Khát vọng Thăng Long

Khát vọng Thăng Long
TP - Đoàn làm phim "Khát vọng Thăng Long" vừa có cuộc ra mắt báo giới tại Hà Nội sáng 5-2. Nhưng ngoài đại diện nhà sản xuất và nhóm nhà đầu tư (công ty Kỷ nguyên sáng), đơn vị bảo trợ truyền thông (Hội Truyền thông Hà Nội), các nhà báo chỉ được diện kiến mỗi đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Thông tin chủ tọa cung cấp cũng khá nhỏ giọt.
Khát vọng Thăng Long ảnh 1
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trả lời báo chí bên ngoài họp báo - Ảnh: ngoisao.net

“Ý tưởng làm bộ phim này có từ bốn năm trước” - đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói. “Chiếu dời đôKhát vọng Thăng Long từng đi cùng con đường.” Và bây giờ chỉ còn Khát vọng Thăng Long là đi tiếp. Được biết, phim được làm với kinh phí xã hội hóa và gần như không có tài trợ.

Điểm khác biệt của phim truyện nhựa Khát vọng Thăng Long so với các dự án khác về quá trình dời đô là bối cảnh hoàn toàn thuộc lãnh thổ Việt Nam: Hà Nội, Ninh Bình (trong đó có chùa Bái Đính), Thanh Hóa, Huế, Đăk Lăk (cảnh chiến trận)…

“Tôi không muốn quay phim ở nước ngoài vì muốn giữ cho phim thật Việt Nam. Cảnh triều chính không phải quá quan trọng, mà còn là những cầu ao, làng nghề, bụi tre, cổng làng”- Lưu Trọng Ninh khẳng định.

“Kể cả mượn trường quay Trung Quốc vẫn phải cải tạo bối cảnh. Văn hóa, kiến trúc Việt rất khác. Ví dụ, kiến trúc của Trung Quốc là cao và kín, chúng ta thấp và mở. Màu sắc cũng khác. Trung Quốc là vàng và đỏ. Còn chúng ta là nâu. Vì thế chúng tôi chọn phương án làm phim trong nước”.

Khát vọng Thăng Long bấm máy ngày 15-3. Song hành với phim truyện là 100 tập phim tài liệu về quá trình làm phim lên sóng VTV1 và HTV9.

Đoàn làm phim đặt quyết tâm 100% sẽ hoàn thành và công chiếu Khát vọng Thăng Long vào dịp đại lễ.

Như vậy trừ một tháng hậu kỳ, phim chỉ còn khoảng bảy tháng để quay.

Ngoài các thành phần kỹ thuật: quay phim (Mỹ), kỹ xảo, âm thanh (Pháp), các khâu còn lại đều do người Việt đảm nhiệm. Đây sẽ là bộ phim Việt Nam đầu tiên đạt chuẩn âm thanh 5.1.

Phim mất sáu tháng tiền kỳ (dàn dựng bối cảnh, đạo cụ, kỹ xảo) - được coi là khâu khó khăn nhất đối với phim lịch sử. “Càng khó khăn hơn với các nhà làm phim Việt Nam vì các di tích kiến trúc hầu như đã biến mất, trường quay không có. Chúng tôi dàn dựng bối cảnh từ hai bàn tay trắng”, Lưu Trọng Ninh nói.

Khâu tiền kỳ hoàn tất vào cuối tháng này. Nhiều đạo cụ như bát đĩa, cày cuốc, quần áo… đang được các làng nghề thực hiện. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, phải rất khó khăn mới thuyết phục được các thợ thủ công ở làng nghề làm việc trong những ngày Tết.

Theo đạo diễn, Lý Công Uẩn là nhân vật “trong sáng đến tận cùng”. Anh giải thích: “Trong lịch sử, ông không một tì vết. Ông đi từ đạo Phật, trở thành vua. Và tám đời vua không chiến tranh. Kể cả trong truyền thuyết, trong dã sử, Lý Công Uẩn vẫn là vị thánh”.

Để tăng phần hấp dẫn, phim dàn cảnh những trận chiến thời loạn tam thái tử. “Quy mô trận chiến thì dễ, nằm trong tầm tay của mình: Bao nhiêu người, ngựa xe bố trí ra sao; còn đánh như thế nào là cả một vấn đề,” đạo diễn bày tỏ.

“Lựa chọn cuối cùng cho bảng phân vai thực sự khó khăn, cũng vì nhiều người nhiệt tình tham gia tuyển chọn” - Lưu Trọng Ninh khẳng định khâu tuyển chọn diễn viên đã hoàn tất nhưng chưa công bố một cái tên nào.  

MỚI - NÓNG