Khi lịch sử trở thành một phần của giải trí

Khi lịch sử trở thành một phần của giải trí
Năm 2007 là năm nở rộ các sản phẩm văn hóa khai thác đề tài lịch sử ở Hàn Quốc. Lịch sử sống lại trên màn ảnh truyền hình, trong các tác phẩm điện ảnh, nhạc kịch, tiểu thuyết...

Và ở bất cứ lĩnh vực nào, những câu chuyện lịch sử cũng đều được công chúng Hàn Quốc đón nhận nồng nhiệt.

Khi lịch sử trở thành một phần của giải trí ảnh 1

Một cảnh trong phim lịch sử "Truyền thuyết Jumong" của Hàn Quốc đã được khán giả Việt Nam đón nhận.

Ba đài truyền hình lớn ở nước này hiện đang ưu ái phát sóng các phim dã sử dài tập vào "giờ vàng", khoảng thời gian từng bị các talk show và các chương trình khác chiếm lĩnh trước đây.

Thật ra, sự bùng nổ đề tài lịch sử không phải là điều quá mới mẻ ở Hàn Quốc. Vào những thập niên 1980 và 1990, đã từng có nhiều tiểu thuyết lịch sử bán rất chạy tại nước này như Lãnh địa, Donguibogam Núi Taebak.

Vào cuối những năm 1990, 1 triệu bản 500 năm triều đại Chosun đã bán hết sạch - một thành công hiếm hoi đối với thể loại sách khoa học xã hội. Trong lĩnh vực phim ảnh, kể từ sau thành công vang dội của Báu vật hoàng cung (sản xuất năm 2003), phim truyền hình lịch sử đã trở thành món ăn tinh thần yêu thích của người dân xứ kim chi.

Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ trong "cơn sốt lịch sử" năm nay, và chính điểm khác biệt này tạo nên hiệu ứng lan truyền từ các tác phẩm khai thác đề tài lịch sử.

Cho Young Hee, đại diện Nhà xuất bản Thư Viện Eco Hàn Quốc, bình luận rằng các tác phẩm mới không còn đặt nặng những vấn đề to tát như lòng yêu nước hay những giai đoạn thịnh suy của dân tộc.

Tiểu thuyết Namhan Sanseong (Thành lũy núi Nam Hàn ở Gyeonggido) của nhà văn Kim Hoon kể về cuộc xâm chiếm thứ hai của Mãn Châu ở Hàn Quốc vào năm 1637, còn tiểu thuyết Lijin của Shin Kyung Sook nói về một người phụ nữ sống vào cuối triều đại Chosun. Cả hai tác phẩm đều nhấn mạnh những mâu thuẫn, dằn vặt trong cuộc sống cá nhân con người.

Đặc biệt, các tác phẩm đề tài lịch sử gần đây đều tập trung khai thác chi tiết trong cuộc sống thường nhật hơn là sự kiện lịch sử lớn hay những cuộc chiến giành quyền lực.

Dựa trên một câu chuyện thú vị, các tác giả lồng vào đó văn hóa và đời sống người Hàn xưa. Điều đó khiến độc giả chuyển mối quan tâm từ những nhân vật lớn sang những con người bình thường.

Khi lịch sử trở thành một phần của giải trí ảnh 2
Poster phim Taewangsasingi của Đài truyền hình MBC.

Nói cách khác, lịch sử đã trở thành một phần của giải trí. Thậm chí nó còn được phát triển thành chuyện thần thoại, như bộ phim Taewangsasingi với sự diễn xuất của nam tài tử Bae Yong Joon.

Những khán giả lứa tuổi 20 vốn thích thú với các loại video game, đặc biệt yêu thích kiểu kết hợp lịch sử - thần thoại này. Họ không quan tâm đến tính chính xác hoặc những bài học lịch sử. Chỉ cần cốt truyện hấp dẫn là được!

Người ta có nhiều cách khác nhau để giải thích về trào lưu này. Có người cho rằng các nhà biên kịch chuyển hướng sang chủ đề lịch sử vì cuộc sống hiện đại không đủ hấp dẫn để họ chuyển tải các câu chuyện của thế hệ hiện nay vào phim.

Một số khác nói xu hướng này được "tiếp sức" từ việc dịch các tác phẩm sử học lớn, trong đó có Biên niên sử triều đại Chosun, từ văn tự Trung Quốc ra tiếng Hàn Quốc và phổ biến trên Internet. Dù vì lý do gì, sự bùng nổ dự kiến sẽ còn tiếp diễn. Số lượng fan của thể loại phim này sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Tuổi trẻ/Chosun Ilbo

MỚI - NÓNG