Khánh Huyền đang sống trong tình yêu mới

Khánh Huyền đang sống trong tình yêu mới
Học thanh nhạc nhưng thời gian ca hát ngắn đến độ không ai nhớ gọi chị là ca sĩ, ngược lại chị có nhiều vai diễn phim truyền hình để lại dấu ấn trong lòng khán giả. Với Khánh Huyền, sóng gió cuộc đời như đã đi qua, chị đang đứng lại, ở một góc, để chiêm nghiệm.
Khánh Huyền đang sống trong tình yêu mới ảnh 1

Vẻ đẹp nhẹ nhõm, hiền hòa, không ai nghĩ người phụ nữ ấy đã phải sống trong “cuộc chiến” giữa lòng yêu nghề và tình yêu gia đình. Đó là Khánh Huyền, gương mặt quen thuộc của khán giả màn ảnh nhỏ.

Tìm đến căn hộ xinh xắn của Khánh Huyền ở TP.HCM, tôi được gặp một Khánh Huyền tĩnh tại và mới mẻ. Dấu ấn của tuổi tác dường như chưa đến “hỏi thăm” người phụ nữ đẹp này dù chị đã ở tuổi mà người ta vẫn gọi vui là U40 (Khánh Huyền sinh năm 1971). 

Tôi là diễn viên của truyền hình

- Chị học thanh nhạc và trưởng thành ở Nhà hát Tuổi Trẻ với danh xưng ca sĩ nhưng rất ít khán giả biết đến chị với vai trò này. Khi phim truyền hình lên ngôi thì chị - một trong những ngôi sao của phim truyền hình thời kỳ đầu tiên - lại gần như mất hút. Kết cục này với chị là sự trớ trêu hay là cơ may?

- Trớ trêu vì ca hát là nghề mà tôi được đào tạo nhưng lại “lép” nhất trong các nghề tôi có thể làm. Tuy nhiên, tôi thấy tôi là người may mắn. Cho đến bây giờ, tôi có thể khẳng định cuộc đời làm nghệ thuật của mình rất thuận lợi.

Từ nhỏ tôi đã được ba - một nhạc sĩ - dạy đàn, hát và diễn kịch nên tôi đến với các môn nghệ thuật này một cách rất tự nhiên.

Tôi vốn thụ động, không phải người năng nổ, hoạt bát, không tự tìm công việc để làm nhưng lại luôn được người ta đưa việc cho làm. Nhiều người làm nghề nhưng không phải ai cũng nhận được vai, có phim tốt để khán giả nhớ đến, tôi may mắn vì cứ ra được phim nào thì phim đó được khán giả nhắc đến, nhớ nhiều. Tôi chỉ không may mắn với giải thưởng thôi. (cười)

- Cũng có những nghệ sĩ được nhiều giải thưởng nhưng lại ít khán giả biết đến...

- Đó cũng là nỗi buồn chung của nghệ sĩ Việt Nam. Bởi thế mà người ta nói có nghệ sĩ của thị trường và nghệ sĩ làm nghệ thuật chân chính.

- Vậy giữa nghệ thuật chân chính và nghệ thuật thị trường, chị tự xếp mình vào đâu?

- Tôi cũng không biết xếp mình vào đâu. Vì đúng là nếu muốn xếp mình vào dòng chân chính thì phải có những tác phẩm điện ảnh lớn, giải thưởng lớn. Nhưng nói tôi thuộc thị trường thì cũng không phải, vì dòng phim tôi thường làm không phải phim thị trường. Mà tôi nghĩ chỉ có Việt Nam mới phân chia như vậy.

Thế giới người ta cũng phân chia ra hai loại diễn viên nhưng là diễn viên điện ảnh và diễn viên truyền hình, và nếu xét theo cách này thì tôi cho rằng mình thuộc loại diễn viên truyền hình.

- Chị thích mình trong phim nào nhất?

