Khác lạ 'Những mảnh ghép' cuộc đời

Khác lạ 'Những mảnh ghép' cuộc đời
TP - Triển lãm tranh khắc gỗ với hình thức khá lạ của Nguyễn Hương Giang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Việt (42 Yết Kiêu, Hà Nội) từ 14 tới 18-11.
Tác phẩm Ở một nơi bình yên của Nguyễn Hương Giang
Tác phẩm Ở một nơi bình yên của Nguyễn Hương Giang.

Mỗi tác phẩm gồm nhiều mảnh gỗ ghép lại dễ làm người ta liên tưởng đến hàng rào. Đó cũng chính là xuất phát điểm cảm hứng của nữ họa sĩ sinh năm 1974, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội.

Theo chị, cuộc sống gồm vô vàn những mảnh ghép không hoàn chỉnh. Những mảnh ghép ngắn dài, nhỏ to hình thành nên những hàng rào như giới hạn của cảm xúc, đến và đi.

Trên những mảnh gỗ đơn sơ, chị chia sẻ những câu chuyện về đời sống tình cảm. Về những người đã đến và đi trong cuộc đời, về cả đứa con chị chưa từng biết mặt. “Có những điều đã mất đi không bao giờ có lại, đó là điều tiếc nuối nhất”, họa sĩ tâm sự. “Tôi đã mất đi đứa con và đó là một chuỗi ngày buồn đau, một dấu vết cứ in hằn mãi như một vết xăm trên cơ thể. Tôi thích những bức tranh liên quan đến đứa bé của tôi, về sự mong manh của con người trong thế giới này và thế giới bên kia”.

Họa sĩ Hương Giang Ảnh: Nhân vật cung cấp
Họa sĩ Hương Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hương Giang hoạt động chuyên nghiệp từ năm 2000, thể loại đa dạng, từ tranh giá vẽ cho tới sắp đặt, video art. Tham gia 15 triển lãm nhóm, bốn triển lãm ở Mỹ và Pháp, hai triển lãm cá nhân ở Úc. Hương Giang không phải người đầu tiên thực hiện kiểu tranh khắc và tô màu trên gỗ tấm.

Chất liệu và cách thức thực hiện như thế đã được nữ họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang, bạn của Hương Giang thực hiện. Nhưng chủ đề quan tâm của hai họa sĩ khác hẳn nhau. Hương Giang quan tâm đến tình yêu, ám ảnh của tình mẫu tử, những đứa trẻ trong hoài niệm và mong ước của người đàn bà. Tất cả được thực hiện bằng một “đao pháp” (phương pháp khắc vẽ) rắn rỏi và bố cục mạch lạc, trên bảng màu kiệm sắc, dồn nén, dữ dội và tha thiết.

Hương Giang cho hay, đây là thời điểm bản thân gặp nhiều bế tắc trong cuộc sống. “Cảm giác muốn được trút bỏ, muốn được đào bới, mà chất liệu tổng hợp quen thuộc không làm tôi thỏa mãn. Tôi đã lựa chọn gỗ và sắp đặt để biểu đạt. Có thể trong thời gian tới, tôi sẽ làm triển lãm tổng hợp tất cả những chất liệu mà tôi đã thử nghiệm”.

MỚI - NÓNG