Khoái hoạt Nghề Casting

Khoái hoạt Nghề Casting
TP - Người nhỏ thó, chuyên vào các vai du côn, lừa đảo trên phim, nhưng ít ai biết công việc thực của Bình Trọng lại là casting diễn viên nổi tiếng của miền Bắc. Hầu hết những diễn viên của bộ phim có yếu tố ngoại như Mùa hè chiều thẳng đứng, Người Mỹ trầm lặng, Beautiful country, Hai cô con gái của ông chủ vườn thuốc… đến những clip phim quảng cáo đều do Bình Trọng casting.
Minh họa của Nguyễn Xuân Hoàng
Minh họa của Nguyễn Xuân Hoàng.

Ai se duyên anh đến với nghề casting phim vậy?

Hồi tôi đang học ở Đại học Văn hóa, hay theo bố (nghệ sĩ Trần Nhượng - Trưởng Đoàn kịch nói Công an nhân dân) đi làm phim. Bố tôi ngày đó làm trợ lí cho đạo diễn Trọng Dũng, làm phim về chiến tranh, nên sai tôi đi kiếm lốp xe về đốt để tạo khói.

Thấy tôi làm được việc, chọn đúng hướng gió, quay hình đẹp, thì chú Duy Khanh - người tuyển diễn viên cho bộ phim đó mới nhờ về trường tìm cho mấy diễn viên. Rồi dần dà, hai chú cháu thân nhau.

Có hôm, chú Duy Khanh bận, bảo tôi đến gặp chú Phạm Việt Thanh, tuyển hộ diễn viên. Chú Thanh bảo tôi về đoàn của bố tìm cho mấy diễn viên xấu xấu để đóng phu kéo xe trong một clip ca nhạc của chú làm đạo diễn.

Xin phép bố tôi mãi, mới tìm được hai chú ở trong đoàn. Nhưng đạo diễn Phạm Việt Thanh chê là vẫn đẹp trai, to cao quá, không hợp với người xưa. Nhìn tôi một lúc, chú bảo, thôi mày đóng phu kéo xe luôn đi.

Như vậy là anh đến với nghề casting cũng thuận lợi đấy chứ?

Thời kỳ ấy (1995-1996), cả miền Bắc có mỗi chú Khanh làm nghề này. Chú bảo tôi thích, thì chú truyền nghề cho. Thế là tôi cứ theo chú ấy học. Nhưng giờ nghiệm ra, bước chân vào nghề này rồi, giờ không bước ra được.

Sao vậy?

Thì người ta biết mình làm được, người ta cứ nhờ. Mãi thành quen. Nhiều lúc vì nể, thì cũng đành nhận lời. Với lại, nhờ có nghề này, mà tôi mới nuôi sống được gia đình: 1 vợ, 3 con! (Cười).

Khoái hoạt Nghề Casting ảnh 2

Trong quá trình làm casting, tất cả có suôn sẻ theo ý mình không?

Không suôn sẻ tí nào. Vì việc casting hoàn toàn phụ thuộc vào người cần. Ví dụ như bộ phim Người Mỹ trầm lặng. Yêu cầu của đạo diễn đưa ra là con gái Hà Nội, đẹp, giỏi tiếng Anh. Hồi đó, chưa có điện thoại liên lạc, tôi còn đi cái xe Chali, có ngày đi hết cả bình xăng, khua khắp các đoàn, nhà nhà, tìm được 500 cô, có cả những người giờ đang nổi tiếng như Hồng Nhung, Mai Thu Huyền… Nhưng cuối cùng, bị loại hết.

Sau Ngô Quang Hải giới thiệu Hải Yến, đạo diễn người Mỹ Philip Noyce rất ưng hình dáng của cô ấy, nhưng Yến lại không biết ngoại ngữ. Nhưng tôi phục anh Hải, anh ấy thuê người dạy ngoại ngữ cho Yến, trong một tháng, Yến thuộc hết lời thoại bằng tiếng Anh của bộ phim. Theo đoàn làm phim, và bản thân ông đạo diễn người Mỹ, thì họ đánh giá cao sự nỗ lực học hỏi của Hải Yến.

Casting cho phim nước ngoài có khác nhiều so với phim của Việt Nam?

