Khám phá Nhà hát Lớn Hà Nội bằng điện thoại

Phần mềm Tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức vận hành sáng 12/7. Ảnh: N.M.Hà.
Phần mềm Tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức vận hành sáng 12/7. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Sáng 12/7 tại phòng Gương Nhà hát Lớn Hà Nội, sản phẩm du lịch số hóa Tham quan ảo Nhà hát Lớn Hà Nội chính thức được Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) bàn giao cho Nhà hát Lớn. Đây là một giao diện cho phép bất kỳ ai đang nối mạng có thể khám phá hầu hết các ngóc ngách của Nhà hát Lớn, kể cả trèo lên mái qua các bức ảnh 3600 liên hoàn chất lượng cao.

Công chúng có thể trải nghiệm chuyến thăm dài 15 phút (nếu ở chế độ tự động) tại trang web của Nhà hát qua các thiết bị số, kể cả điện thoại. Nhà văn Ngô Tự Lập- Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (thuộc ĐHQG Hà Nội) kỳ vọng sản phẩm này là một bữa tiệc thị giác với nhạc nền là những ca khúc Pháp nổi tiếng được coi là “tượng đài âm thanh” của một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử quan hệ Việt- Pháp. Qua lời thoại được biên soạn kỹ lưỡng bằng ba thứ tiếng Việt- Pháp- Anh kết hợp với những hình ảnh tư liệu hiếm sẽ cung cấp cho khách tham quan một kho kiến thức phong phú về quá trình xây dựng cùng những nét độc đáo trong kiến trúc Nhà hát.

Chuyến tham quan trực tuyến cũng cho du khách biết về cuộc đời và đóng góp của kịch tác gia Vũ Đình Long- cha đẻ của kịch nói Việt Nam, và Claude Bourin- giám đốc đầu tiên của các nhà hát thành phố ở Đông Dương thời thuộc Pháp. Theo ông Viện trưởng IFI, qua đó những bước thăng trầm của đất nước cùng sự vận động của xã hội và tâm thức con người Việt Nam suốt thế kỷ XX qua đây cũng được phản ánh phần nào.

Phát biểu tại lễ bàn giao, đại diện Đại sứ quán Pháp, ngài Fred Alloid nhấn mạnh: “Việc số hóa giúp phát huy giá trị các di sản, đặc biệt khi mà không phải người Việt Nam hay nước ngoài nào cũng có thể đến tận nơi tham quan. Sức mạnh của số hóa là có thể cho phép bất kỳ ai ở bất kỳ đâu bất kỳ lúc nào có thể có được một trải nghiệm văn hóa đi kèm với nghe nhìn. Chúng kết hợp với nhau, tương tác với nhau để phục vụ cho lợi ích của mọi người…”.

Nhà hát Lớn Hà Nội do hai KTS Harlay và Broyer thiết kế, khởi công xây dựng năm 1901, hoàn thành năm 1911, như một phiên bản nhỏ hơn của Nhà hát Opéra Garnier ở Paris. Tuy nhiên, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là một tác phẩm kiến trúc độc lập pha trộn phong cách Tân Cổ điển và Baroque cùng xu hướng thiết kế đương thời. So với hai nhà hát cũng do người Pháp xây ở Sài Gòn và Hải Phòng, Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc được xem là hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của thủ đô Hà Nội.

Nhà hát Lớn là nơi khai sinh và tôn vinh kịch nghệ cùng sân khấu Việt Nam, cũng là nơi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập nhóm họp và thông qua Hiến pháp năm 1946. Công trình được trùng tu vào năm 1995-1997 để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng Pháp ngữ. Tác giả đồ án trùng tu là KTS Pháp gốc Việt Hồ Thiệu Trị. Năm 2011, Nhà hát Lớn Hà Nội cùng quảng trường Cách mạng tháng Tám đã được Bộ VHTT&DL công nhận di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia. Đến nay, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là địa điểm biểu diễn trang trọng bậc nhất của thủ đô, được coi là “thánh đường” hay “ngôi đền” của nghệ thuật.

Từ tháng 5/2017, Nhà hát Lớn Hà Nội và vùng phụ cận trở thành công viên mở đón du khách tham quan. Và bây giờ là phần mềm tham quan ảo giúp công chúng khắp nơi tiếp cận với công trình mang nhiều giá trị này. Đây cũng là sản phẩm mở đầu cho dự án số hóa các di sản vật thể, phi vật thể và phức hợp của IFI.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.