Huy Cận, giai thoại

Huy Cận, giai thoại
Dạo ấy đang chiến tranh, một buổi tối tôi đến lấy bài đặt anh Xuân Diệu viết, thấy anh Huy Cận đang bàn với anh Xuân Diệu về việc xin nghỉ công tác Thứ trưởng.

Hình như trong công việc, anh Huy Cận có chỗ không hài lòng.  Việc riêng của các bậc đàn anh, tôi ngẫu nhiên có mặt và các anh coi là chỗ thân tình nên không ngừng câu chuyện. Tôi nghe nhưng không tham gia. Không phải việc mình. Nhưng anh Diệu lại quay về phía tôi nói như giải thích:

- Anh Cận muốn thôi làm Thứ trưởng, tập trung vào làm thơ. Có đủ thời gian, chắc anh Cận sẽ viết được nhiều. Ngoài thơ, anh Cận có thể viết tiểu luận, viết phê bình, bút ký. Đấy là một tiềm lực anh Cận chưa khai thác. Nhưng anh thì khuyên anh Cận cứ tiếp tục làm Thứ trưởng.

Anh Diệu lai quay sang phía anh Cận nói tiếp:

- Cận làm thơ, Cận lại làm Thứ trưởng là Cận vừa có cánh vừa có vuốt. Cận không làm Thứ trưởng thì người ta vẫn đăng thơ Cận, nhưng Cận làm Thứ trưởng thì Cận có nhiều điều kiện để làm thơ hơn. Nhiều thông tin, nhiều điều kiện thâm nhập đời sống trong nước, ngoài nước. Đấy là một lợi thế chứ, Cận không nên bỏ.

Huy Cận ngồi lắng nghe, không nói gì, nhưng có vẻ xiêu xiêu. Xuân Diệu cười to, nói thêm:

- Chưa kể Cận làm Thứ trưởng, Diệu còn được đi nhờ ô tô.

Huy Cận vẫn ngồi im, không cười, hình như đang đuổi theo một mạch nghĩ. Xuân Diệu lại quay sang nói với tôi:

- Mình đi nhờ xe Huy Cận, nhưng đến đâu Huy Cận cũng giới thiệu mình là nhà thơ lớn, còn anh ấy chỉ là Thứ trưởng, như đi theo mình, như thư ký. Mình thành vinh dự quá. Nhưng không thể để bà con lầm. Mình giới thiệu Huy Cận cũng là nhà thơ lớn, thì ông ấy lại cải chính rằng ông ấy là nhà thơ béo chứ không lớn.

Đến lúc này Huy Cận mới cười. Nụ cười thật chất phác, hiền, ông nói như phân bua:

- Thì rõ ràng là Cận béo, Diệu mới cao lớn chứ. - Rồi anh xuống giọng, nói với Xuân Diệu - Những điều Diệu nói Cận sẽ suy nghĩ.

Sau đó tôi thấy Huy Cận vẫn làm Thứ trưởng, đặc trách công tác văn công.

Văn công ai chả thích

Hình như ban đầu nhiệm vụ quản lý các đoàn văn công không làm Huy Cận thích thú lắm. Nhà thơ quân đội Chính Hữu, trong ban lãnh đạo Tổng cục Chính trị,  cũng đảm nhiệm công việc quản lý văn công quân đội, có lần tôi đã nghe ông than thở cái sự bận như bận con mọn của việc này: mình làm thơ nhưng bây giờ phải lo cả phấn son, khổ thế... Việc này nó cụ thể lắm, lắt nhắt lắm...

Huy Cận lo cho văn công cả nước chắc còn bận hơn, lắt nhắt hơn. Nhưng trời phú cho Huy Cận một phong thái từ tốn, công việc tuần tự trót lọt. Sau năm 73, chiến tranh chấm dứt, Huy Cận dẫn nhiều đoàn văn công đi biểu diễn ở các nước Tây Âu. Có lần ông hồ hởi nói:

- Mình có cái may hơn nhiều anh em là được xem nguyên bản tranh của Raphaen, của Rămbrăng ở các Bảo tàng châu Âu.

Hình như công việc quản lý văn công lại tạo nhiều cảm hứng cho thơ. Thấy ông anh có vẻ hài lòng, thích thú, nói nhiều đến nghệ thuật múa hát, tôi gạ ông cho tôi vé đi xem. Tôi nói khéo léo, có tính chất gợi ý:

- Anh phụ trách văn công, em cũng thích xem văn công lắm.

Ông nói ngay:

- Văn công ai mà chả thích.

Thế là tôi hết chỗ tán để xin vé. Còn ông thì nói sang chuyện khác.