- Tôi thích nhất phim Người vác tù và hàng tổng vì nó khác mình, khác với những gì mọi người vẫn thấy về mình.

- Nhưng có vẻ như tuýp nhân vật buồn hợp với chị nhất...

- Đúng là phải thừa nhận rằng tôi không thể thoát khỏi tuýp nhân vật buồn. Vừa chân ướt chân ráo vào trong này đã được mời một vai buồn kinh khủng trong phim Quán kem Valentine của đạo diễn Quang Hưng, Lasta sản xuất, vừa quay xong, 2 tháng nữa sẽ được phát sóng trên VTC9.

Phim nói về tình yêu của giới trẻ, tôi vào vai một người mẹ, tôi giờ bắt đầu vào vai thế hệ mẹ được rồi (cười). Vai của tôi là một người phụ nữ thành đạt nhưng lấy một người chồng mà mình không yêu, lòng vẫn nhớ đến người cũ, luôn thấy cô đơn trong gia đình, không chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, để rồi gặp một chàng trai trẻ và lao vào tình yêu với anh ta, tiếp tục sống trong bi kịch. Tôi nghĩ rằng người phụ nữ thiếu thốn tình cảm rất dễ vướng vào bẫy tình.

Luôn bị nghĩa vụ với gia đình chi phối công việc

- Chị nghĩ sao về câu nói “người làm sao chiêm bao làm vậy” khi ứng tuýp nhân vật mà chị “không thể thoát khỏi” vào cuộc đời của chính mình?

- Có thể đúng. Tôi sống nội tâm chứ không hướng ngoại, tôi rất hay suy nghĩ và bị dằn vặt. Làm nghệ thuật, tôi rất say mê nhưng luôn bị nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ chi phối. Vì thế mà tôi luôn thấy mệt và buồn vì lúc đi làm việc, vui với công việc thì lại áy náy với con cái ở nhà, lúc ở nhà không đi làm việc thì lại thấy buồn vì không được làm việc.

- Có phải đó cũng là một lý do gây đổ vỡ hôn nhân của chị?

- Không. Chúng tôi chia tay vì có nhân sinh quan quá khác nhau. Đó là lý do mấu chốt. Hai con người có thể có môi trường lớn lên, sở thích hay công việc khác nhau, nhưng phải có nhân sinh quan giống nhau thì mới sống được với nhau. Bản thân tôi có những đòi hỏi cao về mặt tình cảm, mà chồng cũ của tôi làm kinh doanh nên không có thời gian và tâm trí để chú ý đến nội tâm của tôi. Đó là sự khác nhau khiến cho hai người sống dưới một mái nhà nhưng không cảm thấy là của nhau.

- Nhưng vợ chồng chị đã được đánh giá là rất đẹp đôi và hạnh phúc...

- Nếu nhìn từ ngoài và làm những cái gạch đầu dòng thì gia đình trước đây của tôi là hoàn hảo, một người chồng thương gia, kiếm được nhiều tiền, một người vợ xinh đẹp, nổi tiếng và những đứa con ngoan. Nhưng hạnh phúc thì, tôi có nhớ một câu nói: “Đôi lứa có hạnh phúc hay không thì chỉ có hai người biết với nhau”.

Đó là cảm giác bên trong. Mà cảm giác bên trong thì có khi chỉ một trong hai người biết, nếu không có cả thời gian để nói với nhau, để tìm cách hiểu nhau thì đến hai người ở cạnh nhau còn không hiểu được nhau chứ đừng nói đến người ngoài. Vả lại, có những điều cần phải cảm nhận được chứ không thể cứ nói ra miệng mới hiểu.

- Chị có thể tâm sự hơn được không?

- Tôi không có tiếng nói chung trong gia đình cũ. Chồng cũ tôi kiếm được rất nhiều tiền, tôi lại chỉ cần một đời sống kinh tế ổn định nhưng nhiều tình cảm. Trong hôn nhân, đời sống kinh tế rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, tình cảm quan trọng hơn, là điểm tựa cho nhau.

