“Khổ quen rồi, sướng lại không chịu được”

Người thợ mỏ ưu tú Nguyễn Trọng Thái.
Người thợ mỏ ưu tú Nguyễn Trọng Thái.
TP - Một trong những gương mặt đẹp nhất giới thợ mỏ Quảng Ninh là Nguyễn Trọng Thái, đội trưởng đội sản xuất của Hà Lầm. Trẻ hơn tuổi 42, đẹp trai, hơi giống diễn viên kịch Quốc Tuấn, nụ cười hiền hậu, anh Thái từng là nhân vật của báo chí khi nhiều lần tham gia cứu hộ cứu nạn, trong đó có tai nạn sập hầm Đạ Dâng nổi tiếng vào năm kia. 

Người thợ mỏ ưu tú này có 22 năm trong nghề, từng nhận Huân chương Lao động hạng Ba, ba lần nhận Bằng khen của Chính phủ. 

Hỏi anh Thái: “Đặc biệt nhất trong cuộc đời thợ mỏ của anh là gì?” Thái cười hiền: “Cho đến giờ có thể nói đời mình có duyên với khó khăn gian khổ, thích vượt qua khó khăn gian khổ. Anh em chúng tôi vẫn đùa rằng thợ mỏ là nghề khổ quen rồi, sướng lại không chịu được”.

Lau đi lớp than bụi lấm lem, thợ mỏ hoá ra rất nhiều người đẹp trai. Lưu, một chàng trẻ đẹp khác chủ động bắt chuyện với phóng viên: “Phụ nữ dũng cảm lắm mới dám lấy thợ mỏ”.

Lưu cho biết: Ba bộ phận lao động chính ở Hà Lầm gồm đào lò, khai thác, phục vụ. Đào lò vất vả nhất, chia ba ca. Một ca làm việc bắt đầu bằng ăn dằn bụng, thay đồ bảo hộ rồi “đi lò”.

Đến một nơi như Hà Lầm, bạn sẽ hiểu thế nào là thuật ngữ: Đi lò, vào lò, đường lò, giếng đứng... Những công cụ lao động: Xe goòng, bình tự cứu. Vân vân.

Lưu và anh em cho biết, chế độ ăn của thợ lò rất tốt, mỗi bữa ba chục món tự chọn. Quần áo thay ra được máy giặt xử lý. Tắm nước nóng. Nước tinh khiết để ăn uống cũng do công ty tự sản xuất.

Một số ví dụ  về cuộc cách mạng công nghệ của đơn vị thuộc loại hàng đầu ngành mỏ như Hà Lầm: Hệ thống hiện đại vận chuyển thợ lò xuống tận mặt bằng sản xuất. Mọi đường lò đều được lắp đặt hệ thống tời hỗ trợ người đi bộ, rồi hệ thống cảnh báo khí, camera tự động, hệ thống kiểm soát lao động trong lò, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn...

Thu nhập của thợ lò thì tuỳ năng suất lao động. Một lãnh đạo ngành mỏ phát biểu trong phim tài liệu Những dòng chảy không ngừng chiếu cho các vị khách “đặc biệt” sáng 13/7: “Muốn có đủ than cho nền kinh tế quốc dân,  thì phần lộ thiên chúng ta chưa đạt được. Cho nên phải tăng hầm lò và nâng công suất các mỏ lên, xuống sâu hơn, đẩy mạnh cơ giới hoá. Số người giảm đi nhưng năng suất phải cao hơn”.

Hiện cả mỏ than Hà Lầm có trên 4000 công nhân, hơn 200 kỹ sư. Và nói chung dù cuộc sống cải thiện hơn trước phần nào nhưng “Thợ mỏ vào ca cũng là chiến sĩ. Trung đoàn năm xưa nay đã thành sư đoàn”  đúng như nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết thật hay (bài hát Tôi là người thợ lò).

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.