Thơ viết dọc đường

Huy Cận, giai thoại ảnh 1
Nhà thơ Huy Cận đang trao đổi với đồng nghiệp                             Ảnh: N.Đ.T

Vào cuối cuộc chiến tranh phá hoại, Mỹ tiến hành nhiều trận ném bom hủy diệt các thành phố miền Bắc. Sau ngày Hồng Gai bị ném bom dữ dội, Thứ trưởng Huy Cận đi Quảng Ninh kiểm tra công tác văn hoá, tình cờ gặp tôi, ông rủ tôi đi. Tôi mến thơ ông, nhưng còn ít dịp được trò chuyện với ông về thơ. Tôi nhận lời ngay.

Trên xe còn có hai cán bộ của Bộ, họ trao đổi công tác với Huy Cận Thứ trưởng, nên tôi không dám hỏi chuyện làm thơ. Giữa đường xe bị hỏng. Lái xe lúi húi chữa. Các cán bộ đi trên đường ngắm cảnh. Huy Cận không đi đâu, ông  ngồi trên một cột cây số ven đường. Tôi tiến đến định hỏi chuyện, nhưng thấy vẻ nghĩ ngợi của ông, tôi lại thôi. Ông ngồi trầm lặng, bất động.

Xe chữa xong, anh em mời ông lên xe, ông như choàng tỉnh. Tới Quảng Ninh, ông làm việc ngay. Tối đó cũng làm việc. Sáng hôm sau, còn sớm lắm, tôi nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Tiếng Huy Cận thì thào:

- Ông đã dậy chưa? Có ngủ ngon không? Mình mới làm được bài thơ muốn đọc cho ông nghe.

Tôi rất xúc động, luống cuống mời ông vào. Được một nhà thơ mà mình coi như thần tượng đọc bài thơ mới viết cho nghe là một hạnh phúc. Nhưng đầu tóc vừa ngủ dậy còn bù xù, mặt còn chưa kịp rửa. Nhưng ông cũng không hơn gì. Tôi thật sự lúng túng, nhưng Huy Cận không mảy may quan tâm đến điều đó. Ông vừa đọc vừa giảng. Không có lời giảng của ông thì người nghe nào cũng hiểu. Nhưng ông cứ chu đáo thế. Đọc xong, ông nhìn tôi, thân ái hỏi nhỏ:

- Được không? Tôi hỏi ông có được không.

Tôi thấy bài thơ hay, nên thẳng thắn đáp:

- Em thấy hay. Anh vừa viết à?

- Viết sáng nay. Nhưng được thật không? - Ông có vẻ băn khoăn về lời khen của tôi.

- Em thấy thích. Tôi đọc lại mấy câu trội của bài thơ.

Huy Cận tươi nét mặt:

- Ở nhà làm xong, tôi đọc cho Xuân Diệu nghe để hỏi cảm giác ban đầu. Hôm nay tôi hỏi ông, ông bảo được hả. Thế thì được rồi. Tôi sẽ đọc ông nghe bài nữa. Bài này tôi làm hôm qua. Nếu cũng được thì sáng nay tôi cho tôi được quyền ăn hai bát phở.

Ông đọc một bài lục bát. Tôi kinh ngạc nhìn ông. Trong một ngày, ông đã có hai bài thơ hay, mà chỉ tận dụng những mẩu thời gian đầu thừa đuôi thẹo. Thì ra lúc hỏng xe giữa  đường hôm qua, lúc ngồi thu lu trên cái cột cây số cũng là lúc ông làm thơ. Tôi ngạc nhiên với cả cái cảm giác hồi hộp của một nhà thơ như ông khi đưa tác phẩm tới bạn đọc.

Ông nói năng giản dị, đối với một đàn em chập chững vào nghề như tôi, ông thân tình, trân trọng, xoá nhoà nhiều cách biệt về tuổi tác, về chức vụ, về tài năng, cứ ông ông tôi tôi như đối với bạn đồng môn. Tếu táo trong tác phong nhưng thơ thì thâm trầm sâu sắc vào bậc nhất trong cả nền thơ lúc ấy.

Mấy ngày đó, cùng ông đi trên phố chính của thị xã Hồng Gai bị bom Mỹ phá bằng địa, ông giảng tôi nghe một quan niệm thơ của La Mã cổ điển mà ông cho là quan trọng bậc nhất: tính chừng mực. Nghe ông, tôi rất tiếc là ông đã không viết tiểu luận thơ, kinh nghiệm nghề.

Công việc xã hội chính trị lấy đi khá nhiều thì giờ của ông. Mà ông cũng quen với nếp sống đó rồi, không dám rời bỏ để dốc sức cho thơ. Ngay cả khi ông đã cao niên, đã vào đại thọ. Mất ở tuổi 85 mà chưa có một ngày nghỉ hưu. Chưa có thời gian để viết hết những điều chiêm nghiệm về thơ, về đời.

