Khi ca sĩ VN tiến vào sân chơi khu vực...

Khi ca sĩ VN tiến vào sân chơi khu vực...
Trong hơn nửa tháng, từ 24-11 đến 16-12, nhạc Việt đã và sẽ chứng kiến hai sân chơi âm nhạc mang tầm khu vực: cuộc tìm kiếm ngôi sao âm nhạc châu Á Sutasi và cuộc thi Asian Idol.
Khi ca sĩ VN tiến vào sân chơi khu vực... ảnh 1
Nguyễn Ngọc Phương Vy

Sutasi hiện chỉ mới vượt qua hai ngày thử giọng vào 24 và 25/11 tại Nhạc viện TP.HCM, trong khi Asian Idol sẽ là cuộc cạnh tranh giữa thần tượng âm nhạc của sáu nước.

Những người khó tính, tất nhiên, sẽ có thể cho rằng đây chỉ là sân chơi của các đài truyền hình. Nhưng với những gì nhà tổ chức nước ngoài hứa hẹn, đây sẽ là cơ hội lớn để tài năng tỏa sáng không chỉ ở phạm vi của “ao làng”.

Nếu chiến thắng ở cuộc thi Sutasi, ngôi sao sẽ được một êkip chuyên nghiệp thực hiện phần ghi âm và phát hành album trên toàn khu vực châu Á.

Nếu giành danh hiệu Asian Idol, thị trường 6 nước sẽ mở cửa cho Phương Vy - điều mà nhiều ca sĩ hằng mơ ước và cố công thực hiện.

Những cánh chim không mỏi

Không đợi đến hôm nay các ca sĩ Việt mới tìm đường tiếp cận khán giả các nước. Từ 4 năm trước, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã cố đưa nhóm nhạc Trio 666 lên kênh truyền hình Rai của Ý và kênh MTVAsia. Việc Kasim Hoàng Vũ, thông qua đối tác Thái Lan, “xí chỗ” trên kênh này cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Khi Mỹ Linh phát hành album tại Nhật, nhiều người đã hi vọng chúng ta sẽ không chỉ đến với công chúng khu vực qua con đường giao lưu văn hóa. Hội nhập với thế giới sau WTO, nghĩa là ta có thể bán sản phẩm ra nước ngoài thay vì thuần nhập khẩu.

Một cách tiếp cận khán giả ngoại khác cũng được nhiều ca sĩ kỳ vọng là Internet. iTunes, Amazone, CDBaby, kể cả eBay đều nằm trong bài tính của các ca sĩ nhằm giới thiệu giọng hát của mình - giới thiệu trước khi thực sự bán được album.

Quốc Bảo, Trần Mạnh Tuấn khi đưa đĩa nhạc lên mạng chỉ mong có người nghe được tác phẩm của mình bởi theo các anh, nội chi phí gửi đĩa ra nước ngoài đã đắt hơn tiền bán đĩa thu lại được. Giới ca sĩ không chọn phương án ấy. Họ bán từng ca khúc qua mạng eBay hoặc bán đĩa nhạc sau khi đã cộng phí shipping (gửi hàng).

Với những điều đã đạt được - đưa nhạc ra thế giới, đã có khán giả tìm nghe, thật kỳ lạ, cả giới ca sĩ lẫn nhạc sĩ đều chưa đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường này. Điệp khúc “Bán gì?” vẫn được nhắc đi nhắc lại sau khi đã giải đáp được câu hỏi “Bán cho ai?”.

Chúng ta bán gì?

Bán nhạc. Rõ ràng là thế. Nhưng chúng ta có bán loại nhạc mà khán giả thế giới có thể nghe không lại là chuyện khác. Nhạc không lời của Trần Mạnh Tuấn hay những bản rock hát bằng tiếng Anh tỏ ra là một ưu thế.

Nhưng khi giới rocker còn đang loay hoay tìm chỗ đứng trên sân khấu trong nước, thì ca sĩ thuộc các dòng nhạc khác sẽ buộc phải tính lại cách chinh phục khán giả nước ngoài của mình.

Khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã định hình xong K-pop, J-pop, C-pop thì hình dáng của V-pop vẫn chưa rõ nét. Thế giới có chấp nhận mua một sản phẩm không có gì đặc sắc hơn những gì đang có trên thị trường?

