Khi nhà thơ chơi “phây”

Khi nhà thơ chơi “phây”
TP - Nhiều người nói, những cô gái trong thơ của Phan Thị Thanh Nhàn có dáng vẻ nửa quê nửa phố. Nhưng tác giả “Hương thầm” còn lâu mới chịu “nửa mùa”. Bà đua chen mọi “trò” thành thị: đi bơi, khiêu vũ, chơi tennis, lượn “phây” rào rào…, và tự trào mình là “bà già điên”.

> Truyện ngắn của Di Li được dịch ra tiếng Anh
> Di Li: người đẹp viết đẹp

Không ít nhà văn, nhà thơ lớn tuổi của ta chơi “phây”. Mỗi người một vẻ. Nếu nhà thơ Y Phương tranh thủ facebook để giới thiệu văn hoá Tày, cũng như chia sẻ những sáng tác mới của ông thì “phây” của nhà văn Trung Trung Đỉnh có lẽ chỉ là nơi để ông giải trí đơn thuần, ông “bốt’” những gì ông thích, từ củ hành tím nước Mỹ tới con mèo nhà ông…

Duyên nhất trong đội ngũ ấy, phải nói tới Phan Thị Thanh Nhàn. Chẳng thế mà bạn bè trên “phây” của bà đã đạt tới con số 5.000, thêm khoảng 2.500 người đăng ký theo dõi. Thường xuyên lên “phây” nhưng nữ thi sĩ chẳng khiến người ta thấy nhàm, thấy nhạt. Phan Thị Thanh Nhàn cũng dùng “phây” để “quảng bá” cho những sáng tác cũ và mới. Nhưng cái cách thi sĩ vào đề mới khéo làm sao.

Chẳng hạn, mới đây bà “PR” cuốn truyện ngắn- tản văn sắp ra mắt “Thiếu phụ kén chồng”: “Hôm nay, NXB vừa gửi cho mình bìa cuốn sách sẽ in trong ngày mai hồi hộp như mọi lần ra sách, không ngủ được. PTTN (bà thường viết tắt họ tên mình- PV) thức khuya chép tặng các bạn truyện ngắn nhất trong tập nhé”.

Rồi bà chép cái truyện ngắn đó ra, đến đoạn gay cấn, hồi hộp thì dừng, với lời giải thích: “Kỳ sau đăng tiếp- vì mạng chỉ cho ngần này chữ, các bạn ơi”. Thế nhưng nữ thi sĩ vẫn “tranh thủ” khoe cái bìa sách. Với tập “Thiếu phụ kén chồng” Phan Thị Thanh Nhàn lần đầu tiên tự rao bán sách, thế cũng là tiến bộ một bậc so với các nhà văn cùng thời với bà.

“Vẽ” mình, “vẽ” bạn

Đối với những người yêu văn học được làm bạn Phan Thị Thanh Nhàn trên facebook cũng là một cơ hội để hiểu hơn văn đàn. Người ta có thể tìm thấy chân dung Tô Hoài được viết cực kỳ hóm hỉnh, nhiều kỳ, có những chi tiết mang tính “độc quyền” của nữ thi sĩ.

Phan Thị Thanh Nhàn từng nói, cuộc đời ngắn lắm, bà không quan tâm tới chuyện người khác nói xấu mình cũng như không hào hứng nói xấu người khác. Thế nên bà luôn dùng những từ ngữ tốt đẹp khi nhắc đến bạn văn chương, dù họ đang sống hay đã khuất. Đây là đôi nét về nhà văn Đỗ Chu: “Bác này không đi xe đạp, không cả xe máy, cứ như ông đồ nho lụi cụi đi bộ, chậm chạp mà ung dung. Và văn của ông thì trong trẻo, đầy chi tiết thú vị, cũng nhẩn nha thanh thản, mà hấp dẫn vô cùng”.

Nhắc đến Trần Mạnh Hảo, Phan Thị Thanh Nhàn tuyển chọn hai bài thơ, trong đó có một bài thơ tình: “Thức đêm mới biết là đêm ngắn/Chỉ có em thôi, mới thật dài/Hôn em từ gót chân lên trán/Mới được nửa chừng đã sớm mai”.

Đọc bài thơ này của Trần Mạnh Hảo, có lẽ trong phút chốc, độc giả quên phắt ngôn ngữ “bút chiến” có khi gai góc, có khi ngoa ngoắt của anh, chỉ còn lại rõ ràng chân dung một thi sĩ. Cố nhà thơ Phùng Quán được Phan Thị Thanh Nhàn giới thiệu kèm bài “Có nơi nào” ngậm ngùi cay: “Có nơi nào trên trái đất này/Mật độ nhà thơ như ở đây/Ba thước vuông, sáu nhà thơ ngồi/Hai phải đứng vì không đủ chỗ”…

Đọc phây của Phan Thị Thanh Nhàn, người ta thấy Đoàn Thị Lam Luyến với những vần thơ tình đắng đót, phần thiếu hụt, nỗi đau luôn rơi về chị em: “Em ở hiền, em có ác chi đâu/Mà trời lại xui anh bắt đầu tình yêu với người con gái khác/Có phải rượu đâu mà chờ cho rượu nhạt/Có phải là trầu, đợi trầu dập mới cay…”.

