Khi đơn vị thực thi tác quyền gặp ông “bầu” cứng

Khánh Ly vẫn đứng ngoài mọi tranh cãi về tác quyền liên quan các đêm nhạc của bà tại Việt Nam. Ảnh: N.M.Hà
Khánh Ly vẫn đứng ngoài mọi tranh cãi về tác quyền liên quan các đêm nhạc của bà tại Việt Nam. Ảnh: N.M.Hà
TP - Cuộc đụng độ chưa thấy hồi kết giữa Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam và Cty Đồng Dao quanh hai đêm diễn của Khánh Ly làm nóng lên vấn đề tác quyền, đòi hỏi công tác này phải được thực thi một cách chuyên nghiệp hơn. 

Cuộc gặp gỡ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trước giờ Khánh Ly in Hà Nội mở màn kết thúc bằng hợp đồng có chữ ký của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc (gọi tắt là Trung tâm) và nhà tổ chức Đồng Dao. 


Kèm theo là lời hẹn của nhà tổ chức: sẽ đem tiền trả vào một ngày gần đó - trước khi đêm Khánh Ly tại Đà Nẵng diễn ra. Lời hứa không được thực hiện dẫn đến việc Giám đốc Trung tâm Phó Đức Phương tiếp tục thân chinh vào Đà Nẵng. Cuộc “đấu khẩu” giữa hai bên được báo chí đưa tin. Đến nay, Trung tâm vẫn chưa nhận được số tiền mà họ muốn.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Cty Đồng Dao, nói rằng, đã thực hiện nghĩa vụ tác quyền trực tiếp với các nhạc sĩ khác có bài hát trong chương trình là Phạm Duy và Phú Quang. 

Còn Nguyễn Ánh 9 và Trương Quý Hải đã tặng tác quyền cho chương trình. Trung tâm đồng ý về trường hợp Phạm Duy - không thuộc diện quản lý tác quyền của Trung tâm, đồng thời khẳng định Phú Quang nhận tiền trực tiếp từ nhà tổ chức là “sai”, vì đã ký hợp đồng trao quyền đại diện quyền tác giả cho Trung tâm. 

Nhưng Đồng Dao lại lên tiếng ủng hộ các tác giả như Phú Quang: “Công ước Paris về Sở hữu trí tuệ và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 xác định quyền sở hữu của tác giả đối với tác phẩm là không giới hạn và bất khả xâm phạm. Việc ủy quyền không làm mất đi quyền thiêng liêng và không giới hạn của các tác giả”. 

Theo Đồng Dao, Trung tâm chưa đủ chứng cứ bằng giấy tờ để khẳng định vai trò đại diện tác quyền cho Trịnh Công Sơn. Còn lý lẽ Phó Đức Phương đưa ra là phải bay vội vào Đà Nẵng đòi tác quyền nên không kịp đem theo giấy tờ đang giữ tại văn phòng ở TPHCM. 

Phía đòi tiền khẳng định, nếu nhà tổ chức cho rằng đại diện gia đình nhạc sĩ và Trung tâm không đủ quyền hợp pháp thì có thể kiện. Cũng như gia đình Trịnh Công Sơn có thể kiện Trung tâm, nếu bị qua mặt.

Đồng Dao cũng đưa “gợi ý” tương tự: “Nếu các đơn vị tổ chức vi phạm về tác quyền thì Trung tâm phải hành xử theo đúng pháp luật là khiếu nại về hành vi vi phạm trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc/và khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền. Việc lãnh đạo Trung tâm đi yêu cầu thanh toán và đưa ra các chỉ thị của lãnh đạo Nhà nước để tạo áp lực và đe dọa đơn vị tổ chức là không tôn trọng pháp luật”.

Vênh nhau về giá

Theo cách tính Trung tâm áp cho đêm nhạc Khánh Ly in Hà Nội (5% của 40% số vé phát hành tính theo giá vé trung bình), trung bình một bài hát, nhà tổ chức Khánh Ly in Hà Nội phải đóng 7,5 triệu đồng. 

Trong khi đó, Đồng Dao nói rằng, họ chỉ phải trả cho Phạm Duy - Phú Quang 1 triệu đồng/bài. Đồng Dao tiếp tục dẫn chứng cho thấy nhạc Trịnh từng có giá “rẻ” hơn nhiều. 

Tháng 7/2011, gia đình Trịnh Công Sơn thu trung bình 667.000 đồng/bài với chương trình Như cánh vạc bay tại Hà Nội. 

Chương trình Dư âm cũng tại Hà Nội tháng 7/2013 gồm nhạc phẩm của nhiều nhạc sĩ trong đó có Trịnh Công Sơn được Trung tâm tính 500.000 đồng/bài. 

"Từ thực tế này, mức phí Trung tâm xác định cho chúng tôi là không hợp lý. Chúng tôi rất muốn được đàm phán mức giá hợp lý nhất và có sự bình đẳng với các chương trình khác để đảm bảo có động lực tiếp tục tổ chức các chương trình chất lượng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Phương nói rằng, gia đình Trịnh Công Sơn đã ủy quyền cho mình từ 2011, vì quá mệt mỏi trong việc “mặc cả” với các nhà tổ chức. Trước đó, được biết cả hai bên song song thu tiền. Trung tâm cho rằng, đem mức giá của các năm trước áp dụng cho năm nay là không thỏa đáng. Và các chương trình tổ chức với quy mô khác nhau, giá vé, số ghế khác nhau, dẫn đến tiền tác quyền chênh lệch nhau. 

Đến nay, vấn đề về tác quyền Trịnh Công Sơn trong hai đêm diễn tháng 8 tại Hà Nội và Đà Nẵng của Khánh Ly vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đêm diễn trước đó 3 tháng cũng của Khánh Ly tại Hà Nội đã thực hiện tác quyền đầy đủ, không gây phàn nàn gì từ phía Trung tâm. 

Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc làm rõ sự việc. Theo nhiều chuyên gia, việc tổ chức biểu diễn cũng như thực thi tác quyền đều có những khó nhọc riêng. Nhà tổ chức muốn khẳng định đẳng cấp của ca sĩ và của chính mình vào thời điểm chưa phù hợp sẽ khó có doanh thu tốt. Còn tổ chức đại diện quyền tác giả đầy nhiệt huyết với công việc mà chưa chuẩn bị tốt cơ sở pháp lý lại gặp phải nhà tổ chức “cứng đầu” cũng sẽ tự chuốc lấy tổn thất cho chính mình, trước hết là về mặt hình ảnh.

Chiều 12/8, Cty Đồng Dao họp báo tại TPHCM về lùm xùm quanh vấn đề tác quyền hai đêm nhạc của Khánh Ly. Trong thông cáo báo chí, Đồng Dao khẳng định, ngay từ những ngày đầu chuẩn bị chương trình tại Hà Nội đã liên hệ đàm phán về phí tác quyền, tuy nhiên, phí tác quyền mà Trung tâm đưa ra quá cao “có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của hoạt động”, nên Đồng Dao đã đề nghị xem xét lại. Mức phí mà Đồng Dao chủ động đưa ra là 1,5 triệu đồng/bài.

Đại diện Trung tâm nhấn mạnh: “Người có tài sản có quyền đưa ra giá, chứ người sử dụng không được quyền đưa ra giá”. 

MỚI - NÓNG