Khi nhà thơ nhậu với... nhà thơ

Khi nhà thơ nhậu với... nhà thơ
TP - Chuyện đầu tiên tôi muốn kể đến là nhà thơ Thu Bồn. Khoảng dăm năm trước lúc qua đời nhà thơ Thu Bồn gần như thường xuyên đi về trên tuyến đường Bình Dương - Kon Tum.
Khi nhà thơ nhậu với... nhà thơ ảnh 1
Nhà thơ Thu Bồn          

Việc nhà thơ hay đi về Kon Tum có nhiều lý do, nhưng tôi được biết rõ nhất là mấy việc sau: Thăm người cháu gọi ông bằng bác họ (là anh Hà Ban hiện làm Chủ tịch tỉnh Kon Tum);

Tìm tư liệu và cảm xúc để hoàn thành cuốn tiểu thuyết đang viết dở mà ông lấy bối cảnh nền ở Tây Nguyên;

Lên kế hoạch mở khu du lịch văn hóa và sinh thái nơi cửa khẩu quốc tế Bờ Y (ngay ngã ba Đông Dương);

Liên hệ và phối hợp với anh em văn nghệ trong khu vực để làm hai tuyển tập Thơ và Văn xuôi Tây Nguyên.

Những lần đến Kon Tum ấy bao giờ nhà thơ cũng tìm đến rủ anh em văn nghệ Kon Tum chúng tôi đi uống rượu.

Thường thì Thu Bồn chủ động thuê xe ôm đến, bởi anh đi về thất thường và luôn thay đổi chỗ ở. (Lúc ấy điện thoại di động chưa dùng phổ biến như hiện nay).

Giá cho mỗi cuốc xe lúc ấy khoảng hai, ba ngàn đồng, nhưng bao giờ anh cũng đưa luôn cho người lái xe ôm tờ mười ngàn màu đỏ. Ngạc nhiên và vui mừng, có lần anh xe ôm ngoắc tôi ra hỏi nhỏ rằng ông ấy có phải Việt kiều về nước hay không mà chơi “sộp” thế!

Tôi không biết ở những nơi khác và với người khác thì nhà thơ của chúng ta thường nhậu món gì, riêng tại Kon Tum, lần nào gặp nhau, bao giờ Thu Bồn cũng nói câu cửa miệng: “Anh em mình đi diệt đồng loại đi, mày!". Đồng loại ở đây có nghĩa là thịt dê như cách giải thích của anh: “Bọn ta với chúng nó cùng một nhóm máu đấy”.

Nơi hai anh em tôi thường đến ngồi là quán Tư Tốt. Không biết ông chủ quán này có phải nhờ uống rượu pha tiết dê và ngâm ngọc dương hay không mà da thịt luôn hồng hào khỏe mạnh.

Thu Bồn thường chỉ vào ông ấy và nói: “Đấy, thấy chưa, dê nó giúp mình “tốt” tướng thế, sướng chưa!". Dĩ nhiên thứ rượu mà chúng tôi hay gọi uống ở đó là rượu Bàu Đá pha tiết dê hoặc ngâm ngọc dương.

Mặc dù anh đã có tuổi và hai người chênh lệch nhau hàng thế hệ nhưng Thu Bồn chơi với anh em rất bình đẳng chan hòa, anh uống rất nhiệt tình, hồn nhiên, sôi nổi.

Có bữa anh em say ngất ngư ngồi dai buôn đủ các thứ chuyện Thu Bồn thường hay đọc câu này nhất: “Thịt dê chấm với mắm gừng/ Nhậu xong anh cũng… phừng phừng như dê!".

Tiếc là cánh “chim Chơ-rao” (anh em ở đây thường lấy tên tác phẩm trường ca Bài ca chim Chơ-rao của anh để gọi anh như thế) tài hoa phóng túng của núi rừng Tây Nguyên đã vội vàng sã cánh bởi một cơn tai biến đột quỵ cũng ngay tại đất Kon Tum - Tây Nguyên này và trái tim thơ ngừng đập vĩnh viễn sau đó vài năm.

