mòn sỏi trẻ con chơi/.../Ai mải đuôi cá cờ/ Bỏ quên chiều dải quạt/Ai chơi ô ăn quan/Giờ cười rung tóc bạc// Ra giêng ai lấy chồng/ Làm ngẩn ngơ tre trúc/Đình xưa mơ bóng hạc/ Sóng còn lưu luyến sông. (Mượn mùa thu một buổi).

Chút buồn se se lẩn quất trong nhiều bài, nhiều câu, đôi khi biến thành thảng thốt:  Đã vấp ngã, thưa thầy, nhiều vấp ngã/ Không ở đâu xa ở giữa con người/ Em bước đi hoảng hốt nghĩ về thầy/ Đời nhanh quá vui buồn chưa kịp cũ... (Thưa thầy).

Cũng có khi tác giả dùng cách nói trực tiếp, ít hình tượng: Đem cho. Đem cho/Không giữ lại chút gì/ Đòi lại. Đòi lại/ Không hề thương tiếc//Bày ra rồi xoá đi/ Ham chơi. Và bỏ cuộc/ Thời gian/ Ông là ai? (Thời gian).

Hữu Thỉnh và chút thảng thốt trước thời gian ảnh 2

Cái bài làm nên tên tập sách cũng vậy: Buổi sáng lo kiếm sống/ Buổi chiều tìm công danh/ Buổi tối đem trí khôn ra mài giũa/ Tỉnh thức/ Những hàng cây bật khóc (Thương lượng với thời gian).

Cách nói này có thể làm cho giọng điệu thơ phong phú hơn nhưng riêng tôi không thích lắm. Nó có vẻ còn sống sít. Dầu sao thì đây cũng là một hướng nỗ lực đổi mới, tuy còn lâu mới thay thế được giọng thơ chủ đạo: tình cảm,  nhỏ nhẹ, tài hoa, đôi  khi bay bướm trong mô-típ dân gian..., giọng thơ làm nên bản sắc của Hữu Thỉnh.

Ngay trong từng bài đôi khi cũng có sự lổn nhổn : Đụng một kẻ ngấm đủ mặt cái ác/Sống một ngày lội qua cả kiếp người//Ăn nói khó hơn yêu ghét khó hơn/ Đi suốt ngày đời vẫn nguyên chỗ cũ ... (Thấy).

Nói thế là vừa đủ và rất thơ. Nhưng hai câu tiếp theo thì theo tôi vừa thừa, vừa không đồng “tông”, sáo nữa: “Đố kị gian manh thấp khớp tháo dạ/ Tháng ba đầu cành hoa bưởi còn kia”?

 “Thương lượng với thời gian” chia làm ba phần, phần I chủ yếu là thế sự hay những suy tư về nỗi đời; phần II thiên về tự sự, phản ánh; phần III dành cho thơ tình yêu.

Thơ trong phần II nói chung vẫn tiếp nối bút pháp từ thời thơ chống Mỹ nhưng vẫn mang nét rất riêng của Hữu Thỉnh. Ngay trong những bài bình thường vẫn có những câu tài hoa, trội vượt hẳn lên.

Chẳng hạn bài “Bóng dừa” (Kính tặng các má Bến Tre) có hai câu chơi chơi mà rất gợi “Mái lá, tường cũng lá /Trời trong chum nước chiều”!

Nhân tiện nói thêm, Hữu Thỉnh rất chú ý đến trời, mây, những câu thơ “ngước lên” của anh khá hay: Mẹ ơi mây héo con xin mẹ/ Cho con lên an ủi mặt trăng buồn/ Chợ tan đường cũng tan như chợ/ Bán được buồn hay mua được buồn hơn (Đất ngày thường).

Kẻ chậm chân có thể là mây nõn/ Mải ngu ngơ với chim mới ra ràng/Kẻ chậm chân có thể là anh nữa/ Trái tim cồng kềnh thơ phú đa mang (Sang thế kỉ).

Ta im lặng vì quá nhiều mây trắng (Nghẹn) Mây vừa đi vừa ngoái lại trông người (Ngẫu cảm) Mây kia ham sự nhất thời/ Bao nhiêu oan nghiệt mắt người ngước lên (Vô thanh)…

Ngay cả khi “cúi xuống”, anh cũng tìm cái bóng của trời xanh: Mặc ai xô dạt mỗi ngày/ Múc đau lòng giếng vẫn đầy sao hôm (Những người đi lại phía tôi).  Một lời như thể giếng thơi/ Soi trong đất lại thấy trời ở trong (Một lời)…

Gần gũi với mây là khói, là gió, gió lại gợi đến sóng, đến cây, đến biển… Những thi liệu này trở đi trở lại trong thơ Hữu Thỉnh . Thiên nhiên trong thơ anh không thật thà , không đẹp theo lối tả thực (như cái câu tặng má Bến Tre kia!) mà thường lung linh, mờ ảo, điểm xuyết như một ẩn dụ, một biểu tượng… Cái mới này có từ

“Thư mùa đông” và tiếp tục phát huy hiệu quả trong “ Thương lượng với thời gian”.

Đọc đủ ba phần, có lẽ phần III đồng đều, nhiều bài hay hơn cả. Nếu bài “Hai nhà” (1962?) khiến ta mỉm cười vì cái giọng quê quê, hóm hóm Hôm qua bên ấy lẩy Kiều/ Bên này căm mãi cái mưu Tú Bà thì bài “Hạnh phúc” lại có kiểu đay nghiến, bất chấp Chẳng có ai dạy hoa/ Nở cách nào thì thắm/ Thế mà họ khuyên em/ Đừng yêu anh, bất hạnh//Em bướng bỉnh như trời/ Nối sào không chịu thấp/Anh lầm lì như đất/ Ai nói gì cứ nâu. Thiên hạ mua đào để đón Tết, thưởng xuân, chỉ có Hữu Thỉnh Mua đào tiễn mỗi xuân đi/ Năm năm tháng tháng chắc gì đã em!

Cái giọng bất chấp, đúng ra là nói phẫn (trước khi cam chịu!), không chỉ gặp một lần: Anh đã yêu em trên tất cả những gì nhảm nhí/ Mây đến quanh ta thành đồ đạc đời thường// Đến quả chín cũng phải cần vỏ bọc/ Hai đứa mình vừa bóc một lần yêu (Lọc).

Bài thơ tình hay nhất trong tập, theo tôi là bài “Hoa tặng”. Một chút tội nghiệp, chua xót,  nhàu nát mà nhân văn lan toả từ 12 dòng thơ 5 chữ- thể thơ quen tay và thành công hơn cả của Hữu Thỉnh. Xin được dẫn cả bài:Bông hoa này tới em/Sau bao người mặc cả/Con đường này tới em/Sau bao nhiêu lầm lỡ//Người ta đã nhấc lên/ Rồi người ta đặt xuống/ Anh là kẻ dại khờ/ Mua hoa này đem tặng//Anh muốn bước thật êm/Nhưng cầm sao nổi gió/Biết vậy em vẫn cười/ “Anh xem, hoa vừa nở”.**

9/2/06 (12 Giêng Bính Tuất)

Nguyễn Hoàng Sơn

(*)NXB Hội Nhà văn 2005 (**) Những dòng in đậm là do người phê bình nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG