Huỳnh Lê Nhật Tấn “chơi ngông” với áp phích thơ

Huỳnh Lê Nhật Tấn “chơi ngông” với áp phích thơ
TP - Tranh thơ của Huỳnh Lê Nhật Tấn bị nhiều người dè bỉu rằng “làm nghệ thuật viển vông, hao mòn công sức không được gì cả”, nhưng anh thì nghĩ mình phải làm, dù phải bỏ tiền túi bởi niềm tin: Có cái gì mới lạ hãy nên thử nghiệm dù không thành thì kẻ khác làm tiếp sẽ đẹp đẽ hơn.
Huỳnh Lê Nhật Tấn “chơi ngông” với áp phích thơ ảnh 1
Huỳnh Lê Nhật Tấn và các tác phẩm của mình

Áp phích thơ là cái tên vui vui do tôi đặt ra, còn Tấn gọi thể loại nghệ thuật mà anh theo đuổi bằng cái tên Tây ta hỗn hợp là “tranh thơ graphic art”. Thôi thì cứ gọi tạm những tác phẩm của anh là tranh thơ.

Xem tranh thơ của Tấn, nếu cố gán ghép cho nó một thể loại để hiểu, sẽ dẫn đến việc không hiểu nổi, và nhiều người đã nghi hoặc rằng Huỳnh Lê Nhật Tấn chơi ngông.

Nhưng Tấn thì đương nhiên không nghĩ thế, anh chỉ thích và làm, làm trên một trăm bức, để rồi chọn ra 49 bức đem từ Đà Nẵng ra Hà Nội triển lãm.

Trước hết, nói về thị giác, tác phẩm của Tấn gần với một trang trí đồ họa, đó có thể là một minh họa trên báo, tạp chí; một hình vẽ trên tường kiểu graffiti, thậm chí một tranh cổ động. Anh chế ra chúng bằng những phác thảo trên giấy, sau đó quét vào máy tính và dùng một số phần mềm đồ họa hoàn thiện.

Đó có thể là gì: một minh họa cho câu thơ, hoặc một câu thơ tức cảnh về bức họa? Tấn nói đa phần chúng xuất hiện song hành. Dường như anh tưởng tượng hình ảnh thơ trong não, ám ảnh nghĩa và hình màu cùng lúc. Anh phản đối việc quy chụp cho mình việc “minh họa cho câu thơ”.

Tranh và chữ đi với nhau không phải là chuyện lạ: Một bức thủy mặc đề vài câu thơ, các cụ cũng đã làm; Bản thảo viết tay của nhà thơ Trần Dần là những tác phẩm đan xen thơ chữ hết sức độc đáo; Tranh cổ động với những hình ảnh cô đọng và một câu khẩu hiệu; Gần đây nhất là sự bùng nổ của truyện tranh; Những tấm poster, biển quảng cáo cũng là một hình thái của thứ graphic art này.

Tuy nhiên, Huỳnh Lê Nhật Tấn đi theo một con đường khác hẳn. Cận cảnh vào những tác phẩm của anh, sẽ thấy nhiều gợi mở.

Huỳnh Lê Nhật Tấn “chơi ngông” với áp phích thơ ảnh 2

Huỳnh Lê Nhật Tấn “chơi ngông” với áp phích thơ ảnh 3
Huỳnh Lê Nhật Tấn “chơi ngông” với áp phích thơ ảnh 4

Nhiều chữ trên tranh  thơ của Tấn thực ra không phải là thơ theo nghĩa thường gặp. Trên một bức có hai người ngồi bên khung cửa là chữ “x+y”; trên một hình con cá có mũi đinh ba xuyên qua mắt là “những con cá ngái ngủ trong lưới”; cụm từ “lột xác” có mặt trong tổng thể những robot lơ lửng; trên một bức khá hỗn độn với cầu thang và hình người trừu tượng giống một nhũ đá có dòng chữ “góc vuông loài người”…

Kỳ thực, không thể tách chữ riêng và hình riêng để xem xét trong tác phẩm của Huỳnh Lê Nhật Tấn, chữ được trình bày như một phần của tranh, hình và màu của tranh lại đồng điệu với chữ tạo cảm giác. Đây chính là cái khác với lối vẽ một bức tranh hiện thực rồi sinh tình vài câu thơ, hoặc đã có sẵn vài câu thơ rồi vẽ một bức tranh phụ họa.

Ra Hà Nội làm triển lãm cũng với hai nghệ sĩ đồng hương (Mỹ Dũng - nhà nhiếp ảnh và Nguyễn Mỹ Lê - nghệ sĩ thị giác), tất cả đều phải bỏ tiền túi, khoảng tên dưới 60 triệu đồng, riêng Tấn cũng tiêu tốn trên chục triệu.

Số tiền này không nhỏ, nếu biết hiện nay nghệ sĩ này hành nghề tự do, đồng nghĩa với cuộc sống bấp bênh. May mà anh hiện vẫn “độc thân vui tính”.

Viết báo một chút (Tấn là cử nhân báo chí), làm thiết kế ấn bản, rồi minh họa và làm thơ, … Tấn chọn tư thế của một nghệ sĩ độc lập. Tuy vậy công việc làm tranh thơ của anh bị nhiều người dè bỉu rằng “làm nghệ thuật viển vông, hao mòn công sức không được gì cả”, “triển lãm như thế chỉ là cuộc chơi ngắn đừng chơi làm gì”.

Nhưng anh thì nghĩ mình phải thực hiện bởi niềm tin: có cái gì mới lạ hãy nên thử nghiệm dù không thành thì kẻ khác  làm tiếp sẽ đẹp đẽ hơn.

Cũng có thể lý giải nghệ thuật của Tấn phần nào khi cận cảnh một chút “trích ngang” của anh: Đam mê hội họa từ nhỏ và ước ao làm hoạ sĩ, hoàn cảnh đưa đẩy lại đi học báo chí nhưng trong những ngày học đại học báo chí Tấn lại vẫn mải mê vẽ minh hoạ cho các báo có trang văn học.

Rồi làm đồ họa kiếm sống, nay Đà Nẵng mốt Sài Gòn. Anh ám ảnh bằng những câu thơ:

Hãy đừng đánh mất hy vọng sống/ Dù nhịp đáy tim ta gào nguyên góc ngày dài phẳng/ Đắp ấm lên thân kẻ lạnh hồn/ Chiếc bàn tam giác & ánh đèn vàng gói đốm đen/ Ngôi nhà bụi ố khuất hiện thức lớp màng nhện phản xạ/ Câu thơ độc dược phản nghĩa nằm thổi anh bay đi/ năm cánh mẫu tự thả vào lục bình trôi...

Hiện nay Huỳnh Lê Nhật Tấn còn dự định sẽ chuyển dịch tranh thơ với phần lời là tiếng nước ngoài để thử nghiệm với người xem đa quốc tịch, đa văn hóa. Xem ra chàng trai sinh năm 73 này không chịu ngồi yên.

MỚI - NÓNG