Anh để lại phác thảo tiểu thuyết cuối cùng mà tên gọi dự kiến ban đầu là Kẻ chịu chơi cuối cùng. Còn sau khi tập thơ cuối cùng vừa được in xong với tên gọi Đánh đu cùng dâu bể, thương tiếc anh tôi viết bài thơ Uống rượu với Thu Bồn để nhớ những trận say ngất ngưởng của hai anh em: “Sỹ ơi, uống nữa cho vơi/ Anh em ta kẻ chịu chơi cuối cùng/ Đã chơi không được nửa chừng/ Đau già buồn trẻ cụng chung ly này/...…-Vâng, thưa anh, uống cho say/ Rồi ra ta vỗ trắng tay phong trần/ Đau anh hồn lớn thi nhân/ Buồn tôi là những thăng trầm nhục vinh/ Đau anh một cõi tử sinh/ Buồn tôi thế thái nhân tình thiệt hơn/ Đau anh bao mộng chưa tròn/ Buồn tôi là những cỏn con chuyện đời/...… Một ly này nữa xin mời/ Đông tây kim cổ đất trời say chung...…

Khi nhà thơ nhậu với... nhà thơ ảnh 2

Nguyễn Trọng Tạo     

Tôi cũng có một “kỷ niệm rượu” nhớ đời với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Tháng 10/2002 tôi ra Hà Nội dự trại viết do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật tổ chức. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đến trại viết thăm ông chú vợ mình là Lê Gia Ninh ở Huế cũng đi dự trại viết ấy.

Khoảng 8 - 9 giờ tối gặp nhau, anh em ở trại bày rượu Làng Vân (của một anh “trại viên” người Bắc Ninh mang theo) ra uống. Sẵn rượu, cả bọn cứ uống tỉ tì ti, rề rà chuyện gẫu đến sáng bạch thì bàn rượu chỉ còn “trụ” lại ba người là anh Tạo, tôi và Hoàng Đỗ.

Cao hứng lại rủ nhau ra quán phở uống tiếp. Tôi nghĩ thầm trong bụng rằng mình trẻ hơn khỏe hơn, thế nào cũng “diệt gọn” được “lão” Nguyễn Trọng Tạo này. Và cứ thế, ly cụng ly choang choảng mãi đến tầm 9 giờ sáng.

Đang ngồi tự dưng tôi gục đầu đánh rầm xuống mặt bàn, kiểu... “rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng” trong thơ Nguyễn Bính. Tô phở gọi ra không ăn nổi đã nguội ngơ nguội ngắt đổ ập cả lên đầu tôi nhoe nhoét.

Tai tôi nghe văng vẳng tiếng anh Nguyễn Trọng Tạo nói với anh bạn còn lại: “Thôi, thằng Sỹ nó “chết” rồi, đưa nó về chôn, tao đi làm việc!". Dĩ nhiên là suốt cả ngày hôm đó tôi không biết gì nữa cả.

Năm sau (2003) tôi lại có dịp ra Hà Nội, lò dò đến số nhà 51 Trần Hưng Đạo ghé thăm anh Tạo. Lúc này Nguyễn Trọng Tạo đang làm việc tại tạp chí Âm nhạc, toà soạn ở đó. Vừa thoáng thấy tôi ngoài cửa, nhà thơ đã chỉ tay ra phía tôi nói ngay: “Này, thằng kia muốn “tái tửu” nữa hả?”.

Nhớ trận rượu 12 tiếng đồng hồ năm trước, tôi vội chắp hai tay vừa cười vừa lắc đầu vừa xá: “Thôi thôi, bái sư huynh, anh tha cho, em không dám nữa đâu ạ!".

Sau đó, trong cuộc chuyện trò tôi có nói: “Lâu nay thiên hạ biết nhiều về một Nguyễn Trọng Tạo tài thơ, tài nhạc, tài họa, tài báo, chứ chắc chưa nhiều người biết Nguyễn Trọng Tạo còn có tài… rượu nữa!  “Đô” rượu của anh thì em xin… “bái thạch vi huynh”!”.

Nói thế thôi chứ đợt ấy nhà thơ “tửu tài” của chúng ta cũng đưa tôi về tận cái “tổ chim” của anh cheo leo trên lầu 6 của khu chung cư, đãi tôi một bữa rượu với vài người nữa cũng ra trò lắm.

Lại một bữa nhậu khiến lúc ra về tôi đã trổ tài “tay lái lụa”  loạng choạng giữa phố phường Hà Nội đông đúc như giữa chốn không người. Chỉ nghĩ lại mà thương cho chị nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, người nhận “nhiệm vụ” từ Nguyễn Trọng Tạo, chạy theo sau để “bảo vệ” tôi, được một phen xanh mắt.

