Khi cả xã hội trang điểm…

Khi cả xã hội trang điểm…
TP - Không biết từ bao giờ phụ nữ đã trang điểm và mỹ phẩm trở thành một ngành công nghiệp quan trọng. Trang điểm thông thường đến nỗi chẳng mấy ai đặt vấn đề về nó, trừ họa sĩ Nguyễn Văn Cường.

> Họa sĩ đẹp trai, chỉ vẽ phụ nữ 18 - 25 tuổi

Anh dành cả triển lãm đầu tay (khai mạc chiều 22-10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho các chân dung phụ nữ hoàn mỹ nhờ trang điểm.

Tác giả và tác phẩm Thời đại mới 6 (155cmX135cm). Ảnh: Bích Ngọc
Tác giả và tác phẩm Thời đại mới 6 (155cmX135cm). Ảnh: Bích Ngọc.

Do đâu anh nảy ý tưởng về triển lãm Những gương mặt được trang điểm?

Mấy chuyến đi nước ngoài, đến những phố đèn đỏ, tôi ấn tượng người đàn bà make-up để buổi tối ra đường cuốn hút đàn ông. Nhìn rộng ra ngoài xã hội, ai cũng cần phải trang điểm, làm cho mình có phong cách riêng, bộc lộ được bản chất của mình hơn.

Triển lãm này xoáy vào một khía cạnh nhỏ trong toàn bộ kế hoạch Trang điểm của tôi. Tức là nó còn nhiều những mức độ sau nữa, có thể sẽ có những người đàn ông thắt cà vạt, xài đồ hiệu…

Nảy sinh ý tưởng từ đó nhưng tôi khai thác tính xã hội, không khai thác chuyện chơi bời. Ngay cả thời trang cũng là một dạng trang điểm, nếu không quần áo chỉ để che thân. Xã hội bây giờ làm đẹp là xu thế chung. Quan điểm của tôi không phê phán cũng không phải khen.

Nếu anh thấy cái đấy thuận với cuộc sống thì anh bảo nó tích cực, người nào đó lại bảo mất bản chất, đánh mất mình.

Có những người ở châu Âu hay thích lập kỷ lục như người có bộ ngực to nhất hay người giải phẫu nhiều nhất. Họ phấn đấu vì điều đó và có thể chết vì điều đó.

Trên phố 4 (155cmX135cm) - tranh Nguyễn Văn Cường
Trên phố 4 (155cmX135cm) - tranh Nguyễn Văn Cường .

Thực ra những gương mặt trong tranh của anh không rõ dấu vết trang điểm, chỉ là những bộ mặt hoàn hảo?

Đúng. Ý của tôi: yếu tố trang điểm không đơn giản chỉ là bề ngoài. Trang điểm ở đây thậm chí còn cả ánh mắt. Các cô gái có thể trang điểm bằng sự ngây thơ hay sắc sảo. Trong mỹ thuật, trước tiên là hiệu quả thị giác. Bức tranh nói gì thì nói nhưng phải hấp dẫn người ta về
thị giác.

Trong loạt tranh của tôi, tất cả các cô đều nhìn thẳng vào người xem. Khi bày trong phòng triển lãm, bằng ấy con mắt sẽ nhìn vào người xem. Nó đúng như kiểu anh sang Thái Lan xem sex tour. Họ trong tủ kính, anh ở bên ngoài, các cô ấy sẽ hấp dẫn để anh chú ý.

Với những người phụ nữ thân thuộc quanh mình như vợ, anh thích họ trang điểm hay không?

Tất nhiên tôi thích họ trang điểm. Tôi thích theo xu thế. Nhưng trang điểm phải làm sao bộc lộ chính con người của vợ tôi chứ không phải đánh mất đi, giống một ai đó, chẳng hạn nhìn thấy Mỹ Tâm tóc xù cũng về làm tóc xù thì đó là cái tối kỵ. Mình biết thế mạnh ở đâu để làm đẹp thì nó hay.

Tôi rất sợ những người xăm tràng mày, bơm môi… tức là can thiệp một cách thô bạo vào hình ảnh của mình. Về mặt tâm linh lẫn thẩm mỹ đều không ổn.

Nhưng có những người cần phải thay đổi để tìm lại chính mình. Đơn giản một đứa trẻ sinh ra bị hở hàm ếch, nó hoàn toàn có quyền làm mất dấu ấn đó. Một người không nhất thiết phải giữ nguyên trạng khuôn mặt cũng như bản chất của mình nếu điều đó gây tổn thương cho chính họ.

Việc trang điểm cũng gây tác dụng phụ. Bôi hóa mỹ phẩm lên da có thể làm xấu da đâm ra đã trang điểm là cứ phải trang điểm cả đời, chưa kể các yếu tố hại sức khỏe khác. Việc trang điểm giống như phụ nữ đang phải hy sinh vì đàn ông?