Xuân Quỳnh sóng sánh trong “Tự hát”, “Sóng”, “Thơ tình cuối mùa thu”…ngọt ngào, ấm áp trong những câu thơ về tình vợ chồng: “Nồi cơm reo trên ngọn lửa bếp đèn/Anh trở về/ Trời xanh của riêng em”.

Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ sáng tác thơ tình nhưng mảng thơ tình đã giúp bà có được vị trí xứng đáng trong lòng công chúng. Bắt đầu từ “Hương thầm”, viết tặng người em trai đi bộ đội, từng đoạt giải nhì cuộc thi thơ Báo Văn nghệ, sau đó năm 1984, đã được nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ nhạc, khiến “Hương thầm” trở thành “thương hiệu” của thi sỹ.

Thơ tình Phan Thị Thanh Nhàn tràn trề nữ tính cùng một chút thẹn thùng duyên dáng như sáng tác của thi sỹ ở tuổi 17: “Cầm tay anh lần ấy/Tôi xấu hổ cúi đầu/Cửa đừng nghe trộm đấy/Tôi chả bằng lòng đâu”. Thơ bà không bao giờ ồn ào, thơ thất tình (theo bà quảng cáo) thì cũng chỉ như tiếng thở dài nhẹ nhàng: “Ước gì qua hết ưu phiền/Bao nhiêu nước mắt ngủ quên qua mùa”.

Trên facebook, nữ sỹ giới thiệu nhà thơ Tế Hanh, trong đó có đoạn ông nói về thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Anh thấy thơ cô cũng giống thơ anh, chân thành và giản dị. Nhiều người cho đó là dễ dãi, nhưng để giản dị mà hay thật khó phải không?”.

Trong cuộc chơi “phây” Phan Thị Thanh Nhàn vừa hài hước, vui vẻ nhưng cũng vừa đáo để ngầm. Trước biển “like” của mọi người, có lần bà nhắc khéo: “Cứ like là vui và cảm ơn rồi nhưng là bài thì hãy nên đọc rồi hãy like nhé. Mình thấy nhiều bạn chưa kịp đọc nhưng vì… yêu PTTN nên cứ like cái đã”.

Hay như mới đây bà “tường thuật” cuộc gặp gỡ với nhà văn Thiết Ngưng tại trụ sở Hội Nhà Văn Việt Nam, vừa tếu, vừa tinh, vừa sắc: “Khi nhà văn Thiết Ngưng bắt tay PTTN, nhà thơ Hữu Thỉnh giới thiệu: “Đây là nhà thơ nữ của chúng tôi, đã được nhận giải thưởng nhà nước về VHNT”, thế là chị phiên dịch dịch lại và Thiết Ngưng quay sang nghe dịch, bắt tay mà chẳng nhìn nhau (!)”.

Ai còn dám nói nhà thơ “lơ ngơ” ? Phan Thị Thanh Nhàn từng nhiều năm làm báo, bà từng giữ vị trí Phó tổng biên tập báo Người Hà Nội nên sắc sảo cũng là phẩm chất đương nhiên.

Ham ăn, ham chơi, mãi… ham thơ

Nguyễn Vỹ từng than: “Nhà văn An Nam khổ như chó/Mỗi lần cầm bút viết văn chương/Nhìn đàn chó đói ngậm trơ xương/Rồi nhìn chúng mình hì hục viết/Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết/Mà thương cho tôi, thương cho anh/Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh”.

Nhưng xem “phây” của tác giả “Hương thầm” khéo nhiều người sẽ thốt lên: Nhà thơ bây giờ sao sướng thế. Nghe đồn, nữ nhà thơ đang ở trong một căn hộ của một chung cư hiện đại. Cuộc sống của bà vui vẻ, rộn ràng với những cuộc gặp gỡ, ăn uống. Ở tuổi 70, bà hồn nhiên khoe: “Mình được cái đức ăn uống cực kỳ tự nhiên, từ hồi còn bao cấp khó khăn cho đến nay vẫn thế”.

Không có tên trong danh sách mỹ nhân của làng văn Việt nhưng nếu điểm danh những thi sĩ trẻ bền, ắt có tên Phan Thị Thanh Nhàn. Một phần có lẽ do bà chịu khó chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe, phần nữa vì quan điểm sống “xóa nỗi buồn chỉ giữ lại niềm vui”, bà còn là một phụ nữ có khiếu thẩm mỹ tốt, chịu khó chăm lo vẻ ngoài.

Một số thú chơi của giới trẻ cũng được Phan Thị Thanh Nhàn ủng hộ nhiệt liệt. Mùa hạ, nữ sỹ cũng áo dài tím ra đầm sen chụp ảnh, đưa lên “phây”, khiến bạn bè trên mạng “sốt ruột”: “Úi giời ơi… Cứ gọi là quá yêu đời đấy nhé”.

Cũng thấy bà hớn hở đón nhận thời trang dùng “bờm” tóc tết, “bắt chước” kiểu tóc của nữ thủ tướng Ukraine. Trong lần phỏng vấn trước đây, tôi có hỏi Phan Thị Thanh Nhàn: “Lời khen nào của đàn ông khiến bà thích nhất”, nữ thi sỹ không ngần ngại đáp: “Nhiều tuổi rồi vẫn như con gái” là lời khen khiến bà vui.

Tác giả “Hương thầm” sinh năm 1943 (Quí Mùi) nhưng bà thuộc diện đi… như ngựa. Bà ngao du trên rừng, dưới bể, hết trong nước lại ra nước ngoài. Mải vui, mải chơi nhưng chưa bao giờ Phan Thị Thanh Nhàn quên viết. Với sự ra mắt của tập truyện ngắn, tản văn “Thiếu phụ kén chồng”, nhà thơ cũng muốn đính chính với độc giả: Tôi vẫn âm thầm làm việc.

Và cũng thêm một lần nữa, bà chứng tỏ mình là cây bút đa tài: làm thơ, viết văn, viết báo, viết cho người lớn, viết cho thiếu nhi… Bất kể lĩnh vực nào được bà đụng đến đều để lại dấu ấn riêng.

Cuộc sống bận rộn, bạn bè đông, đời sống vật chất không thiếu thốn, vỏ ngoài đủ đầy ấy che giấu điều gì bên trong? Có những câu thơ của Phan Thị Thanh Nhàn đọc lên muốn rơi nước mắt: “Bây giờ tóc bạc, tuổi cao/Thơ mình, mình đọc, câu nào cũng thương (…) Người yêu ngày ấy đâu rồi/Chỉ câu thơ sống cùng tôi tuổi già”.

Dấu hỏi Tô Hoài

Khi nhà thơ chơi “phây” ảnh 1
 

Phan Thị Thanh Nhàn cũng là người có “duyên” với những đồn đại. Người ta nói bà “được lòng” khá nhiều văn nhân, trong số đó có tác giả “Dế mèn phiêu lưu ký”. Đến nay nhà thơ vẫn lưu giữ những bức thư, những kỷ vật Tô Hoài gửi tặng. Tuy nhiên, bà chưa một lần thừa nhận câu chuyện tình với nhà văn nổi tiếng.

Một mối tình nồng

19 tuổi Phan Thị Thanh Nhàn sáng tác “Con đường”. Ai nữ tính và ích kỷ hơn tác giả, khi đề nghị người yêu xưa: “Con đường ta đã dạo chơi/Xin đừng đi với một người khác em”.

Cách đây nhiều năm, trong một lần viết về Phan Thị Thanh Nhàn, nữ sĩ đã tiết lộ với tôi, bài thơ này bà viết cho người yêu đầu tiên khi hai người chia tay: “Bài thơ được tôi chép tặng anh trước ngày anh lấy vợ. Khi đó tôi đã lấy chồng gần được 1 năm rồi. Đó là con đường từ Yên Phụ lên khách sạn Thắng Lợi, có hàng cây bên đường”.

Trong đời thực, Phan Thị Thanh Nhàn quan điểm rõ ràng, không yêu đơn phương nhưng đã yêu “tam tứ núi cũng trèo”. Nhiều người biết câu chuyện tình của bà với người đàn ông kém mình chục tuổi. Đây là mối tình sau khi chồng bà (nhà thơ Thi Nhị) ra đi, bà mới ngoài ba mươi tuổi. Bà từng tiết lộ bí mật này: “Anh ấy yêu thơ tôi. Trước khi gặp trong sổ tay anh ấy đã chép đầy thơ tôi, rồi thế nào, hai đứa lại gần nhà nhau, rồi tình cảm nảy nở. Có lẽ anh thương hoàn cảnh của tôi, ông xã mất, con thơ dại. Khi đó anh ấy khoảng 27-28 tuổi”.

Không ai có thể nghĩ tác giả “Hương thầm” dịu dàng lại có hành động quyết liệt: “Một lần tiễn người yêu về quê, tôi đứng dưới đường, anh ấy đứng trên xe bus vẫy tay, nháy mắt. Cái nháy mắt đáng yêu quá. Tôi về nhà gửi con cho người trông hộ, thu xếp việc gia đình và đạp xe về quê anh. Gần 100 cây số chứ có ít đâu. Mãi gần tối mới tới nơi”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.