Tôi chế tạo kẹo Nuga

Không biết có phải nếp sống bình dị, lạc quan đã tạo nên sức khỏe cho Huy Cận. Ông không tập thể dục siêng năng đều đặn như Xuân Diệu, nhưng tôi thấy ông dễ ăn, dễ ngủ. Lên xe, ngừng nói chuyện ông có thể ngủ ngay. Nhà văn Tô Hoài còn khoe: Ngồi Chủ tịch đoàn, ông có thể vừa ngủ vừa nghe, ngủ không gật và đứng dậy là phát biểu mạch lạc được ngay. Ông ăn uống rất ngon lành. Được mời ông, ai cũng thích vì tính dễ dãi chân tình của ông.

Ông không khách khí, lúc nào cũng trân trọng sản vật nuôi người của trời đất, dù chỉ là củ khoai lang, cái bánh rán. Xuân Diệu ăn để bảo vệ sức khoẻ, ăn như nhiệm vụ nạp năng lượng sản xuất. Huy Cận ăn hồn nhiên hơn nhiều. ăn vì thấy thích ăn, muốn ăn. Nhìn ông ăn mà thấy yêu ông, yêu đời.

Lần đi Hồng Gai ấy, lúc trở về Hà Nội, ghé một quán phở mậu dịch sơ tán dọc đường, Huy Cận tươi cười hỏi cô bán phở đang thái tảng thịt chín: Cô thái thịt rất khéo, cô có muốn tôi đọc thơ cô nghe không? Cô mậu dịch viên lúng túng không biết trả lời sao. Thấy cái ô tô và dáng điệu phục phịch của Huy Cận thì cô biết đây là một "ông to".

Hồi ấy chỉ "ông to" mới ngồi xe bốn chỗ và mới có thể béo được. Nhưng "ông to" mà xuề xoà như ông này thì chắc cô chưa gặp, hơn nữa lại còn chuyện đọc thơ. Thấy cô bán phở chỉ cười cười không dám nói gì, Huy Cận nói thêm, vẫn giọng tếu táo: Thế cô có nhận ra tôi không đã, tôi là Huy Cận, cô đi học đã học thơ Huy Cận chưa? Tôi sẽ đọc thơ tặng cô, nhưng cô phải cho bát phở Huy Cận nhiều thịt.

Cô gái không biết có nhớ thơ Huy Cận đã học ở trường không, nhưng cô nhìn ông nhà thơ đã thân tình và quý mến hơn, chí ít tác phong của ông làm cô thấy dễ mến, dễ thân. Cô chỉ vâng, vâng nho nhỏ và tay vẫn thái thịt. những lát thịt mỏng như xếp vào nhau bên lưỡi dao dưới tay cô. Bất ngờ Huy Cận rón tay, nhấc lên một lát thịt mỏng, ông ngửa cổ, thả nó vào miệng, ngon lành như trẻ nhỏ. Cử chỉ hồn nhiên ấy, tôi ngỡ như chứng kiến một giai thoại về một nhà thơ dân gian cổ xưa, không hề thấy dấu vết nào của ông Thứ trưởng long trọng thời bấy giờ.

Có lần, một cơ sở kinh tế tiếp các nhà văn nhà báo. Chúng tôi vừa nghe báo cáo vừa ăn bánh kẹo. Bánh kẹo thời chiến tranh cũng đạm bạc, kẹo mềm chỉ thấy đường, bánh kem Thủy Tạ và lạc rang với bia hơi. Tôi ngồi gần Huy Cận, ông đến với tư cách nhà thơ, nhưng chủ nhà lại không thể tiếp ông Thứ trưởng Bộ Văn hoá như dân thường nên cứ chất quanh ông thật nhiều bánh kẹo.

Ông ăn bánh kem, ông uống bia cùng với mọi người, như mọi người. Nhưng ông ăn kẹo thì hơi lạ: ông cho kẹo vào miệng, một cái, hai cái rồi bốc lạc rang, hớp cả nắm, nhai cùng. Tôi nhìn ông, mấy người khác cũng tò mò nhìn ông. Ông ghé tai tôi, nói nhỏ: Tôi chế tạo kẹo Nuga. Kẹo Nuga là loại kẹo mềm có lạc, thì ông trộn kẹo với lạc mà nhai cùng. Quả là sáng kiến. Tôi làm theo và thấy ngon hơn nhiều. Ở tuổi ấy, ở cương vị ấy mà còn nghĩ ra cách ăn kẹo cho thấy ngon như con trẻ.

Cách sống hồn nhiên ấy ai bảo không hàm chứa một triết lý yêu đời và tự tin sâu sắc.

MỚI - NÓNG