Khi 'hiệp sĩ' của di tích vẽ tranh

GS Hoàng Đạo Kính và tác phẩm.
GS Hoàng Đạo Kính và tác phẩm.
TP - “Khi cầm bút, tôi thường không có khái niệm về vẽ. Gạt đi những nguyên tắc, không quan tâm đến trường phái hay phương tiện, đó chỉ như những cơn sốt, những xung động của điện tâm đồ cảm xúc trong tôi”- GS Hoàng Đạo Kính chia sẻ tại buổi khai mạc triển lãm “Bóng xưa và sắc hoa” lần thứ 3 của mình.

Tiếp nối 2 triển lãm trước, “Bóng xưa và sắc hoa” lần 3 của GS Hoàng Đạo Kính là 30 bức tranh bằng chất liệu màu nước với chủ đề hoa và kiến trúc. Nó dường như đã trở thành nỗi ám ảnh với ông: bóng xưa, phố xưa, hoa xưa... nhưng vẫn rập rờn những xúc cảm đẹp. Cách vẽ của ông gợi cho người xem nét đẹp hoài cổ của một Hà Nội xưa, phảng phất trong đó chất u hoài lãng mạn, tuy nhiên vẫn tươi mới và tràn đầy sức sống.

Hoàng Đạo Kính cho biết, ông vẽ hoa như muốn tìm đến thế giới của sự vô ưu nơi cửa Phật. Khi vẽ, ông luôn để cảm xúc trong sự yên bình cùng với những loài hoa đời thường như hoa ly, hoa chuối, hoa loa kèn, hoa hướng dương... Vì vậy, dưới nét cọ tả thực của ông, những đóa hoa bình dị trở nên sống động với nhiều sắc thái: rực rỡ, e ấp, kiêu hãnh và đẹp mong manh trong cả giây phút chuẩn bị tàn phai.

Là chuyên gia hàng đầu về bảo tồn và trùng tu di tích, di sản kiến trúc và đô thị; lý luận và phê bình kiến trúc; giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo kiến trúc sư, thạc sỹ và tiến sĩ..., hội họa đến với Hoàng Đạo Kính như một mối duyên.

Công việc hàng ngày của một kiến trúc sư tưởng chừng chỉ xoay quanh những bản thiết kế, tư vấn, dạy học... nhưng những lúc cảm xúc đến, ông lại gác hết tất cả, chạy đi mua hoa và về ngồi hàng tiếng đồng hồ trước giá vẽ. 

Ông bảo, “Hội họa hay ở chỗ mình vẽ khi có hứng, bớt đi các phương tiện này, phương tiện kia, vẽ cho ai, vẽ làm gì, vẽ đến đâu...  Không quan tâm trừu tượng hay ấn tượng, siêu thực hay hiện thực... Nó là cảm xúc hoàn toàn tự nhiên”. Và tranh màu nước là sự lựa chọn lý tưởng để ông ghi lại cảm xúc một cách nhanh nhất, lãng mạn nhất. “Với tranh màu nước, tôi chỉ cần vài tiếng đồng hồ là xong một bức tranh, hay nói cách khác là giải quyết xong một cơn rung động cảm xúc”- Họa sĩ “tay ngang” chia sẻ.

Đó cũng là lý do, ông không bao giờ đặt tên cho tất cả các bức tranh của mình. Với ông, đó là những xúc cảm, mà đã là cảm xúc thì khó để gọi thành tên.

Dành trọn đời mình cho sự nghiệp bảo tồn, trùng tu di tích, nghiên cứu di sản kiến trúc…  nên mảng đề tài “bóng xưa” trong tranh ông đậm vẻ thâm u, cô tịch. Còn mảng “sắc hoa” lại tươi mới, sống động hơn

Dù hội họa chỉ là nơi để thả lỏng tâm hồn nhưng GS Hoàng Đạo Kính cũng đã “giắt lưng” kha khá triển lãm. Năm 2013, ông giới thiệu 40 bức tranh trong khuôn khổ triển lãm “Bóng xưa và Sắc hoa” lần 1?tại Hà Nội và Huế, tiếp đó là triển lãm “Hoa vô ưu” (2014), “Bóng xưa và sắc hoa” lần 2 (2015), “Bóng xưa và sắc hoa” lần 3 (2017). 

Vào những năm 1980, Hoàng Đạo Kính đã bắt đầu vẽ tranh màu nước khi đang làm công tác trùng tu ở các di tích cổ của miền Trung. Ông vẽ các tháp Chăm đổ nát, rồi phố cổ Hội An, nơi mà ông cùng những chuyên gia Ba Lan nghiên cứu bảo tồn. Giai đoạn này, Hoàng Đạo Kính đã ra mắt tranh qua triển lãm ở Hà Nội, Huế, thủ đô Warsaw và nhiều thành phố khác của đất nước Ba Lan.

Ông bảo, con đường tranh của mình như điện tâm đồ, tình cảm như thế nào thì tranh như thế ấy. Thế nên nhìn vào triển lãm “Bóng xưa và sắc hoa 3” có thể thấy “màu sắc năm 2016” của Hoàng Đạo Kính.

“Hoàng Đạo Kính rất dễ rung động trước phong cảnh và hoa. Từ khi tôi biết ông cho đến nay, ông vẫn luôn trung thành với mạch đi ấy. Triển lãm lần này vẫn là những nét vẽ bình dị nhưng gợi nhiều cảm xúc. Tranh của ông luôn mang lại cho người xem cảm giác thư thái, an nhàn. Đó là điều hiếm hoi mà tác giả có được giữa cuộc sống đầy bộn bề ngày nay”- Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định, trong buổi khai mạc triển lãm “Bóng xưa và sắc hoa 3”.

Triển lãm hiện đang diễn ra tại Trung tâm giao lưu Văn hoá Phố cổ - 50 Đào Duy Từ, kéo dài đến hết ngày 1/3/2017.

MỚI - NÓNG