Nên như thế. Trang điểm có thể làm cho đời sống của ai đó trở nên dễ dàng hơn. Có thể vì gương mặt của cô ấy được chăm sóc hấp dẫn người ngoài hơn thì sẽ thuận lợi trong thăng tiến hơn. Thì người ta phải hy sinh vì điều đó.

Nếu trang điểm phải trả giá thì một là trả bằng tình trạng da xấu đi hoặc phải tìm những nguyên liệu tốt nhất, dùng đồ xịn- thì trả giá bằng tiền bạc. Cách này hay cách khác đều phải trả giá.

Người yêu hoặc người vợ của mình lúc ra đường đi ăn tối đi mua sắm với mình rất đẹp đẽ. Nhưng buổi sáng ngủ dậy chưa kịp trang điểm thì trông họ như thế nào. Trả giá chính là cái tương phản đó.

Hóa ra người đàn ông không cần người đàn bà đẹp ở mọi hoàn cảnh. Người ta chỉ cần người đàn bà đẹp khi muốn khoe hoặc muốn tự hào về người đàn bà đó với ai.

Người vợ ở nhà hoàn toàn có thể mặc đồ xộc xệch, nằm ngồi tự nhiên thoải mái, thậm chí còn mắng mình. Nhưng ra ngoài đường thì cô đừng nói với tôi trước mặt ai đó như vậy. Người đàn ông có yếu tố sĩ, muốn trưng ra. Ngay người vợ ở khía cạnh nào đấy đàn ông cũng cho là cái gì thuộc sở hữu của họ.

Biết đâu xem tranh của Cường xong người ta lại chán sự trang điểm?

Ông Giả Bình Ao (Trung Quốc) nói một câu: Khi toàn bộ xã hội đều trang điểm thì sự trang điểm tuyệt vời nhất là không trang điểm. Ông cho rằng trang điểm lớn nhất là trang điểm tri thức- một khuôn mặt xấu trở thành hấp dẫn vì ở đó nói ra những câu có duyên.

Xem tranh tôi mà người ta bỏ trang điểm cũng là một hiệu ứng tốt. Nếu ai đó chưa bao giờ trang điểm xem tranh của tôi, đi trang điểm cũng tốt. Tôi chỉ đưa ra xu hướng đang là như thế và các bạn tự thẩm thấu, tự hiểu mình phải làm gì.

Hôn một khuôn mặt, một đôi môi có trang điểm hoặc một khuôn mặt, một đôi môi tự nhiên- anh thích kiểu nào hơn?

Trước tiên uống một ly cà phê, anh nhìn ly cà phê đó nó phải ra cà phê đã. Nếu cà phê lại không phải màu cà phê thì anh sẽ nghi ngờ... Thì cái chuyện “thưởng thức” người đàn bà theo cách nào đó thì trước tiên là phải nhìn.

Trước khi hôn một đôi môi anh phải nhìn nó trước đã, thì cái chuyện có phấn son ấy nó tác động đến mình tốt chứ. Người đàn bà nào luôn đổi mới thì luôn hấp dẫn.

Nếu quý đến mấy mà quen thì nó không còn giá trị. Kiểu như đi một cái xe. Thậm chí xe anh đẹp hơn nhưng anh đi quen. Hôm nào đấy mượn xe bạn đi chơi một tí lại thấy thích. Nhu cầu thưởng ngoạn của con người đa dạng lắm.

Hôm nay anh có thể thích một cô gái rất quê nhưng biết đâu ngày mai anh lại thích cô gái rất sành điệu, thông minh. Hôm nào đó anh lại thích một cô thật thà, hơi ngốc nghếch một tí. Con người là như thế. Đâu phải là cái máy mà cứ đọc đúng số sê-ri là nhận thẻ.

Nguyễn Văn Cường sinh năm 1976 tại Bắc Giang; tốt nghiệp Cao học ĐH Mỹ thuật Việt Nam 2007; giảng viên khoa Mỹ thuật, ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ; giải Nhất, cuộc thi và triển lãm Dogma- Chân dung tự họa 2011.

Những chân dung Cường vẽ đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc rất được người mua tranh (nước ngoài) ưa chuộng. Anh có một thời gian khá dài cộng tác với một số gallery nổi tiếng ở Hà Nội. Cố PGS. họa sĩ Nguyễn Lương Tiểu Bạch từng nhận định: “Chân dung trong tranh anh được diễn tả sâu sắc, bút pháp thoải mái mà vững vàng, lột tả được tính cách nhân vật... Thật quá sớm để đánh giá anh là một tài năng mỹ thuật, nhưng những gì được thể hiện trong tác phẩm của mình, họa sĩ Nguyễn Văn Cường cũng xứng đáng được người ta trân trọng.” (tháng 8- 2011).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG