Khi phương tiện trở thành mục đích

Khi phương tiện trở thành mục đích
TP - Rõ nhất là cách ứng xử với đồng tiền. Nguyễn Công Trứ đã từng than thở: “Hôi tanh chẳng thú vị gì. Thế mà ai cũng kẻ vì người yêu”. Không biết bao người cho rằng: “Tiền mua được tất cả”.

Trong văn học thế giới đã có không ít nhân vật bất hủ, nổi tiếng về thói tham lam, keo kiệt, tôn thờ đồng tiền như Ác - ga - pông, Grăng - đê... Rút cục, họ trở thành nạn nhân của thói hám tiền, khốn khổ cho đến lúc chết trên đống của cải không thể đem theo được về “thế giới bên kia”... Trong cuộc sống hiện đại, biết bao tội ác, việc làm xấu xa được thúc đẩy bởi động cơ tiền.

Việc xử phạt của cảnh sát giao thông (CSGT) chỉ là một biện pháp (phương tiện) để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (mục đích). Nhưng có một bộ phận không nhỏ CSGT rất khoái phạt. Bao uy quyền trong động tác huýt còi, chỉ gậy của CSGT! Hậu quả là thay vì tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, người đi đường thường trốn tránh hoặc xin xỏ, mua chuộc CSGT.

Câu chuyện về chiếc xe máy trước đây cũng lắm bi hài.  Nó là một phương tiện giao thông, nhưng nhiều người coi đó là tài sản quý giá, là danh dự, sĩ diện.

Nên dành cho nó “ưu tiên đặc biệt”: Không đi xe máy vào trời mưa hay chỗ đường khó đi, lau chùi đến sạch bóng, về nhà phủ vải sạch lên, tuyệt đối không cho ai mượn, nếu xe có xây xát một tý thì còn đau hơn là người bị xây xát... rốt cuộc, chủ nhân lại khốn khổ vì xe máy.

Thực chất của bằng cấp là những căn cứ xác nhận trình độ giáo dục – đào tạo. Bằng cấp là cái giấy chứng nhận bảo hành, còn phẩm chất của con người được giáo dục – đào tạo mới là chất lượng sản phẩm (trí tuệ, đạo đức, sức khỏe, trình độ thẩm mỹ và kỹ năng lao động....

Thế nhưng sự nhầm lẫn, đánh đồng giữa tấm bằng và phẩm chất con người đã trở nên rất phổ biến – chúng ta chưa có cơ chế kiểm tra và xử lý chất lượng của loại sản phẩm đặc biệt này, và những kẻ “làm hàng nhái, hàng giả” vẫn yên tâm sống khỏe.

Các trường trung cấp ào ào xin nâng cấp  lên cao đẳng, cao đẳng thành đại học, đại học lại nâng cấp lên học viện... Các hình thức đào tạo tại chức, từ xa, liên kết... được dịp phát triển với tốc độ phi mã và siêu lợi nhuận.

Sau khi nộp học phí và ngồi trên lớp đủ thời gian, học viên sẽ được cấp những  tấm bằng cao đẳng (hệ trung cấp đã “xưa rồi diễm”), cử nhân khoa học, kỹ sư... rất “hoành tráng” nhưng chất lượng giáo dục đào tạo thì “trời ơi đất hỡi”.

Hệ lụy của sự nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện đâu phải nhỏ!

MỚI - NÓNG