Khi nhà thơ nhậu với... nhà thơ ảnh 3
Pờ Sảo Mìn   

Còn đây là cuộc rượu giữa ba người đến từ ba miền “Tây”. Tháng 4/2005 tôi ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam. Ngày đầu tiên vừa đến nơi, ngẫu nhiên gặp nhau trong cùng một phòng, tôi ở Kon Tum (Tây Nguyên), nhà thơ Hồ Thanh Điền ở An Giang (Tây Nam) và nhà thơ Pờ Sảo Mìn ở Lào Cai (Tây Bắc).

Trò chuyện một lát, tôi vụt nảy ý vui vui bảo rằng nhân tiện ba người từ ba phương trời “Tây” xa xôi cách trở bất ngờ gặp nhau ở đây thì uống với nhau một tí. Ý kiến được nhất trí cao.

Can rượu Sán Lùng anh Pờ Sảo Mìn mang từ miền quê núi về được bày ra chiếu. Quên mất cả bữa cơm trưa, sang đến lửng giấc chiều thì “lính” Tây Nam gục trước. Cầm cự thêm lát nữa thì “lính” Tây Nguyên cũng “theo chân”!

Tôi tỉnh dậy lúc đầu hôm. Nghe tiếng chuyện trò vui vẻ ở phòng bên, tôi lò dò sang chơi. Lạ lùng thay, anh Pờ Sảo Mìn, nhà thơ người dân tộc Pa Dí với số dân chỉ có 2.000 người (anh có bài thơ Cây hai ngàn lá nổi tiếng viết về dân tộc mình), vẫn tỉnh bơ chén thù chén tạc với anh em.

Lòng vòng một lúc tôi lại trở về với cơn buồn ngủ gà gật. Độ 2 giờ sáng, nghe tiếng gõ cửa phòng, tôi miễn cưỡng dậy mở. Thì ra nhà thơ Pờ Sảo Mìn đến rủ tôi về phòng anh chơi.

Tôi theo anh về phòng, và dĩ nhiên lại rượu Sán Lùng. Lạ lùng thay, “chiếc lá thứ hai nghìn” của đồng bào Pa Dí này càng uống càng bình tĩnh, càng say càng nhận định phán đoán thông minh, nói năng khúc chiết. Tôi cảm phục anh từ đó.

Một năm sau, tôi và Pờ Sảo Mìn lại có chuyến đi chung với đoàn các nhà văn miền núi phía Bắc vào tham quan miền Tây Nam Bộ. Suốt nửa tháng trời “chiến đấu” với kiểu nhậu “mát trời đất” của anh em Nam Bộ, trong khi chúng tôi lần lượt “quắt cần câu” thì nhà thơ người Pa Dí của chúng ta vẫn tỉnh táo tinh khôn đấu sức và đấu trí đến ngày về. Đặc biệt nhất là hôm đến An Giang, ba “Tây” lại tái ngộ nhau gần nguyên đêm tại nhà riêng của Hồ Thanh Điền cùng “ôn cố tri tân”.

Rượu nhiều không phải là hay, điều này “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Nhưng trời sinh cái giống văn nghệ thế nào mà đa phần ít nhiều cũng đều “hay rượu” cả! “Tửu thánh thi tiên” như Lý Bạch ngày trước đi thuyền trên sông thưởng nguyệt rồi chết đuối cũng chỉ vì say rượu.

Nhưng cụ Lý chết không làm phương hại, không ảnh hưởng đến gì đến ai cả. Nếu có thì nhân loại sớm mất đi một tài thơ trác việt  mà thôi. Còn bây giờ là thời đại cơ giới, ra đường không đi ô tô thì xe máy, xoàng cũng có xe đạp. Chẳng may lỡ có hôm lơ mơ như cụ Lý, chưa kể những tai nạn bất ngờ tự gây cho mình và đồng loại thì cũng làm phiền cho cảnh sát giao thông lắm lắm.

Nhân lúc “trà dư tửu hậu” (lại tửu!), kể lại vài kỷ niệm “lai rai” với bạn bè văn nghệ, cũng là để nhớ về nhau và tự dặn mình trước mỗi lần nâng chén...

Tạ Văn Sỹ
Hội Văn học - Nghệ thuật Kon Tum

MỚI - NÓNG