Khi Tô Lịch trở thành điểm du lịch

Sông Tô Lịch-Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Sông Tô Lịch-Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Hà Nội Bộ hành là chuỗi hành trình khám phá Hà Nội do một nhóm các bạn trẻ thiết kế. Mỗi chuyến đi bộ dành cho độ 3 khách. Đặc biệt sông Tô Lịch cũng được đưa vào danh sách hành trình. Người dẫn KTS Nguyễn Vũ Hải không đưa khách đi dọc dòng sông ô nhiễm mà theo các dấu tích của dòng sông một thuở bao quanh Hoàng thành Thăng Long.

Hà Nội Bộ hành hiện có 3 hành trình đang hoạt động vào các chiều cuối tuần: Long Biên- Chuyện rất dài, Tô Lịch- Dấu sông hồn phốMột mảnh kinh kỳ. Một phần kinh phí do khách đóng góp sẽ được chuyển vào quỹ 1920 hỗ trợ trực tiếp cho các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa cao tuổi, neo đơn.

Mỗi tuần Hải dẫn một chuyến mà chỉ có 3 khách. Do đâu các bạn có ý tưởng… lãng mạn vậy?

Đối tượng chúng tôi hướng tới không phải khách phổ thông mà dành cho những người yêu và muốn có kiến thức sâu về Hà Nội. Ý tưởng do người sáng lập Hà Nội Bộ hành Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra. Nhưng sau đó vô tình tìm trên mạng, nhóm mới biết hóa ra có một số hình thức chuyên gia dẫn tour trên thế giới rồi. Thời sinh viên ở ĐH Kiến trúc, chúng tôi cũng tổ chức Tuần Khám phá- một dạng tour cho các sinh viên vừa vào trường tham gia trải nghiệm không gian đô thị.

Các hành trình của Hà Nội Bộ hành sẽ kéo dài 3-3,5h với quảng đường khoảng 6km. Hành trình Dấu sông hồn phố mượn dòng sông để nói về sự dịch chuyển từ đô thị phương Đông sang phương Tây. Khởi hành từ phố cổ nơi xưa vốn nhiều ao hồ, giao thông chính là đường sông liền với thành. Khái niệm phương Đông, “đô thị” nghĩa là kinh đô và chợ. Tôi đặt vấn đề tại sao phải chuyển từ đô thị phương Đông sang kiểu phương Tây, người ta đánh đổi một dòng sông lấy điều gì…

Khi Tô Lịch trở thành điểm du lịch ảnh 1

KTS Nguyễn Vũ Hải

Bạn làm hành trình này hình như với tâm trạng hoài cổ, tiếc nuối?

Đúng là hơi tiếc thật. Tôi vốn học quy hoạch, nhìn bản đồ cũ thấy Hà Nội đẹp, nhiều mặt nước, không lộn xộn như bây giờ. Tôi cho khách xem bản đồ Hà Nội đầu tiên do người Pháp vẽ. Sau đấy dùng bản đồ 1986 để chứng minh thời đó Hà Nội vẫn đẹp. Người Pháp lấp đoạn từ sông Hồng đến dốc La Pho. Từ đó dọc theo Thụy Khê về chợ Bưởi vẫn còn sông. Bên sông chưa có nhà dân, chỉ có vài ngôi đền. Khi đó hoàn toàn có thể khơi dòng cải tạo sông, nhưng do dân mình “nhảy đất” kinh quá, nó thành cái mương, không ai biết đó là sông Tô Lịch.

Như thế người Pháp là thủ phạm chính làm biến mất sông Tô Lịch?

Quyển Mười thế kỷ đô thị hóa phân tích, một phần sông Tô Lịch theo dòng chảy tự nhiên đã hơi bị cạn dần đến đời Nguyễn đã chặn tạm thời một số chỗ để xây thành mới. Thêm dân nhảy đất cắt sông thành ao nhà. Hiện trạng sông khi người Pháp tiếp cận đã không được đẹp như chúng ta tưởng, nên họ đã lấp đi làm cống ngầm.