Cũng có thể do tôi kỳ vọng quá nhiều vào người chồng của mình, muốn anh phải giống như ba mình. Ba tôi rất tâm lý với phụ nữ, với mẹ tôi. Ông biết cách làm cho mẹ tôi vui, cho mẹ tôi cảm thấy mình là người rất quan trọng trong gia đình. Tuy chính ba mẹ tôi có nói rằng không phải cái gì họ cũng hợp nhau nhưng tôi luôn cảm thấy không khí đầm ấm trong gia đình do sự vun vén của mẹ và sự tâm lý của ba.

Vì có cái nôi gia đình như vậy, nên khi không có được một người chồng như ba, tôi buồn. Tôi rất thích những gia đình mà người chồng biết nịnh vợ một chút, biết cách nói thế nào để vợ thấy hạnh phúc, vì người ta bảo phụ nữ yêu bằng tai mà. Phụ nữ chẳng cần người đàn ông phải mang về cho mình ô tô, nhà lầu mà chỉ cần người đó làm cho mình cảm thấy mình là người quan trọng với họ.

- Nhưng một người nổi tiếng lại có nhan sắc mà nghèo khổ quá thì cũng khó mà vui?

- Tôi chưa bao giờ nghèo. Có thể người khác thấy tôi nghèo nhưng bản thân tôi chưa bao giờ thấy mình nghèo. Từ nhỏ tôi đã sống trong một cái nôi mà ba là nhạc sĩ nghèo, mẹ là công nhân bình thường, đời sống khá chật vật, so với ba mẹ tôi trước đây thì bây giờ mình quá đủ đầy rồi.

Vả lại, tôi không bao giờ thấy chạnh lòng khi một người bạn gái nào đó của mình có một chiếc túi hàng hiệu đắt tiền hay một món đồ gì đó giá trị lớn, mà chỉ thấy chạnh lòng khi họ được chồng hay người yêu có những cử chỉ, hành động bày tỏ sự quan tâm dành cho họ.

Từ khi làm nghề đến giờ, tôi luôn sống được đàng hoàng. Tôi là người biết hạnh phúc trong môi trường giản dị của mình. Và tôi thích như thế. Từ nhỏ tôi đã không thích mặc áo mới. Tôi có những niềm vui rất khác mọi người, chẳng hạn đang mất điện mà có điện là tôi đã cảm thấy sao cuộc đời này nó đẹp thế. Đời sống tinh thần quan trọng với tôi hơn. Cho đến bây giờ, với tôi, việc ăn gì hay ăn ở đâu không quan trọng, miễn là được ăn với người nào khiến mình thoải mái, vui.

- Như vậy là cuộc chia tay này đã “giải thoát” chị?

- Khi chia tay, tôi nghĩ rằng tôi và cả chồng cũ tôi đều cảm thấy nhẹ vì được sống đúng với mình mặc dù tất nhiên là có đau đớn, nỗi đau về con cái. Cứ nghĩ đến con là cả hai chúng tôi đều rất buồn, không phải vì lo con mình không được chăm sóc đủ đầy hay lo về tương lai của chúng (bởi cả hai chúng tôi đều là những người có trách nhiệm với con cái), mà buồn vì sinh ra con mà không được ở cạnh con.

Giờ đây, có thể tôi đang hài lòng với cuộc sống mới, có nhiều niềm vui mới, có thể tìm được những giây phút thăng hoa mới... nhưng cái gì cũng có giá của nó. Mỗi lần nghĩ đến con tôi rất day dứt.

- Và “cuộc sống mới” của chị?

- Tôi đang được sống trong một tình yêu mới với một kỹ sư mạng.

Học thanh nhạc nhưng thời gian ca hát ngắn đến độ không ai nhớ gọi chị là ca sĩ. Có nhiều vai diễn phim truyền hình để lại dấu ấn trong lòng khán giả nhưng chưa từng đoạt một giải thưởng nào.

