Kẻ dám hái...trái cam mặt trời”

Kẻ dám hái...trái cam mặt trời”
TPCT - Vương Dung ngoài đời, gương mặt không son phấn vẫn ngời lên vẻ kiêu hãnh, phá phách của kẻ dám hái... “trái cam mặt trời”. Cô hồ hởi cùng tôi nói những chuyện phía sau ánh đèn sân khấu.

Dung sinh ra trong một gia đình nề nếp, bố mẹ đều là bác sỹ quân y. Bố thường xuyên đi xa, tuổi thơ của cô trôi đi yên ả, trong sự bao bọc của bà và mẹ. Ký ức đọng lại trong cô về “ngày xưa ấy” chính là những trò nghịch ngợm, những trận đòn roi. 

Nhìn Vương Dung ở tuổi 22 bốc lửa trong khúc ca nồng cháy “Em hái trái cam mặt trời mỗi khi chiều về, trái cam mặt trời gửi anh, tặng anh” thì cũng dễ dàng hình dung một nhóc Dung quậy phá thời thơ bé.

3 tuổi, mẹ cho Dung để đầu trọc lốc. Đến lớp 1, tóc dài, mẹ buộc cho con gái yêu 2 bím xinh xinh. Nào ngờ, cô nhóc không thích, cứ đòi cắt tóc như con trai. Mẹ cũng chiều.

Suốt thuở hái hoa, bắt bướm, Dung kết thân với đám bạn mặc quần soóc, ít ngó ngàng đến phe buộc tóc, thắt nơ. 

Có một lần nổi hứng “cậu” Dung đi chơi với 4 cô nàng. Rồi không hiểu chuyện gì xảy ra, “cậu” xông vào đánh 4 cô, khiến phụ huynh của họ phải đến nhà “tố cáo”. Mẹ nóng mặt, định cho Dung “ăn” đòn, may có bà ngoại can ngăn kịp thời, nên thoát. Nhưng không phải lúc nào bà cũng giúp Dung thoát đòn roi của mẹ. Bởi cả bà và mẹ đều có chung quan niệm: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi”.

Kẻ dám hái...trái cam mặt trời” ảnh 1

Đường tới Sao Mai

Dung có cái mũi nhỏ và thanh, nhưng ấn tượng nhất trên gương mặt cô chính là đôi mắt to, đen, sâu thăm thẳm như muốn uống tận đáy khát khao. “Em giống ai, mẹ hay bố?” - Tôi hỏi. Dung trả lời: “Em rất giống mẹ, từ hình thức tới tâm hồn”.

Với Dung, mẹ là hình ảnh đẹp đẽ nhất: “vừa dịu dàng, nhân hậu, lại mạnh mẽ vô cùng”. Không ai khác, ngoài mẹ, đã dạy cho cô bài học vào đời đầu tiên. Mẹ bảo: “Phụ nữ cũng phải có cá tính, phải độc lập, kể cả về mặt tài chính, cho dù bên cạnh  mình luôn có một người đàn ông để nương tựa”. 

Trên sân khấu Sao Mai 2005, khi nhạc nổi lên rộn ràng, Dung cất tiếng hát: “Âm vang lòng thành phố. Miền quan họ ta ơi. Vẫn hẹn hò từ đó. Một Kinh Bắc xa xôi”, thì bao tiếng vỗ tay đã nổi lên từ phía khán giả, có lẽ người vỗ tay nhiều nhất chính là mẹ cô.

Trước khi cái tên Vương Dung xuất hiện thì mấy ai biết “Thành phố miền quan họ” (Nguyễn Cường) hay đến thế? Dám thể nghiệm mình bằng một ca khúc mới lạ cũng là một cách thể hiện cá tính của người nghệ sỹ.  Và thành công đã mỉm cười với cô.

Thật ngạc nhiên khi Vương Dung tiết lộ: “Ngày bé em không hát hò, vì sợ đám đông lắm”. Nhưng mẹ cô, một ca sỹ nghiệp dư, lại nhận ra năng khiếu tiềm ẩn của con gái mình. Chính mẹ là người định hướng Dung thi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội (nay đã nâng lên Đại học-PV) khi cô học xong lớp 11.

