Khánh 'gù' và bộ phim dài kỷ lục 600 tập

Khánh 'gù' và bộ phim dài kỷ lục 600 tập
TP - Quốc Khánh - nam diễn viên chính xuất sắc nhất LHP Việt Nam năm nay đang túi bụi với 600 tập phim truyền hình "Những người độc thân vui vẻ". Bộ phim này chuyển thể từ kịch bản của Trung Quốc (Khách sạn vui vẻ).
Khánh 'gù' và bộ phim dài kỷ lục 600 tập ảnh 1
Nghệ sỹ Quốc Khánh. Ảnh: Võ Văn Thành

Đạo diễn của phim: Đỗ Thanh Hải, Phạm Thanh Phong..., diễn viên: Quốc Khánh, Chí Trung, Minh Hằng, Kiều Thanh. Đây là phim truyền hình Việt Nam có độ dài kỷ lục: 600 tập, phát sóng trên VTV từ tháng 1/2008.

Chưa biết thời điểm nào sẽ hoàn thành quay phim, nhưng một trường quay với trang thiết bị khá đồng bộ đã được dựng lên ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Phim xoay quanh câu chuyện những thanh niên độc thân cùng góp vốn xây dựng khách sạn, và khách sạn này trở thành một xã hội thu nhỏ mà mọi diễn biến, tình huống đều xảy ra ở đây.

Tại trường quay, trò chuyện với Tiền phong cuối tuần, Quốc Khánh nói: Cũng lâu tôi không làm phim truyền hình. Đây là phim dài hơi, điều kiện làm việc tốt, nên có hào hứng để làm.

Cả đời đóng phim vẫn khổ

Đóng phim "Những người độc thân"... hợp quá còn gì, anh cũng đang độc thân mà?

Hợp thì chả phải đâu. Bao nhiêu người có vợ có con người ta cũng vẫn đóng độc thân đấy thôi. 

Anh có thể kể về nhân vật Trần Hào Hùng của mình?

Hào Hùng là trưởng bộ phận lễ tân cùng với 2 người bạn của mình là trưởng bộ phận bar (Chí Trung) và trưởng bộ phận buồng phòng (NSƯT Minh Hằng). Sau đó Hào Hùng trở thành giám đốc khu nhà vui vẻ. Tôi chỉ có thể nói thế thôi, phim đang quay mà.

Nghe nói anh Gù trong Áo lụa Hà Đông được trả khá rủng rỉnh. So với phim truyền hình thì...?

Cát-sê không phải là thứ để nói nhiều. Với tôi, nhận lời là do ý thích của mình chứ không phân biệt làm phim nhựa hay phim truyền hình. Chả có gì khác về lao động của diễn viên.

Cat-sê của anh sẽ cao sau sê-ri vàng năm nay?

Đó là những phần thưởng cao quý. Nhưng không phải nhờ nó, mình sẽ thay đổi một cái gì đó. Tôi vẫn làm việc thôi. Khi đóng phim truyền hình, thù lao của chúng tôi có khung Nhà nước quy định rồi, vả lại hơn hay kém một tý chả có ý nghĩa gì.

Để sắm cái này cái kia thì cát-sê diễn viên chả sắm nổi đâu. Ráo mồ hôi là hết tiền ấy mà! Thử hỏi nhận vài chục triệu mà đóng phim mất 5 - 7 tháng thì có thể giàu không?

Anh vẫn mua xe hơi đấy thôi?

Không thể làm nghề mà mua ô-tô được. Diễn viên nước ngoài đóng một phim sống cả đời, còn mình cả đời đóng phim mà sống vẫn trầy trật.

Nếu không vì tiền, anh quan niệm về nghề diễn thế nào?

Nếu vì tiền thì không nên đi diễn, không nên làm nghệ thuật. Còn đã đi diễn, đừng nghĩ về tiền.

Khánh 'gù' và bộ phim dài kỷ lục 600 tập ảnh 2

Vẫn tiếc với “anh Gù”

Có vẻ anh thích hợp những chương trình Tết, từ phim Tết này ai đến xông nhà, rồi đến màn Táo quân chầu trời quen thuộc trên VTV...?

Cũng chả biết thế nào. Táo quân là chương trình hay, tổng kết lại cả năm với những sự kiện nổi bật, nhưng được “mạ” bởi sự hài hước, vì thế nó hấp dẫn.

Nghệ sỹ Phạm Bằng có lần nói, Quốc Khánh là diễn viên hài có thể đi đường trường. Nguồn hài của anh chắc chưa cạn?