- Cũng là người khác nghề, chị có sợ hoàn cảnh một nghệ sĩ sống nặng về tình cảm ở bên một ông kỹ sư nặng về kỹ thuật máy móc?

- Nghe thì có vẻ “chỏi” nhưng kỹ sư cũng có cái dễ thương của họ. Tất nhiên chúng tôi có những điểm khác nhau nhưng chúng tôi đồng cảm với nhau trong nhiều chuyện. Anh là người có lòng tự trọng cao, thẳng thắn, chân thật. Chính vì vậy mà tôi thích anh ấy. Tôi tin tưởng những người đàn ông như thế. Điểm quan trọng, khi ở cạnh anh, tôi cảm thấy được yêu và được yên ổn.

- Người mới của chị chưa từng lập gia đình, khi đến với anh ấy, chị có băn khoăn điều này không, nhất là khi chị còn phải lo cho con?

- Quyết định của tôi với người mới là cũng do bé con chi phối. Khi gặp anh, cái đầu tiên tôi cảm nhận được là anh ấy cũng giàu tình cảm, điều thứ hai là cảm giác khi ở cạnh con tôi, tình cảm của anh rất tự nhiên, không gượng ép.

Ngay lần đầu gặp, anh ấy đã công kênh nó trên vai và cư xử với nó như một người cha, chính vì thế mà tôi mở lòng ra. Tôi là người làm nghề diễn bao nhiêu năm rồi nên tôi biết đó là thật chứ không phải diễn. Tôi dị ứng với người diễn rất nhanh, ai thật là tôi biết ngay.

- Đã bao giờ chị thấy hối tiếc khi theo nghề này chưa?

- Nhiều khi tôi nghĩ con người mình sinh ra không hợp với nghệ thuật lắm, không hợp cả với cách sống của những người làm nghệ thuật nữa cơ. Đây là công việc dễ đem lại sự phức tạp cho người theo nghề, tôi lại không chịu được sự phức tạp. Khi làm việc mà không được sự đồng lòng của người thân thì tôi không vui. Vì thế xảy ra mâu thuẫn trong nội tâm của một người theo nghề và một người vợ trong gia đình.

Tôi không phải người lười biếng, tôi cũng thích có việc để làm, nhưng giá như công việc đó không lấy đi thời gian dành cho gia đình thì tốt. Đến giờ tôi vẫn nghĩ tới chuyện nếu hồi xưa mình không theo nghệ thuật mà vào trường ngoại ngữ thì bây giờ biết đâu lại đang là một nhân viên văn phòng nào đấy, như thế có khi hợp với mình hơn, đỡ phức tạp hơn. Tôi thích những gì ổn định chứ không mang tính đột phá.

- Nhưng làm nghệ thuật thì lại cần sự đột phá, vậy là chị đang sống trong mâu thuẫn?

- Đúng là có mâu thuẫn của người nghệ sĩ khát khao được cống hiến và người vợ trong gia đình. Nhưng khi làm việc, không ai nhận thấy điều đó ở tôi vì tôi vẫn luôn hết mình.

Phụ nữ làm nghệ thuật thiệt thòi lắm

- Chị thấy làm nghệ thuật trong Nam với ngoài Bắc khác nhau thế nào?

- Tôi thấy hầu hết nghệ sĩ trong Nam đều có thể sống được bằng nghề. Còn nói về nghệ thuật thì ở đâu có thị hiếu ở đó, điều này không thể phán xét được vì đó là sở thích riêng, là đặc trưng của mỗi vùng miền. Nếu khán giả Bắc đòi hỏi nghệ thuật phải có ý tưởng lớn, kể cả cười cũng phải thâm thúy sâu xa chứ không thể giải trí đơn thuần thì khán giả Nam lại đi xem nghệ thuật một cách cởi mở, không quá cần ý tưởng, chỉ cần mang lại niềm vui.