Đến cuộc thi Sao Mai vừa rồi, Dung cũng thích thử sức mình nhưng thấy thủ tục đăng ký dự thi hơi “phức tạp” nên định bỏ cuộc. Lại chính mẹ đã thay cô làm thủ tục và động viên con gái dự thi ngay tại quê hương - thành phố Hải Dương. Cuộc thi Sao Mai kéo dài từ cấp tỉnh đến toàn quốc, nhưng không lúc nào gia đình không ở bên Vương Dung.

5 năm nay Vương Dung sống xa nhà. Thỉnh thoảng về thăm quê, cô cũng muốn trổ tài đảm đang nhưng mẹ không muốn thế. Cứ về Hải Dương, mẹ chỉ muốn con gái yêu nghỉ ngơi, ngồi nói chuyện, việc bếp núc mẹ lo.

Kẻ dám hái...trái cam mặt trời” ảnh 2
Mẹ của Vương Dung

Ở thủ đô, Dung thuê nhà gần khu Nhạc viện Hà Nội. Một ngôi nhà nhỏ hai tầng, nằm sâu trong ngõ. Vật trang trí duy nhất treo tại phòng khách (cũng là phòng ăn) chính là tấm hình Vương Dung trong bìa CD “Trái cam mặt trời” mới phát hành.

Bố vẫn đang bận công tác, mẹ rảnh rang hơn vì đã nghỉ hưu nên khoảng nửa tháng lại lên thăm con một lần.

Ngày bé, mẹ dùng roi vọt dạy Dung. Khi Dung thành thiếu nữ, mẹ trở thành người bạn đáng tin cậy để cô trút bỏ tâm tình, tìm một lời khuyên. Cậu em trai của Dung năm nay cũng đã 18 tuổi, rất yêu thương và tự hào về chị gái.

Khát vọng tình yêu 

Sau cuộc thi Sao Mai, cái tên Vương Dung đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng ngôi Sao Mai mới mọc này tâm sự: “Em vẫn sống như thời sinh viên thôi”. Dung vẫn đi siêu thị mua đồ ăn rồi  tự nấu nướng, giặt giũ, thu dọn nhà cửa như  những người phụ nữ bình thường khác.

Chuyện yêu đương của cô cũng giản dị. Chàng trai bé nhỏ, có nụ cười duyên, tay trống của ban nhạc Đồng đội, thường xuất hiện trong chương trình “Trò chơi âm nhạc” chính là “một nửa” của cô.

Tiền tài, vật chất, danh vọng… những thứ hào nhoáng ấy, chưa đủ sức quyến rũ cô gái cá tính này. Người đàn ông để Vương Dung trao trái tim phải là người biết trò chuyện cùng cô, phải yêu cô như “trái cam mặt trời” cháy bỏng và không thể thiếu hai chữ “thủy chung”.

Cô kể lại chuyện tình của cha mẹ với giọng đầy ngưỡng mộ: “Lấy nhau xong, bố em sang nước bạn làm nhiệm vụ quốc tế suốt mấy năm liền. Mẹ ở nhà nuôi con, thủy chung chờ đợi ngày bố trở về”.

Hiện tại, Dung và anh ấy đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc TW. Công việc bận rộn nhưng họ vẫn dành thời gian chăm sóc nhau. Đó là những bữa ăn do tự tay Dung nấu, là những buổi tối chạy xe vòng quanh phố vắng hay la cà quán cà phê…

Tình yêu mới đơm hoa một năm, chưa dài, nhưng cũng đủ xây đắp trong cô giấc mơ về “ngôi nhà và những đứa trẻ” giống như cha mẹ cô đang có. Đôi mắt to, đen ngước lên lấp lánh niềm tin, Dung cất tiếng hát, phá tan đêm buông dần: “Vòng tay yêu thương có thể rộng mở. Bóng mây muộn sầu có thể dần tan. Và điều này thật rộn ràng êm ái. Có thể một ngày mai chúng ta sẽ thành đôi”.

MỚI - NÓNG