Kém ga - lăng và...

Kém ga - lăng và...
TP - Dân ta đâu phải không sành ăn, nhưng riêng ý thức về an toàn thực phẩm thì có khi đi ngược với sự sành ăn vốn có.

Các quán phở, cơm… từ “bụi” đến “không bụi” dù có nước nhưng bát đũa chỉ được cho vào chậu ngoáy ngoáy, còn mấy gánh bún rong, quà vặt trên hè phố không có nước rửa, càng bẩn tợn.

Nhưng của đáng tội, mọi người có vẻ coi kiểu ăn uống vỉa hè như vậy là khoái khẩu và hay ho lắm.

Một ví dụ: Trên phố Phạm Đình Hổ (Hà Nội) cạnh khách sạn Sun Way 4 sao, một hàng bún đậu mắm tôm chềnh ềnh vỉa hè, giấy ăn bay khắp hè phố, bát đũa lỏng chỏng trong các chậu nước đục ngầu, được cơn gió mạnh thổi qua, cát và bụi bay tứ tung vào cả bát bún, mà người ta vẫn ngồi ăn rất nhiệt tình, lại được mùi mắm tôm bốc lên…

Thỉnh thoảng tôi ngồi gội đầu cạnh đó chứng kiến khách nước ngoài từ khách sạn đi qua mắt tròn mắt dẹt...

Báo, đài vẫn nói vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nào có ai nghe. Thôi thì chị phục vụ cứ  thò tay đếm tiền của khách và cầm đủ mọi thứ rồi lại hồn nhiên 5 ngón tay trần bốc phở, bún, thịt, rau…

Người bán hàng đã vô ý thức và mất vệ sinh thế, mà khách hàng trông thấy bẩn, cũng chẳng ý kiến, vẫn lăn vào ăn, tạo điều kiện cho người chế biến cơ hội làm bẩn. Mà cũng tội, không ăn thì biết ăn gì, vì tình trạng chung là không mấy quán vệ sinh. Đúng là một vòng luẩn quẩn!

Rau, củ quả gì cũng đua nhau phun thuốc trừ sâu và kích thích cho mượt mà, chóng lớn. Các chủ cửa hàng “rau sạch” thì sáng sớm chổng mông bốc thật nhanh rau của mấy bà hàng sọt rong không rõ xuất xứ. Bạn tôi kể, mỗi lần có dịp công tác nước ngoài, chị lại tranh thủ ăn rau sống cho thoả thích vì biết nó an toàn!

Đến chuyện rác

1 giờ chiều, xe rác còn lâu mới đến mà cả xóm đã đua nhau đem rác ra đầu phố, phủi tay xong việc mình còn nhà khác khuất mắt trông coi! Mấy lần tôi đi xe máy suýt ngã vì cái túi rác bay ngay trước mũi xe.

Ở nơi công cộng, đàn ông thả sức hút thuốc lá và tiện tay vứt xuống sàn hoặc xuống đường. Có lần đèo cô bạn bỗng “veo” một mẩu thuốc lá cháy dở của tên thanh niên đi ngay cạnh, cô bạn kêu trời vì bỏng rát, chúng tôi phải dừng lại trong khi tên kia phóng vụt đi như không có chuyện gì. 

Phường xóm nào cũng giống như nhau ở chỗ “phát thanh” thì hay lắm nhưng làm chẳng ra sao. Cái thói xả rác lan tràn mọi ngõ ngách, quán ăn. Cũng vì kiểu xả rác ở mấy quán sinh tố trên phố Tô Tịch mà tôi không dám dẫn mấy người bạn ở xa về thưởng thức món ăn mà tôi yêu thích và giới thiệu như đã hứa.

Và chuyện thời gian

Thói xấu điển hình là giờ giấc “cao su”. Đến muộn để người khác phải chờ, coi như không có chuyện gì, không một lời xin lỗi hay giải thích. Có lần cả lớp tôi tổ chức đi chơi xa, hẹn 5giờ 30 có mặt, 5giờ 45 xe xuất phát.

Tôi đội màn sương mù đến đúng giờ chẳng thấy ai, co ro trong cái rét tới 20 phút sau mới thấy lác đác và hàng tiếng sau người cuối cùng mới đến để khởi hành.

Coi nhẹ giờ giấc kéo theo những sự vô kỷ luật khác: đi làm muộn về sớm, làm việc lờ đờ, uể oải chống đối, thực thi công việc chậm chạp, báo cáo chậm... kéo theo hàng loạt những sự chậm trễ khác, kéo  lùi cả sự phát triển chung.

Hằng ngày trên đường đi làm tôi gặp không biết bao nhiêu phen hú vía, nếu không cũng tức điên người vì kiểu lái xe ẩu và coi thường luật. Đang lái xe đi thẳng đều đều bỗng “xoẹt” một xe khác lượn từ dưới lên, ngoẹo qua mà không hề có đèn xi nhan hay ít ra là vẫy tay ra hiệu, chưa kể phóng nhanh vượt ẩu là nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn. Giữa ngã tư đèn xanh bật rồi mà vẫn ngang nhiên mua bán hàng rong hoặc nói chuyện. Đoạn nào tắc đường thì mạnh ai người ấy đi.

Thiếu lịch sự, kém ga-lăng

Nhiều người kiệm lời nhưng lại hay “buôn dưa lê” những chuyện không đâu và tò mò tọc mạch chuyện người khác. Sự quan tâm đặt không đúng chỗ, thấy người bị nạn thì thờ ơ nhưng lại hiếu kỳ, thấy có chuyện trên đường thì phải ngó nghiêng bằng được. Những lúc có xe va chạm trên đường, dù chẳng có gì đáng xem vì chỉ là va quệt nhẹ hoặc có đám cãi nhau, cũng bu lại để xem và bình phẩm, làm tắc cả  đoạn đường.

Còn nói về khoản ga-lăng, lại buồn. Một lần về quê, lưng đeo ba lô, hai tay lễ mễ xách hai túi quà rất nặng, ở bến xe lớn nhất của thành phố, tôi bước lên chiếc xe buýt được gọi là chất lượng cao với máy lạnh và ghế ngồi đầy đủ.

Trong khi bước, tôi lao đao chực ngã, mấy thanh niên đàn ông ngồi ngay ghế gần cửa ra vào giương mắt nhìn và còn cất tiếng cười. Tức quá, tôi nói với anh lơ xe xách giúp một tay, anh ta thản nhiên: Em tự xách đi, anh đang bận đếm tiền cho khách.

Chả bù cho ở sân bay, khi tôi cũng đeo những túi đồ như vậy, chưa cần mở lời thì có người (nước ngoài) nở nụ cười và hỏi có cần giúp không. Đừng cho là tôi “sính ngoại” nhưng riêng cái khoản lịch sự ga lăng thì phải học Tây dài dài...

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...