Theo dấu nước thì sông Tô Lịch vốn là một phần của sông Hồng. Cũng như mọi người đều bảo Hồ Tây từng là một nhánh của sông Hồng khi chưa đổi dòng. Nếu ướm vị trí sông Tô Lịch nối với sông Thiên Phù- sông cổ đi từ chợ Bưởi hơi song song Lạc Long Quân đâm ra sông Hồng. Bản đồ Hồng Đức cũng ghi sông Tô Lịch vòng theo hướng đấy. Hà Nội thế kỷ 18 phần lớn là ao hồ thông nhau. Bản đồ Hồng Đức ghi khu vực Đại Hồ về sau người Pháp biến thành thành khu phố bàn cờ.

Nếu khách có phản biện, Hà Nội bây giờ đẹp hơn, thành phố nhiều sông hồ làm gì cho bất tiện- bạn nói sao?

Người Pháp lấp sông cũng là một sự đánh đổi để có một đô thị phương Tây. Còn chúng ta buộc phải lấp sông để thành cống ngầm thì sự đánh đổi ấy đem lại điều gì? Nó là câu hỏi của sự chuyển giao giữa thời kỳ này sang thời kỳ khác. Cái đẹp mỗi thời kỳ có một đặc trưng riêng. Như chúng tôi đang tranh cãi có nên giữ những khu tập thể thành một dạng di sản hay không. Có thể 5-7 chục năm nữa, những người tầm tuổi tôi cũng lại muốn gìn giữ những gì đang bị chê bây giờ.

Với những hành trình mang tính chuyên nghành, quan trọng nhất là sự trao đổi. Nhiều khi người tham gia có xu hướng kiểu như đi học. Nhưng kể cả đi học, cũng phải có sự chủ động để rút ra kết luận riêng.

Với diện mạo đô thị đang có, chúng ta cần đặt câu hỏi nhiều hơn. Hành trình của tôi kết thúc ở công trường xây dựng giữa đường Thụy Khê và Hoàng Hoa Thám, là đoạn sông Tô Lịch cuối cùng mà chúng ta có thể nhìn thấy. Sông bị lấp xong, chúng ta có một tài nguyên mới là một đường khuất giữa hai đường lớn. Với một đô thị năng động, người ta có thể nghĩ ra hàng tỉ cách để sử dụng tài nguyên đó. Nhưng Hà Nội thì những chỗ đó thường thành bãi để xe hoặc không gian giao thông thôi. Tôi thực sự muốn thảo luận về việc sử dụng con đường trên sông sắp tới.

Hành trình khám phá nhà tập thể ở Hà Nội sắp tới của bạn có gì đặc sắc?
Tôi không phải tour-guide chuyên nghiệp để nói đi nói lại một chủ đề mà không chán. Hành trình Tô Lịch nếu không có cải biến thì tôi sẽ chỉ dẫn đến một giới hạn nhất định sẽ dừng. Nó sẽ thành một tài nguyên của Hà Nội Bộ hành. Bao giờ có ai quan tâm đặt thì tôi sẽ dẫn.

Với khu tập thể, tôi tìm được một đoạn đường ngắn thôi nhưng vô tình phản ánh lịch sử trải dài của nhà tập thể, từ khu nhà cấp bốn từ thời kỳ đầu đến những ngôi nhà xây theo kiểu nhà sàn Tây Bắc, rồi đến những khu tập thể mới nhất bây giờ. Mỗi khu tập thể có câu chuyện riêng. Dựa theo những đặc thù riêng tôi sẽ thiết kế những hành trình đi sâu vào từng khu.

“Hà Nội Bộ hành là những chuyến đi theo chủ đề, đề cập nhiều lĩnh vực. Ở đô thị, chúng tôi hướng tới những giá trị ít được để ý tới hoặc rõ ràng ai cũng công nhận nhưng vì nó không phải di sản nên trong các tour du lịch không đề cập tới. Ví dụ cầu Long Biên, khu tập thể, biệt thự Pháp…”

KTS Nguyễn Vũ Hải

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.