Đó là một đòi hỏi chính đáng, và ai muốn xem những tác phẩm có tư tưởng lớn thì tìm đến những bộ phim ý tưởng cao, còn nếu muốn giải trí thì đến các sân khấu kịch giải trí.

Người làm nghề cũng khác nhau, nghệ sĩ Bắc căng cứng hơn một chút, diễn phải sâu hơn, tinh tế hơn, dàn dựng phải chính kịch hơn, còn trong này, có thể cả một vở diễn vẫn có tính tư tưởng cao nhưng chi tiết diễn lại có những tình huống được làm nhẹ đi. Nếu đã quen với lối diễn ngoài Bắc thì việc hòa đồng với lối diễn trong này không phải là đơn giản.

Ngoài kia một buổi tối chỉ diễn một vở, trong này họ thường diễn 2 thậm chí 3 vở. Tôi rất phục cường độ làm việc của diễn viên trong này. Họ có sức khỏe rất tốt, có thể làm việc cùng lúc ở nhiều điểm khác nhau mà không biết mệt mỏi. Diễn viên Bắc ít việc hơn nên đầu tư cho công việc rất kỹ lưỡng nhưng không thể làm một lúc nhiều việc được.

- Theo chị, khó khăn chung của các nữ nghệ sĩ Việt Nam là gì?

- Rất thiệt thòi. Không biết ở các nước châu Á khác thì thế nào, nhưng ở Việt Nam cho đến bây giờ đâu đó vẫn còn tư tưởng bảo thủ, rằng nghề này thuộc ngành giải trí, nghĩa là chỉ để mua vui cho mọi người. Cho đến bây giờ tôi vẫn bị người ta nói rằng nghề của tôi là “xướng ca vô loài”, điều đó khiến tôi rất đau lòng.

Tư tưởng này có gốc rễ rất xâu xa, nó ăn vào ý thức của toàn thể mọi người. Người ta nhìn nhận về nghề nghiệp của chúng tôi chưa được đúng mực lắm. Nếu như ở các nước có nghệ thuật phát triển như Mỹ, châu Âu hay một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, nghệ sĩ được trân trọng và có một đời sống xứng đáng với tài năng của họ thì ở Việt Nam, nghệ sĩ còn rất vất vả, kể cả khi họ là những nghệ sĩ lớn.

Vì thế mà những người phụ nữ làm nghề này phải chịu một sự tác động tương đối lớn. Nhiều người khi có gia đình hay bị giằng xé giữa công việc với cuộc sống gia đình, đó là mặt trái của nghề nghiệp. Tôi thấy có một số đồng nghiệp nữ làm nghề của tôi nhưng được chồng ủng hộ và nâng niu, họ thật sự có diễm phúc khi được như vậy và tôi ghen tỵ với họ.

- Chị đã “ghen tỵ ” với ai vậy?

- Thật sự là tôi không dám chắc bởi có thể bên ngoài họ thể hiện như thế để che giấu đi sự thật là họ cũng đang bị giằng xé, giống như tôi trước đây đã từng. Trước đây, tôi chẳng bao giờ nói đến mâu thuẫn trong cuộc sống nội tâm của mình với ai mà luôn phơi bày sự vui vẻ, hạnh phúc.

Tôi xem đêm trao giải Cánh diều 2008, thấy có những nữ diễn viên rất rạng rỡ khi lên nhận giải, chẳng hạn như Hồng Ánh. Cô ấy đã lấy được một người chồng luôn ủng hộ mình trong nghề nghiệp.

Ánh có tâm sự trên báo rằng chính chồng đã động viên cô ấy sang Dubai để nhận giải thưởng. Trương Ngọc Ánh cũng vậy. Họ là những người phụ nữ hạnh phúc. Tôi mong các nữ nghệ sĩ của chúng ta sẽ nhận được nhiều hạnh phúc

Theo Thể thao&Văn hóa

MỚI - NÓNG