100 năm sinh Hoài Thanh:

Khen chê đều có

Khen chê đều có
TP - Nhà thơ Trần Đăng Khoa đăng đàn không cần văn bản: “Tôi nói nhiều năm nay: Hoài Thanh là một thiên tài”. Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam chật cứng trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm sinh của tác giả Thi nhân Việt Nam sáng 9/7, nhiều người phải đứng.

“Trong Thi nhân Việt Nam, nhiều khi phần bình thơ của Hoài Thanh còn hay hơn chính bài thơ” - Trần Đăng Khoa nói. “Nhiều nhà thơ bị Hoài Thanh điểm trúng huyệt, để rồi cả đời chỉ loay hoay trong vòng kim cô do ông (Hoài Thanh) vẽ ra”.

Với tham luận Hoài Thanh- nhà lý luận văn học đầu tiên khẳng định bản chất thẩm mỹ của văn học, GS Trần Đình Sử dành nhiều dòng nói về cuộc tranh luận giữa Hoài Thanh và Hải Triều cách đây 70 năm, để rồi từ đó Hoài Thanh bị chụp cái mũ nghệ thuật vị nghệ thuật.

“Sự thắng thế của Hải Triều tuy đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh xã hội, song tiềm ẩn nguy cơ của chủ nghĩa công lợi thực dụng, chỉ coi trọng nội dung xã hội, chính trị; coi nhẹ hình thức và đặc trưng nội dung của văn nghệ - một khuynh hướng kéo dài trên nửa thế kỷ và cho đến nay chưa thể nói đã được giải quyết hài hòa”.

Khen chê đều có ảnh 1
Hoài Thanh (Ảnh chụp năm 1935)

Theo GS Sử, việc bị quy nghệ thuật vị nghệ thuật để phủ nhận đã “làm nghèo truyền thống lý luận văn học Việt Nam vốn không lấy gì làm phong phú”.

Trần Đăng Khoa thì cho rằng “Hoài Thanh và Hải Triều đều vị nhân sinh, theo cách khác nhau. Nhà nước phải nói đã tỉnh táo, chính xác khi xếp cả hai cùng chiếu giải thưởng Hồ Chí Minh”.

Nhà phê bình Hoài Thanh từng phải “gọt chân cho vừa giày”- luận điểm do nhà thơ Vũ Quần Phương đưa ra. “Sau bao dằn vặt, áy náy, cuối năm 1964, Hoài Thanh chính thức tự phê phán quan điểm thẩm mỹ của mình trong Thi nhân Việt Nam”.

Vũ Quần Phương lưu ý,  Hoài Thanh chỉ phê phán bản thân, chứ “vẫn trân trọng các nhà thơ”. Ông Phương kể: “Hoài Thanh đòi hỏi chính mình và các nhà thơ mới lãng mạn, khi đọc thơ, làm thơ thời ấy - phải có tình cảm và ý chí cách mạng mà ông lấy ví dụ như của Nguyễn Đức Cảnh trong xà lim án chém hoặc Nguyễn Văn Năng bị tra tấn trong Sở Mật thám Nam Định.

Theo Vũ Quần Phương, Hoài Thanh còn nghiêm khắc lên án mình gây nguy hại cho đất nước vì đã đề cao cái hay cái đẹp của Thơ mới: “Những câu thơ buồn nản hay vẩn vơ cũng đều là bạn đồng minh của giặc”.

Kể lại một số chuyện cười ra nước mắt, Vũ Quần Phương nói: “Nhắc lại không phải để cười giễu cái ấu trĩ chúng ta đã vượt qua mà để nhận chân một quy luật xã hội: Tính cộng hưởng của thời cuộc dễ nhập vào giới văn chương như nhập đồng. Và mỗi thời cuộc lại có kiểu cộng hưởng thời cuộc mới”.

Vũ Quần Phương trích mấy câu trong cuốn Văn chương và hành động của Hoài Thanh bị nhà cầm quyền thực dân cấm lưu hành ngay sau khi xuất bản vào 1936: Một nước bao nhiêu người rung đùi làm thơ than việc nước thì không mất nước sao được? Người ta thương nước bằng việc làm, người mình thương nước bằng mấy tiếng thở than hão. Anh hùng hào kiệt của mình đụng trán nhau ngoài đường, ngồi đầy ca lâu tửu quán, có điều chỉ hào kiệt anh hùng đầu lỗ miệng!

Khen chê đều có ảnh 2  Qua các tham luận và phát biểu, các ý kiến khen Hoài Thanh tương đối nhiều. Nhưng các ý kiến chê, tôi thấy, đều rất đúngKhen chê đều có ảnh 3 Nhà văn Từ Sơn, con trai Hoài Thanh

“Một người đã viết lên những dòng ấy không thể là người vị nghệ thuật”, ông Phương nói. “Tôi lấy làm lạ là trong thời gian dài, không ai cải chính cho Hoài Thanh mà ông cũng không tự cải chính.

Chỉ có người trong cuộc là Nguyễn Công Hoan - tác giả các truyện ngắn gây nên cuộc tranh luận - có kể lại: Sau vụ tranh luận ấy, ông vào Huế chơi, ban ngày đến ngồi với ông vị nhân sinh Hải Triều, đêm về ngủ với ông vị nghệ thuật Hoài Thanh và ông Hoan thấy hài lòng với cả hai ông. Rõ là việc không đâu mà mang oán”.

Hoài Thanh từng viết: Nếu dân tộc này không bao giờ tự mình dựng lên được nền học thuật thì chẳng nói hai mươi triệu, có đông đến hai trăm triệu cũng là một dân tộc bỏ đi, một dân tộc không có tên trong pho lịch sử văn minh loài người.

Có lẽ ông đã dùng liệu pháp gây sốc để cảnh tỉnh xã hội thời điểm đó - nhưng đến hôm nay lời cảnh tỉnh không phải đã hết tính thời sự.

“Những năm cuối đời, ông buồn. Buồn vì sức khỏe. Vì xa công việc”- GS Phong Lê - một đàn em của Hoài Thanh ở Viện Văn học, kể. “Cả vì nhân tình thế thái”.

Như năm 1977, Hoài Thanh có lời đề nghị hỗ trợ để làm một hợp tuyển thơ sau 1945 tới nhiều nơi nhưng không được đáp ứng.

GS Phong Lê kết luận: “Ông đã bị thời đại quy định nghiệt ngã, cũng như tất cả chúng ta. Hành trình nghề nghiệp của Hoài Thanh như tôi hiểu là hành trình tiêu biểu, có ý nghĩa điển hình cho giới trí thức Việt Nam thế kỷ XX”. 

MỚI - NÓNG