Khi người khiếm thị chụp ảnh

Khi người khiếm thị chụp ảnh
TP - Một tôi khác diễn ra ngoài trời tại khu Nhà Kèn, Hà Nội đến 22/9. Gọi đây là triển lãm ảnh có thể làm một số nhiếp ảnh gia nhăn mặt vì chất lượng ảnh rất “đa dạng”. Đa dạng như cảnh ngộ của các tác giả, người thì khiếm thị, người thì chuyển giới, sống chung với HIV…

> Cô gái gốc Việt làm rạng danh đất nước ở xứ người
> Cô gái dễ thương đạp xe xuyên Việt làm từ thiện

Những bức ảnh có lời chú thích dài hơn thường lệ. Dự án Photovoice - cái tên kết hợp giữa “ảnh” (photo) và “tiếng nói” (voice) - đã trao máy ảnh cho những người có chuyện để kể nhưng không phải lúc nào cũng được lắng nghe.

Đó là người khuyết tật, sống chung với HIV, cai nghiện ma túy, người bán hàng rong, đồng tính, song tính và chuyển giới, người dân tộc thiểu số, người nghèo, công nhân di cư… 15 tổ chức xã hội dân sự xúm vào thực hiện dự án tại nhiều thành phố.

Người đàn bà nhỏ thó đang gập người rửa ráy cho đứa bé trong một bức ảnh là Thu Hương ở Ba Vì, khuyết tật bẩm sinh. Hàng loạt sự cố xảy đến với chị: mẹ mất sớm, anh ruột bị sát hại, bố lấy vợ hai. Lập gia đình, sinh 2 con thì chồng mất vì tai nạn giao thông, chị chăm luôn cả bố mẹ chồng. Tác giả bức ảnh Lê Thị Ngân (Hà Nội) nói về nhân vật: “Cô nai lưng làm việc kiếm tiền trang trải cho gia đình, nhiệt tình tham gia công tác xã hội, là chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật. Cô luôn gây ấn tượng vui tươi, lạc quan, yêu đời. Ước gì mình cũng mạnh mẽ như cô ấy!”.

Không phải câu chuyện nào cũng mang màu sắc bi kịch hay khác thường. Chị Nguyễn Thị Thư- nhân công nhập cư ở TPHCM chụp các bạn cùng phòng và kể: “Nhà trọ chúng tôi có 5 người, ở chung để tiết kiệm tiền nhà. Dù nam nữ cùng phòng nhưng không bất tiện, bởi xem nhau như người thân trong gia đình. Mỗi lúc đi làm về, nhìn thấy nhau thì xua tan hết mệt mỏi”.

Một bức ảnh khá mờ lại chẳng ra bố cục gì, nhưng đủ để thấy người trong ảnh đang rất khổ tâm. Tác giả Yuki (TPHCM) nói về nhân vật: “Bo, 18 tuổi, ở quận Phú Nhuận, đang ôm mặt khóc vì gia đình mới phát hiện Bo yêu người đồng giới nên đuổi khỏi nhà. Bây giờ đã là nửa đêm, bọn em vẫn đứng bên nhau tại khu đường bờ kè mà không biết nói gì để chia sẻ với nó. Phải chi mà cha mẹ chấp nhận mình, đừng hắt hủi con mình”.

Kế đó là bức ảnh chụp một bộ mặt được trang điểm kỹ lưỡng với nụ cười hài lòng. Người trong ảnh trần tình: “Mình là Bo, 18 tuổi, chung xóm với Yuki. Ban ngày, Bo phục vụ tại quán trà sữa gần nhà. Buổi tối, tự trang điểm và mặc đồ đẹp đợi các nhóm hát show của người chuyển giới. Bo muốn sau này có tiền mở quán ăn nho nhỏ cùng với các bạn chuyển giới nhóm mình, để có thu nhập ổn định”.

Có mặt tại buổi khai mạc triển lãm, Cát Thy - đại diện nhóm chuyển giới cho biết thêm: “Vì không được cấp giấy chứng minh chuyển từ nam thành nữ nên Cát Thy phải đi hát đám cưới đám ma - những nơi cần người chuyển giới làm trò hề. Ở đó, chúng tôi được nhận những cành hoa có kẹp 10 ngàn, 20 ngàn. Có người ủng hộ đàng hoàng, có người khi dễ”. Có lần Thy đem máy ảnh tác nghiệp tại nơi “biểu diễn”, bị một vị khách say xô một cái. “Ê con bê-đê mày chụp cái gì? Em chỉ chụp ảnh thôi, không có gì hết. Chụp đi chỗ khác chụp. Không để mày chụp ở đây. Lắm lúc buồn, bất mãn. Vì mình yếu thế chẳng chống cự được gì. Nhưng mình nghĩ mai mốt ảnh của mình đưa ra cho quý vị cùng coi cũng mừng, vì bên cạnh những người không hiểu sẽ có một số người hiểu cho mình”.

Cất lên tiếng nói bằng ảnh không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nguyễn Thị Hiếu - đại diện nhóm nông dân - từng bị “vứt một nắm đá” vào người khi định chụp cảnh làm đường làng. Lý do của nhân vật đơn giản: “Chị đang gớm thế này chụp đưa lên Facebook để bêu xấu à?!”. Sau đó hai chị em có nói chuyện và chị kia cũng hiểu ra ý nghĩa việc Hiếu làm.

Một bàn tay nắm chặt một bàn tay/ Cả vũ trụ như không còn đêm tối - Huỳnh Hữu Cảnh mở đầu chú thích ảnh bằng câu thơ rất có ý nghĩa với người khiếm thị như anh. Bức ảnh chụp người đàn ông đang giúp người phụ nữ đeo kính đen chạm vào những chiếc lá xanh tươi trong nắng. Kim Khánh, người phụ nữ khiếm thị 28 tuổi trong ảnh là một nhân vật đặc biệt. Cảnh kể: “Khi làm việc với nhóm trẻ em chậm phát triển trí tuệ, chị Khánh luôn ước mong xây dựng một ngôi trường để tạo điều kiện cho các em vui chơi và hồi phục. Suốt 3 năm chị vận động tìm nguồn tài trợ để xây dựng trường. Đến năm 2009, ngôi trường dành cho các em tự kỷ, chậm phát triển đã ra đời...”.

“Điều không thể tưởng tượng được trước đây: Chính chúng tôi ghi lại hình ảnh về cuộc sống của người khiếm thị. Thật tuyệt vời! Mong điều này lan tỏa tới tất cả người khiếm thị ở Việt Nam cũng như trên thế giới chưa biết mình có thể chụp ảnh được”- Huỳnh Hữu Cảnh nói. Anh đang làm thầy giáo dạy nhạc ở Bình Dương. Khi còn là sinh viên ĐH Sư phạm TPHCM, anh từng tham gia nghiên cứu Gậy thông minh cho người khiếm thị được giải Nhất Eureka của Thành Đoàn, Nhất Tài năng khoa học trẻ Việt Nam của Bộ GD&ĐT.

Một tôi khác là triển lãm của những “cái tôi” ít được để ý, lấy ảnh làm phương tiện. Kể cả ảnh báo chí nhiều khi cũng không thể đến từng ngóc ngách của mỗi cuộc đời nhỏ. Mà nhiều khi chính những cuộc đời nhỏ lại chứa những câu chuyện lớn.
 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG