Khi sơn ta hòa “giá thánh”

TP - Triển lãm “Giá Thánh” diễn ra đúng đợt Hà Nội đón gió mùa, mưa lạnh dầm dề. Trước giờ khai mạc vài tiếng, trời vẫn mưa to. Họa sĩ đi đi lại lại ở hành lang Bảo tàng Mỹ thuật, tay xoa xoa, mắt nhìn ra cửa sổ và miệng lẩm bẩm: “Con lạy cô! Cô thương!...”. Thế mà, một lúc sau, trời tạnh thật.

Khi sơn ta hòa “giá thánh” ảnh 1 Tác phẩm “Giá chầu 10”. Ảnh: Thanh Giang

Từ “mê tín dị đoan” đến triển lãm riêng

Trong không gian của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tràn ngập tiếng hát văn hân hoan, những bức tranh sơn mài của Trần Tuấn Long trở nên sống động lạ thường. Các thanh đồng nhảy múa trong tranh, ánh mắt lúng liếng, đôi tay uyển chuyển, những ngọn lửa cũng như đang nhảy nhót bập bùng, dẫn dắt người xem vào cõi tâm linh.

“Câu chuyện vẽ thánh mẫu của tôi bắt đầu từ năm 1996. Khi tôi về quê và tham dự một lễ hầu đồng. Những rộn ràng thanh âm, không gian ngập tràn ảo giác nghệ thuật vào lúc nửa đêm… thật lạ và chưa bao giờ được thấy đã chạm tới cảm xúc của tôi. Tôi rất mê và ngay lúc đó đã nghĩ mình phải vẽ, vẽ để thỏa mãn chính bản thân mình, phải tái hiện lại bằng các tác phẩm” - Trần Tuấn Long nói về cảm hứng sáng tạo xuyên suốt 20 năm qua của mình.

Với gam màu tương phản mạnh, đạo Mẫu trong tranh Trần Tuấn Long đầy biến ảo lung linh dưới tầng tầng lớp lớp sơn ta. Những mảng trầm sâu thẳm, những lấp lánh vàng son hòa quyện với nghệ thuật diễn xướng này. Nền của bức tranh là hình ảnh phảng phất của các tranh tượng thờ quen thuộc của người Việt với các Tố nữ, Tam phủ, Tứ phủ, Hộ pháp Thiện-Ác, Tiên nữ, Cửa võng… của các đình, đền cổ. Qua những tác phẩm của Trần Tuấn Long, người xem nhận ra không gian của các gian điện thờ, thế giới tâm linh đa sắc và có phần hoang dại, ma mị của người Việt.

Khi sơn ta hòa “giá thánh” ảnh 2

Triển lãm “Giá Thánh” thu hút khán giả Thủ đô

Sự lựa chọn chất liệu sơn mài cho các tác phẩm của mình đã góp phần tăng thêm chiều sâu không gian tín ngưỡng cho mỗi bức tranh của Trần Tuấn Long. Trong tranh, các thanh đồng múa giữa thế giới tâm linh của mình. Và Tuấn Long cũng “múa” trong thế giới sơn mài của anh. Long phô bày, trình diễn kỹ thuật bằng việc dát vàng bạc, gắn đồng xu, rắc vỏ trai vỏ trứng, tỉa tót các hoa văn, vuốt ve từng ngọn lửa, nhấn nhá từng sắc diện của thanh đồng.

Là họa sĩ chuyên về sơn mài nhưng việc tả nhân vật luôn là một thử thách với Trần Tuấn Long. Mỗi thanh đồng là một diện mạo, một chân dung khác nhau nhưng lại rất giống nhau ở không gian tôn giáo, tinh thần sùng kính. “Khó nhất là vẽ mắt, miệng và bàn tay. Phải toát được cái thần khí của thanh đồng và giá đồng. Mỗi lần mài tranh là một lần đau tim vì hồi hộp”, anh kể.

Có mặt tại triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định: “Trần Tuấn Long cho thấy đĩa màu ảo diệu của sơn mài Việt đã dẫn dắt, đan cài những hình hài bí ẩn đưa người trần vào bóng thánh”.