Ở cuộc thi Asian Idol, Phương Vy sẽ phải trình bày ca khúc tiếng Anh bên cạnh ca khúc tự chọn bằng tiếng Việt. Đây chính là rào cản lớn nhất mà cả Vy lẫn các ca sĩ đang ôm mộng bước lên tầm thế giới phải vượt qua.

Tuy nhiên, một rào cản lớn hơn nhưng ít người để ý là các chuẩn mực của một sản phẩm âm nhạc bán trên thị trường toàn cầu. Đã có không ít ca sĩ bị iTunes từ chối vì tác phẩm mang bán không đạt chuẩn âm thanh mà iTunes yêu cầu.

Như nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn xác nhận: “Để được đối tác Mỹ công nhận chất lượng đĩa của mình, tôi phải thu ở phòng thu của Nhạc viện TP.HCM. Có lẽ đây là phòng thu duy nhất đạt được chuẩn mà quốc tế đòi hỏi”.

Với việc Asian Idol tìm kiếm thần tượng âm nhạc cho sáu nước châu Á và Sutasi tìm đến Việt Nam thử giọng các ngôi sao tiềm năng, cánh cửa để ca sĩ Việt vươn ra khu vực và xa hơn là thị trường thế giới đã rộng mở.

Vấn đề còn lại là chúng ta có đủ khả năng vượt qua cánh cửa ấy để biến giấc mơ thành hiện thực hay không. Giao thương với các nước nghĩa là chấp nhận cạnh tranh với toàn thế giới thông qua chất lượng sản phẩm, chứ không đơn thuần là bán hàng giá rẻ theo kiểu được chăng hay chớ. Đã đến lúc các “đô vật” ca sĩ, nhạc sĩ phải lớn lên và mạnh hơn trước khi chiến đấu với những gã khổng lồ toàn cầu.

Asian  Idol: Loại bỏ khả năng "dồn phiếu"

Từ ngày 7 đến 16/12, Nguyễn Ngọc Phương Vy - Vietnam Idol - sẽ đại diện VN tham gia cuộc tranh tài với thí sinh (TS) năm nước khác để giành ngôi vị thần tượng âm nhạc châu Á lần thứ nhất - Asian Idol.

Những đối thủ của Phương Vy gồm: Rini Wulandari - đại diện nước chủ nhà Indonesia, Prashant Tamang (Ấn Độ), Hady Mirza (Singapore), Maureen Marcelo (Philippines), Jaclyn Victor (Malaysia).

Ca sĩ Siu Black - giám khảo của Vietnam Idol, cũng sẽ là giám khảo chính thức tại Asian Idol cùng với các vị Indra Lesmana, Anu Malik, Ken Lim, Pilita Corrales và Paul Raymond Moss.

Siu Black cũng tham gia biểu diễn với vai trò khách mời. Tại VN, khán giả có thể xem chương trình trên kênh HTV9 vào các ngày 9, 15, 16/12, trong đó đêm 15/12 là đêm thi chính và đêm 16/12 là đêm công bố kết quả.

Điểm đặc biệt trong cuộc thi này là cách thức bình chọn theo kiểu lựa chọn kép nhằm tránh tình trạng người dân ở quốc gia bất kỳ dồn phiếu cho TS nước mình, khiến kết quả có thể sai lệch.

Đại diện BTC Asian Idol cho biết: "Sẽ không công bằng nếu người dân ở nước có dân số đông hơn dồn tin nhắn bình chọn cho thần tượng của họ”.

Để giải quyết, phương án được ban tổ chức đưa ra là với mỗi tin nhắn bình chọn, người tham gia sẽ phải bình chọn cho hai TS thuộc hai nước bất kỳ.

Nếu giả thiết có 1 triệu tin nhắn bình chọn cho Phương Vy thì cũng tương ứng với 1 triệu tin nhắn bình chọn rơi vào TS nước khác.

Phương án thứ hai sẽ được thực hiện song song là chia tỉ lệ phần trăm tổng số tin bình chọn. Tỉ lệ này sau đó sẽ là số điểm của TS, quyết định ngôi vị thần tượng âm nhạc châu Á.

Để bình chọn cho TS mình yêu thích, tại VN khán giả có thể gửi tin nhắn về tổng đài 4365.

Theo Phạm Thành Nhân
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.