Khi cánh cửa và chai lọ biết "hát"

Khi cánh cửa và chai lọ biết "hát"
TP - Mai Đình Tới đã bắt các vật dụng xây dựng, đồ dùng sinh hoạt gia đình cất lên tiếng hát. Mỗi chất liệu anh khai thác một khía cạnh và màu sắc âm thanh riêng, tạo cảm giác luôn mới.
Khi cánh cửa và chai lọ biết "hát" ảnh 1
Nghệ sĩ Mai Đình Tới đang biểu diễn

Live show “chuyện lạ Việt Nam” của Mai Đình Tới được mở đầu bằng âm hưởng quen thuộc của Lên ngàn qua phần hoà tấu nhạc cụ truyền thống với trên 30 nhạc công Nhạc viện HN và ĐH Sân khấu điện ảnh.

Chỉ huy dàn nhạc hoành tráng ấy chính là NS Mai Đình Tới. Kết thúc, nhạc cụ lạ vẫn chưa xuất hiện, dàn nhạc tiếp tục hoà tấu nhưng lúc này Mai Đình Tới dời vị trí chỉ huy để solo sáo.

Tiếng sáo cuốn hút, cá tính, tràn trề tình cảm khi thể hiện Lý hoài nam. Tài của Mai Đình Tới bộc lộ ở đây: Thổi sáo ngược. Thường, nghệ sĩ để phần lỗ bấm của sáo ở bên phải, Mai Đình Tới lại đặt bên trái.

Tựa như nghệ sĩ guitar thuận tay trái đã... lật ngược cây đàn lại! Nhưng với sáo để thổi ngược được phải khoét lỗ sáo và luyện tập các ngón tay, thế tay sao cho phù hợp.

Phần chính bắt đầu bằng ống nước, sáng chế 2003. Đàn này được làm từ những đoạn ống nhựa dùng trong xây dựng, chính độ to của ống là hộp cộng hưởng âm thanh, ở đoạn thuận lợi nhất anh gắn phím ngựa và dây vào.

Tiếng đàn nghe khá lạ, gần giống tiếng Tỳ Bà pha đàn Nguyệt. Nhạc cụ lạ tiếp theo có tên Đàn cánh cửa. Khi nhạc nổi lên rộn ràng, từ cánh gà, nghệ sĩ vác trên vai một cái cánh cửa nhôm (to bằng cửa sổ) - hình ảnh thường thấy ở những khu xây dựng.

Hết nhạc dạo, nghệ sĩ quờ quờ tay lên phía cánh cửa đã có sẵn mấy cái dây và thản nhiên thể hiện Bến Thượng Hải không cần nhìn nốt. Nghe âm thanh của cây đàn có thể mường tượng guitar lead, nhưng không hoàn toàn giống.

Xen kẽ giữa 2 cây đàn lạ là các nhạc cụ quen thuộc: Sáo dọc và Trống. Lần này cái lạ nằm ở cách thể hiện. Mai Đình Tới tấu những ca khúc mang âm hưởng dân gian ba miền, tay cầm sáo còn hai chân đảm đương bộ gõ với 5 trống con các kích cỡ, 2 mõ và một xanh-ban.

Sau khi chào khán giả, chân bắt đầu gõ, anh đưa 2 bàn tay áp vào vị trí lỗ sáo, từ từ đưa lên miệng. Khán giả chăm chú dõi theo. Trời ơi! Người nghệ sĩ kia có lẽ xúc động quá nên đã quá đà cắm thẳng vào... lỗ mũi.

Giai điệu quen thuộc “đây hành lý anh mang” (Tây du ký) nổi lên, cả rạp mới ồ cười. Hoá ra anh thổi sáo bằng lỗ mũi, mà tiếng sáo lỗ mũi cũng chẳng kém miệng là bao.

Chưa hết, trong phần nhạc dạo giữa, anh rút trong túi thêm cái sáo nữa, rồi 2 tay 2 sáo cắm thẳng vào lỗ mũi, người lắc lư cùng giai điệu cho đến hết...

Chương trình còn vài tiết mục xiếc, đế kiếm... để thay đổi không khí. Rồi lại nhanh chóng trở về phần trình diễn chính. Đèn phụt tắt, từ trong bóng đêm ánh sáng mờ phát ra từ 2 cái bóng đèn ne-on dài 60 cm, 2 chiếc đèn cắt ngang nhau tạo thành hình dấu cộng.

Nhạc đệm nổi lên, giai điệu chính cất lên cũng là lúc 2 cái đèn kia cứ liên tục “cò cưa cò cưa”. Lúc này khán giả mới biết ấy là cây đàn Bóng điện, mô phỏng đàn Nhị nhưng chỉ một dây.

Biết rồi thì đâm lo cho anh bởi khi thể hiện đèn vẫn sáng, ngộ nhỡ “phê” quá tay làm vỡ thì nguy hiểm!

Phần cuối là các “nhạc cụ” được cấu tạo thành những hàng âm. Đàn chai nước ngọt kết hợp 11 cái chai giống như chai Coca cola, 11 chai kích cỡ bằng nhau nhưng âm thanh khác nhau bởi trong mỗi cái anh đổ một lượng nước khác.

Lượng nước này phải được tính toán kỹ lưỡng mới tạo nên khoảng cách đều đặn 1/2 cung đúng như âm nhạc châu Âu, đủ thì phải có 12 chai. Sau 11 cái chai to với âm sắc dầy, đầy đặn, Mai Đình Tới tiếp tục giới thiệu một nhạc cụ tương tự nhưng nhỏ hơn, gồm 11 cái chai bé bằng chai rượu lễ, “nhạc cụ” này tạo ra âm thanh trong, cao, lảnh lót.

Cuối chương trình là tiết mục Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh rộn rã với những âm thanh phát ra từ 11 cái bát các kích cỡ, cách chọn bát cũng dựa theo nguyên lý hàng âm như Đàn chai nước ngọt.

Mai Đình Tới đã bắt các vật dụng xây dựng, đồ dùng sinh hoạt gia đình cất lên tiếng hát. Mỗi chất liệu anh khai thác một khía cạnh và màu sắc âm thanh riêng, tạo cảm giác luôn mới.

Có thể bạn tìm được tiếng nói chung với nghệ sĩ, có thể không, nhưng chắc chắn, bạn sẽ có những giây phút thư giãn sảng khoái với nụ cười túc trực trên môi. 

MỚI - NÓNG