Nếu đạo diễn nào mời thì tôi tham gia, tôi làm tròn vai thì thôi. Sáng đau thương với anh Gù, chiều đã cười ở Gala, bình thường thôi, vì nghề diễn mà.

Diễn viên kịch nói như anh, đi đóng phim nhựa có phải là của hiếm?

Không hiếm đâu. Kể cả những người ở lĩnh vực khác cũng đóng được phim nhựa cơ mà. Có điều, không học hành thì thời gian tồn tại sẽ rất ngắn.

Tôi là diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam, chuyên nghiệp rồi, không thể đóng một loại vai suốt đời. Gù là nhân vật rất đầy đặn, nhiều éo le, và tôi cố làm sao cho đúng là nhân vật đó.

Ở vai Gù, anh có điều gì đáng tiếc không?

Tiếc chứ. Khi xem lại một thứ gì mình làm, ít khi thấy hài lòng.

Đóng cùng Trương Ngọc Ánh trong phim "Áo lụa Hà Đông", anh thấy thế nào?

Ánh diễn rất tốt về mặt tình cảm, chịu khó. Phim "Áo lụa Hà Đông", Ánh phải hi sinh nhiều sức lực.

Anh tiếc cho Trương Ngọc Ánh (không được giải năm nay) không?

Tôi tiếc cho Ánh. Vai của cô ấy không phải tồi, rất cố gắng và nghiêm túc. Ánh đẹp. Với tôi, cứ phụ nữ là đã được 8 - 9 điểm rồi, chưa nói đó là người đẹp.

Nhưng chuyện riêng của anh sao chậm trễ vậy?

Chuyện đấy bàn mãi nó vẫn đến thế thôi, nó là duyên số nên không thể muốn là được. Cũng nhiều người mong mỏi, thúc giục nhưng giục chán rồi thì thôi.

Dường như anh không thích bạn đời là diễn viên?

Tôi chẳng quan niệm người bạn đời của mình sẽ là ai. Chuyện này không nói trước được.

Trả lời báo chí sau Liên hoan phim, anh nói anh không xem phim của đồng nghiệp. Tại sao?

Tôi không biết người khác thế nào, riêng tôi chỉ vì là không có thời gian và điều kiện xem. Ngay cả LHP diễn ra từ 21 - 24/11, chiều 24/11 tôi mới tới Nam Định. Rất muốn xem phim của các đồng nghiệp, nếu không xem là một điều thiệt thòi. Một ai đó nói họ không muốn xem phim người khác là không đúng một tý nào. Phải xem để đánh giá, so sánh.

Anh có bất ngờ về phim "Hà Nội Hà Nội"?

Tôi không được xem, nên không có ý kiến.

Chuyện không xem phim của nhau, liệu có phải chứng tỏ giới điện ảnh nội không ai phục ai?

Không phải thế đâu. Kể cả khi có ý định xấu đến đâu, người ta cũng phải xem để biết phim ấy hay dở thế nào chứ.

Có phải anh không hài lòng với cách tổ chức Liên hoan phim vừa rồi?

Đêm trao giải chưa trang trọng, có cảm giác như làm cho xong. Giải thưởng cao quý, đánh giá, ghi nhận những lao động sáng tạo của cá nhân và tập thể mà cứ ào ào.

Khánh 'gù' và bộ phim dài kỷ lục 600 tập ảnh 3

Giới làm phim Việt cũng giỏi chứ nhỉ!

Có những đạo diễn ở ta, khi nói phim không hay, thường đổ cho ít tiền. Anh nghĩ thế nào?

Nói đến điện ảnh, phải có tiền mới làm nổi. Nhưng nếu nói có nhiều tiền phim sẽ hay, thì chưa chắc. Rơi vào đạo diễn có tài, 100 đồng người ta làm được rồi, rơi vào người bất tài thì cho tiền tỷ cũng không thể bằng. Nhưng đừng bao giờ nói chuyện đưa 5 đồng mà làm được phim!

Cách đây 5 - 7 năm, đạo diễn Lưu Huỳnh vừa từ Mỹ về, ra Hà Nội gặp tôi và đưa kịch bản "Áo lụa Hà Đông: mời tôi tham gia. Lúc ấy, tôi đang đóng phim truyền hình nên đưa Lưu Huỳnh đi xem.

Lưu Huỳnh nói: “Thời gian như thế, tiền bạc như thế, tôi không bao giờ làm phim được”. Nhưng trong khi đó mình vẫn làm được, chứng tỏ mình cũng giỏi chứ nhỉ, ít ra là giỏi liệu cơm gắp mắm, khéo co thì ấm!

Một số người xuất thân từ sân khấu, Trần Lực chẳng hạn, sau thời gian sang điện ảnh, thú nhận rằng họ nhớ thương sân khấu sâu sắc và luôn mong muốn trở về với thánh đường của mình. Còn anh?

Diện phổ biến của truyền hình và điện ảnh rất rộng, còn sân khấu mỗi đêm cao lắm chỉ 1.000 người xem. Nếu nói về diễn, tôi thích sân khấu vì diễn sướng hơn. Diễn xuất tâm lý nhân vật ở điện ảnh và truyền hình thường bị ngắt quãng, có khi diễn cảnh chết trước rồi lại đóng cảnh sống sau.

Còn ở kịch, nếu diễn cảnh chết trước là anh chết luôn, nghĩa là tâm lý nhân vật luôn liền mạch. Đó là điều mà tôi thích. Ở điện ảnh, sai anh có thể làm lại. Còn sân khấu, anh không được phép sai sót. 

Muốn hình dung về anh ngoài đời, khán giả nên xem phim nào?

Nhìn chung các nhân vật mà tôi từng thủ vai khác hẳn tôi ngoài đời. Có những khán giả bảo xem phim nào tôi đóng cũng thấy chút hình bóng họ trong đó.

Là diễn viên, tôi có hóa thân ở nhiều cuộc đời trên phim, trên sân khấu. Thực ra, đó không còn là hình bóng nữa, mà là mồ hôi, sức lực lao động của mình.

Anh không học để trở thành đạo diễn, như trào lưu hiện nay?

Không. Nhiều khi đạo diễn không làm được những gì mình muốn. Rất ức chế.

Vở "Cuội buôn quan" của Nhà hát Kịch Việt Nam sắp tổng duyệt, lại có cơ hội nhìn Xuân Bắc và Quốc Khánh chung một “thánh đường”?

Tôi có tập nhưng không tham gia diễn nữa.

Anh còn đam mê câu cá không?

Tôi có cái thú đi câu, chơi bi-a..., nhưng cũng tùy thời điểm, và vẫn phụ thuộc vào công việc. Thời gian xem phim của tôi quá ít, chỉ muốn đi chơi cho thoải mái, về nhà là đến lúc mệt rồi.

Đôi lúc về nhà bật ti-vi lên, thấy phim thì tôi xem phim, nhưng nếu có cả bóng đá thì tôi sẽ chuyển sang xem bóng đá, lắm hôm xem bóng đá đến 3-4 giờ sáng. Nếu xem phim nước ngoài, tôi xem với tâm trạng tủi thân: Sao người ta đầy đủ trang bị thế, sao người ta quay giỏi thế...

Nhiều người gọi anh là kẻ rong chơi tài hoa. “Nick” này có chính xác không?

Cả tháng trời nay quay "Những người độc thân vui vẻ", 6 giờ sáng dậy, 12 giờ đêm mới có mặt ở nhà, 2 giờ sáng mới ngủ. Ai bảo là rong chơi, là sung sướng. Nếu cho người khác làm, chắc gì họ chịu nổi cường độ này, được vài bữa là ốm luôn!

Có thể nói về bản thân anh bằng một câu?

Cuộc sống vẫn trôi đi, tôi vẫn yêu nghề. Cái gì đến sẽ đến. Ước mơ thì rất nhiều nhưng thường là ước mơ nhỏ nhoi thôi vì vẫn biết mình là ai. Cao quá ngã không gượng dậy nổi thì chết (cười).

Cảm ơn nghệ sỹ Quốc Khánh.

Mang tiếng “không ra dáng” tài tử, không lợi khẩu, tóc lòa xòa, điếu thuốc luôn đỏ trên tay, nhưng Quốc Khánh diễn gì ra nấy.

Danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc nhất giải Cánh diều Vàng (Hội Điện ảnh Việt Nam) và Liên hoan phim Việt Nam năm nay, đều đã chọn đúng “điểm rơi” là “anh Gù” trong phim “Áo lụa Hà Đông”, do Quốc Khánh thủ vai.

Cuối năm, Quốc Khánh lại sắp vào vai Ngọc Đế trong màn Táo quân đã thành đặc sản của VTV tối Giao thừa hàng năm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.