Kẻ nhập tịch quái dị trong làng gốm

Kẻ nhập tịch quái dị trong làng gốm
Ở làng gốm Bát Tràng, Nguyễn Ngọc Tuấn được biết đến như một “kẻ nhập tịch quái dị”, lập dị như chính những tác phẩm của anh trong sáng tạo nghệ thuật gốm: Luôn lệch chuẩn, không giống ai, nhưng đẹp.
Kẻ nhập tịch quái dị trong làng gốm ảnh 1
Tác phẩm gốm của Nguyễn Ngọc Tuấn. Ảnh:TT

Nguyễn Ngọc Tuấn học ngành vẽ bản đồ nhưng lại “kiếm cơm” bằng nghề vẽ sơn dầu. Được một dạo thì bỏ vì “nghề ấy rất đơn điệu và chóng chán, không phù hợp với một người có máu tung tẩy như tôi”.

Anh không sinh ra ở mảnh đất này nhưng làm rể làng gốm. Rày đây mai đó chán chê, anh quay về Bát Tràng sống lặng lẽ. Tại đây nghề gốm đã thu hút Tuấn. Anh bắt đầu thử nghiệm mình ở một cuộc chơi mới: Nghệ thuật gốm.

“Họ bảo tôi là thằng điên!”

Tuấn tâm sự: “Tôi vốn là một thằng nghịch ngợm, ham chơi. Tuổi trẻ tôi đã rong ruổi khắp các làng nghề từ Bắc vào Nam. Từ những chuyến đi tôi rút ra một chân lý đơn giản gần gũi với mình: Bắt đầu từ đất. Từ cục đất vô tri, vô giác lại có thể tạo ra những sản phẩm đẹp cho đời. Những điều đó cứ hun đúc, thấm dần, ăn sâu và trở thành đam mê trong tôi”.

Trở về từ những chuyến viễn du, Tuấn chỉ có tài sản là hai bàn tay. Và anh bắt đầu bằng đi làm thuê làm mướn đủ nghề chỉ để kiếm tiền đầu tư cho... đất.

Khi đi thăm các nơi sản xuất anh đã phát hiện trong gốm có những nét mà người khác không tưởng tượng ra được, thậm chí chính bản thân những người làm có khi cũng không biết nó đẹp như thế nào từ màu sắc đến đường nét.

Trở về nhà, anh âm thầm cùng vợ đắp lò, ngày đêm pha chế, thử nghiệm. Lần lượt những sản phẩm ra lò của anh gây rất nhiều ý kiến trái chiều khi tất cả sản phẩm đều không “dính vết cổ truyền”.

Nghĩa là nếu những sản phẩm của làng được rập khuôn máy móc theo thói quen đã tồn tại hàng trăm năm với quy chuẩn “vẽ bút lông, thân cân đối”... thì những sản phẩm của anh như những đứa con sinh ra bị dị dạng. Tất cả đều méo mó, lằng nhằng, thậm chí nát vụn... Nó lệch chuẩn so với những gì gốm từng có.

Những sản phẩm lệch chuẩn đó khi mới ra đời đã bị không ít người tẩy chay. Tuấn kể: “Người ta bảo tôi là thằng điên, phỉ báng tôi là thằng phá hoại, phản truyền thống và không thể hiện được bất cứ đặc trưng văn hóa Việt nào trên mỗi sản phẩm.

Bình gốm, lọ gốm gì mà miệng méo, đít bẹp, thân vừa vuông vừa tròn, lổ loang khoang vện, xù xì, thô ráp... Làm như thế có ma nó mua. Thú thật, tôi cũng buồn, nhưng nghệ thuật luôn là sự lệch chuẩn. Tôi tin những thử nghiệm mới cho những vũ điệu gốm rồi thể nào cũng mang lại thành công”.

Đưa gốm vào cuộc sống

Kẻ nhập tịch quái dị trong làng gốm ảnh 2
Nguyễn Ngọc Tuấn bên các tác phẩm của mình. Ảnh: TT

Tuấn không để những định kiến đó dìm mình. Vốn dĩ thâm trầm, anh lặng lẽ làm việc của mình. Rồi dòng gốm lạ lùng của anh lọt vào mắt những người sành gốm. Họ mang gốm anh ra khỏi làng. Từng sản phẩm, tác phẩm cứ lặng lẽ đi xa, không ồn ào. Không ồn ào nhưng  gốm của Tuấn giờ đã có mặt khắp nước, kể cả ra nước ngoài.

Thế nên khá bận bịu: “Tôi giờ đây bạ đâu là nhà, ngả đâu là giường. Khi vào trong Hà Nội, lúc bay Sài Gòn, thoảng lại Lạng Sơn, Đà Nẵng... Thế nên hầu như tôi không còn thời gian cho vợ con, cho cái lò gốm nho nhỏ mà tôi cùng vợ tự đắp ở nhà nữa chứ đừng nói gì đến tiếp xúc với ai trong làng nghề...”.

Những năm gần đây ngoài làm gốm nghệ thuật, Nguyễn Ngọc Tuấn còn mở ra một hướng đi mới là đưa gốm vào nội thất. Anh luôn khát khao đưa gốm vào từng chi tiết của cuộc sống. Anh cho rằng không cứ gì ở Việt Nam mà ở đâu cũng thế, người ta sinh ra từ đất, sinh ra đã làm quen với đất và tất cả bắt đầu từ đất. Đưa đất vào cuộc sống cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng...

Nguyễn Ngọc Tuấn chính là người mở đường của lũ lượt những mẫu trang sức bằng gốm nối với dây đeo cổ, đeo tay hình các con vật. Ý tưởng này của anh được nhân rộng trong hầu khắp các xưởng làm gốm ở Bát Tràng, trở thành mặt hàng thu hút khách nhất từ trước tới nay.

Anh cũng là người độc quyền thiết kế về gốm cho dự án làng các dân tộc Việt Nam, một trong sáu khu chức năng chính của dự án “Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam”, gồm bốn cụm làng các dân tộc của ba miền đất nước với diện tích 198ha tại Đồng Mô.

Đây là công trình lớn nhất mà Tuấn từng tham gia thiết kế, góp phần tập trung tái hiện các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc VN qua nghệ thuật gốm của mình...                

Tuấn từng nhận được giải thưởng “Tinh hoa Việt Nam” (Festival Huế 2004), “Ngôi sao Việt Nam” (Bộ Văn hóa - thông tin 2006)... Đã có những thành công bước đầu, nhưng Tuấn vẫn cơ cực như thuở ban đầu lập nghiệp. Vợ anh chạy chợ, còn anh đắm mình trong đất, dạy người Tây, người ta làm gốm để nuôi mình làm gốm.

Theo Huy Thông - Yên Khương
Tuổi trẻ

Sự cố “giả cổ”

Một bận có thanh niên từ đâu đến đưa anh bức ảnh chụp đôi lọ ở một chùa nào đó, đặt anh làm một đôi. Tuấn nhận lời và làm ra hai chiếc bình gốm giống hệt mẫu, có hình vẽ Lã Bố, Điêu Thuyền và thậm chí tạo một miếng vỡ gắn xi-măng trên miệng bình không khác gì trong ảnh.

Sau khi giao đôi lọ cho khách, nhận 200.000 đồng tiền công, chẳng bao lâu anh bị Công an quận Ba Đình, Hà Nội “ghé thăm” vì liên đới đến việc làm đồ giả cổ để lừa khách nước ngoài. Cũng may là anh còn giữ được giấy hợp đồng nên mới... thoát tội!

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.