Còn họa sĩ Lý Trực Sơn thì cho rằng “Mấy chục tác phẩm thể hiện không khí vừa lắng đọng, huyền bí, vừa rộn ràng rực rỡ, toát lên cái tinh thần sơn mài vừa cổ điển vừa hiện đại, không bị trói buộc vào lối hiện thực câu nệ chặt cứng kiểu chụp ảnh, cũng không mang dấu vết của những ý định thể hiện sự hiểu biết hoặc mê đắm tín ngưỡng của khá nhiều họa sĩ khi thực hiện đề tài tương tự”.

“Ăn lộc” nhà thánh

Đến từ rất sớm, Trần Tuấn Long thong thả đi một lượt ngắm lại thật kỹ những tác phẩm của mình. 26 bức sơn mài về tứ phủ, hầu đồng.

Cách đây chục năm, chính anh cũng từng hí hửng mang một số tác phẩm ở đây đi tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc. Và ngay lập tức bị loại ở “vòng gửi xe” vì bị cho là “mê tín dị đoan”.

Dính “đòn” nhưng gã họa sĩ gan lì vẫn vẽ, vẫn đắm đuối với những thứ mình thích, mà tính đến nay, đã gần 20 năm. Dù vẽ xong, chả ai mua, lại xếp đống cất kho. Suốt thời gian ấy, Long bán tranh phong cảnh, tranh phố... để nuôi ngọn lửa âm ỉ cháy ấy. Và có lẽ cũng nhờ không bán được loại tranh này mà Trần Tuấn Long đã có bộ sưu tập tranh đạo Mẫu trọn vẹn từ ngày mới bắt tay vào vẽ cho tới thời điểm hiện tại.

Khi sơn ta hòa “giá thánh” ảnh 3

Họa sĩ Trần Tuấn Long.

Tự nhận không có “căn” nhưng Trần Tuấn Long luôn thấy thích thú, hân hoan khi nghe nhạc chầu văn và xem hầu đồng. Suốt 20 năm qua, để thấm đẫm tinh thần đạo Mẫu và ghi chép lấy tài liệu dựng tranh, Trần Tuấn Long đã phải tham gia rất nhiều các giá chầu. Gần như những đền, phủ, miếu nào ở miền Bắc có tổ chức các giá đồng, anh cũng đi. Với anh, mỗi giá đồng là một câu chuyện về lịch sử và văn hóa. Mỗi một buổi chầu là một không gian khác lạ và thú vị.

Nhiều thanh đồng xem anh như “người nhà”. “Họ kể cho tôi nghe các sự tích của từng giá đồng, lịch sử các thánh Mẫu. Họ còn chỉ cho tôi lễ nghi, từng màu sắc của từng giá đồng, trang phục phụ kiện đi kèm...”- Tuấn Long kể.

Đặc thù của hầu đồng là với mỗi giá, thanh đồng lại thay các bộ trang phục khác nhau, tiến hành các nghi thức cúng tế, múa hát và ban tài lộc khác nhau, từ đó tạo nên những chất liệu sống vô cùng phong phú để họa sĩ đưa vào tác phẩm. “Mỗi màu tượng trưng cho một miền của vũ trụ. Lễ phục cũng có sắc thái riêng. Thánh Quan uy nghi, lễ phục Chầu Bà mang màu sắc của dân tộc thiểu số, lễ phục Ông Hoàng phong nhã, lễ phục Thánh Cô thướt tha, lễ phục Thánh Cậu nghịch ngợm... Nói chung, càng tìm hiểu càng bị mê đắm với thế giới màu sắc tâm linh ấy”, chủ nhân triển lãm “Giá Thánh” chia sẻ.

Đồng hành 20 năm qua, chứng kiến những thăng trầm của đạo Mẫu, đến nay, tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành di sản của nhân loại, tất nhiên, người vui nhất trong giới họa sĩ là Trần Tuấn Long. Người ta đã bắt đầu tìm mua tranh của anh và gã họa sĩ ấy cũng không còn phải đi xem hầu đồng lúc nửa đêm nữa.

Họa sĩ Trần Tuấn Long sinh năm 1967, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1995, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trần Tuấn Long chuyên sáng tác chất liệu mài cổ truyền, đã tham gia các triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm tại Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức… Triển lãm “Giá Thánh” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, kéo dài đến hết ngày 15/3/2017.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.