Khó thực hiện quy tắc văn hóa Tràng An?

 Văn hóa ứng xử của người Hà Nội được đánh giá là ngày càng lệch chuẩn (Chèo kéo khách du lịch trước cổng Văn Miếu, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
Văn hóa ứng xử của người Hà Nội được đánh giá là ngày càng lệch chuẩn (Chèo kéo khách du lịch trước cổng Văn Miếu, Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hệ thống quy tắc ứng xử do Hà Nội xây dựng từ lâu sắp đi vào cuộc sống, nhưng nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi trong vai trò nhận diện con người, văn hóa Tràng An.

Làm người Tràng An?

Khung của hệ thống quy tắc ứng xử gồm sáu lĩnh vực: dân cư, trường học, doanh nghiệp, khu vực công cộng, bệnh viện, cơ quan hành chính. Hà Nội kỳ vọng, hội thảo lấy ý kiến sáng 30/6 ở Sở VHTT&DL góp phần hoàn chỉnh quy tắc khung, chuẩn bị trình Hội đồng nhân dân (HĐND). Trước đó, Thành phố gửi bản trưng cầu ý kiến tới từng quận, huyện, xã, hay làm các cuộc điều tra tỉ mỉ hơn tại các điểm dân cư.

Ban soạn thảo nêu: “Chưa thời điểm nào mà vấn đề văn hóa ứng xử ở Hà Nội và người Hà Nội được đặt ra cấp thiết như hiện nay. Những phân tích về sự xuống cấp văn hóa ứng xử trong cộng đồng, những hiện tượng tiêu cực trong văn hóa ứng xử đã đặt ra vấn đề đáng báo động về chất lượng của ứng xử, tạo ra hình ảnh xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến thành phố có bề dày văn hóa và lịch sử”.

Người nơi khác không ít lần lè lưỡi vì thái độ phục vụ khi đến Hà Nội. Bún mắng, cháo chửi không hiếm. Phó GĐ Sở VHTT&DL Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi lạc quan: “Ứng xử của người Hà Nội nói chung còn tiềm ẩn trong từng hành động, sản phẩm truyền thống, chứ không chỉ một số hiện tượng được đánh giá là xuống cấp văn hóa hiện nay. Cho nên, nếu bộ quy tắc này hợp lí, đi vào cuộc sống, chắc chắn nó được triển khai tốt trên nền văn hóa Tràng An còn tiềm tàng”.

PGS.TS Trần Thu Hương (Khoa tâm lí học, ĐH KHXH&NV Hà Nội) góp ý, bộ quy tắc còn trùng lặp giữa các đối tượng. Vì vậy nên có chuẩn mực chung thể hiện nét đẹp văn hóa, sau đó mới đi vào từng khu vực.

“Nhiều tiêu chí, khi phát biểu cảm giác dễ hiểu, nhưng thực ra khó, chưa biết thực hiện thế nào: Trách nhiệm, nhân văn, thân thiện… những tiêu chí này lại đòi hỏi có giải thích đi kèm”, bà Hương nói.

“Không chỉ Hà Nội mà cả nước nhìn vào, nên quy tắc phải kín kẽ. Nhìn quy tắc này thấy na ná các tỉnh, tôi cho rằng không thành công. Các điểm trùng lặp cần phải gút lại, mang tính điển hình hóa. Khẩu hiệu cũng cần ấn tượng hơn”, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội nói.

Về quy định đối với học sinh Hà Nội - “giản dị, khiêm tốn”, khó lượng hóa. Trong điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, nên tìm từ khác phù hợp và phân biệt học sinh Thủ đô với các nơi khác. Nên chăng thay giản dị bằng đúng mực.

Ông Trần Bình Nghĩa, Phó Chánh văn phòng Sở Công Thương Hà Nội nêu ý kiến, trong bộ tiêu chí cần làm rõ thế nào là ứng xử của người Tràng An. Mỗi lĩnh vực cũng khác nhau, người kinh doanh khác người làm việc ở công sở, nhưng phải mang nét riêng Hà Nội. Có thể cũng cần nói rõ quy tắc ứng xử của người nơi khác đến sinh sống, làm việc tại Thủ đô.

Tuy nhiên, ông Lợi lý giải, quy tắc ứng xử làm nổi bật hình ảnh người Hà Nội chỉ là một yêu cầu. “Quan trọng là ứng xử trong công việc, trong sinh hoạt. Ngoài quy định về mặt pháp lý đã ban hành, đây là việc làm cụ thể, giống như hương ước”, ông nói.

Dễ mang tính hình thức

TS. Trần Thu Hương đánh giá, thực hiện được bộ quy tắc là: “Trường chúng tôi có bộ quy tắc riêng, tranh luận nhiều. Để biến bộ quy tắc thành khung đánh giá rất khó. Nếu chúng ta có tham vọng như vậy, tôi cho rằng ngoài quy tắc ứng xử còn phải nói đến nhiều quy tắc nghề nghiệp khác”.

“Triển khai khó quá. Nếu đưa ra tiêu chí khung, khi triển khai ra nhiều màu sắc, có cái tốt, có cái không. Trong dự thảo không nói biện pháp thanh tra, giám sát, biện pháp thực hiện. Còn chuyện chấm điểm và trao thưởng, không khéo mang tính hình thức, phong trào”, TS. Phạm Xuân Tài, Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội của HĐND TP Hà Nội góp ý.

Bộ quy tắc này mang tính tự nguyện, nên không ít người nghi ngại tính khả thi. Tuy nhiên, Phó Chánh Thanh tra Sở VHTT&DL, ông Lê Sơn Hà nhấn mạnh “phải triển khai”, bởi vì có nguyên tắc dán ở phòng làm việc của các lãnh đạo thì cách “giải quyết công việc sẽ khác”. “Quy tắc này cũng khiến lãnh đạo lắng nghe dân hơn. Thử hỏi có thủ trưởng nào ở các đơn vị hàng tuần ngồi cả mấy tiếng để lắng nghe dân không, trừ dịp tiếp xúc cử tri”, ông Hà nói.

Được hỏi về tính khả thi của bộ quy tắc này, lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội phân trần, cách làm ở đây không phải từ trên áp xuống, không như các quy định khác, sai là phạt, mà để dân bàn rồi mới đúc kết thành quy tắc. “Quy trình đó phù hợp với cuộc sống rồi, nếu thiểu số cảm thấy không hợp thì bị dư luận lên án”, ông Lợi nói. Quy tắc ứng xử của Hà Nội theo dự kiến, cuối 2014 đầu 2015 đưa vào đời sống để rút kinh nghiệm, sau đó mới tổng hợp lại và ban hành vào cuối năm tới.

MỚI - NÓNG