Khác hoàn toàn. Nhưng nhận thù lao cũng sướng, cao gấp 5 lần của Việt Nam. Cái khác biệt rõ nhất là phim của nước ngoài họ không quan trọng yếu tố đẹp mỹ miều, mà diễn viên phải hợp với tiêu chí của phim

Casting diễn viên cho nhiều phim, rồi cả quảng cáo cho nước ngoài. Nhiều quá, nên giờ tôi cũng không nhớ hết. Chỉ nhớ có lần casting cho một hãng quảng cáo nước ngoài, họ yêu cầu tìm một cô gái đóng vai chính.

Vào Quảng Bình tìm được nhà cô ấy, thì cả bố mẹ, họ hàng cô ấy cản, không cho đi, bảo tôi lừa, bán cô ấy. Phải cam kết hết lời.

Tôi đi chụp mấy chục kiểu ảnh các người đẹp, đến một nhà cô bạn quen, để chụp cô ấy, lúc đó còn cái phim cuối cùng, thấy em họ cô ấy ở quê ra chơi, xinh xinh, tôi đứng ghé cạnh, bảo cô bạn chụp nốt cho khỏi phí phim. Đến khi rửa ảnh, ông đạo diễn không chọn mấy chục cô kia, mà chọn cái cô chụp chung với tôi.

Gọi điện bảo cô bạn đưa em họ đến, thì cô em đó đã đi về quê. Quay lại bảo ông đạo diễn chọn diễn viên khác đi. Ông ấy nhất định chọn cô kia. Thế là tôi phải xin địa chỉ cô em họ, bắt xe ô tô vào tận Quảng Bình. Vào tìm được nhà cô ấy, thì cả bố mẹ, họ hàng cô ấy cản, không cho đi, bảo tôi lừa, bán cô ấy. Phải cam kết hết lời, mới đưa được cô ấy ra Hà Nội để đóng phim quảng cáo.

Đã có lần casting nào khiến anh bó tay chưa?

Có hôm, Bình Trọng đi tìm diễn viên ở một bản, bỗng bọn đầu gấu gí dao vào cổ. Chúng dẫn vào bản, may mà mấy người dân ở đó phát hiện ra anh là diễn viên, hay đóng phim. Chúng tha. Sau, về, tìm hiểu mới biết, anh đã đi vào đúng vùng trũng ma túy của Sơn La.

Chưa bao giờ. Khó mấy tôi cũng làm được. Phải giữ uy tín nghề kiếm cơm của mình chứ. Như cái quảng cáo sữa Vinamilk “Nâng cao Việt Nam” đang chiếu trên ti vi đấy. Tôi đi khắp các vùng núi Tuyên Quang, Hòa Bình để chọn cậu bé vào vai chính.

Chọn được một cậu bé ở Tuyên Quang, họ ưng ý lắm. Nhưng cảnh quay lại ở Sơn La. Thế là lại chạy sang Sơn La, đi khắp các bản, làng để tìm. Có hôm, đang lúi húi ở một bản, bọn đầu gấu gí cả dao vào cổ. Hết hồn. Chúng nó dẫn tôi vào bản, may mà mấy người dân ở đó phát hiện ra tôi là diễn viên, hay đóng phim. Chúng nó tha. Sau, về, tìm hiểu mới biết, mình vào đúng vùng trũng ma túy của Sơn La.

Cũng sợ, định không dám làm vụ casting đó nữa. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, bỏ thì mất uy tín. Lại lên đường. Nhưng khôn hơn, tôi tìm gặp ông trưởng bản, ông ấy lùa 50 chục đứa trẻ con ra. Rồi đi khắp các bản khác nữa, tổng cộng tôi chụp được 300 đứa. Cuối cùng, cậu bé Giàng A Tống, 10 tuổi được chọn.

Nếu không làm diễn viên và casting nữa, thì anh làm gì?

Thì tôi làm… cò đất! (Cười). Thực ra, tôi sống được đến giờ là nhờ vào nghề casting. Nghề này cũng cho mình nhiều kinh nghiệm sống trong xã hội. Còn nghề cò đất cũng đảm bảo cuộc sống cho mình và gia đình. Cơ bản là tôi cũng có duyên với cái nghề này.

Việc casting hiện nay đang là nghề hái ra tiền và thu hút nhiều người tham gia. Anh có phải cạnh tranh nhiều?

Phải nói là cạnh tranh khốc liệt. Mà khốc liệt nhất lại là việc cạnh tranh với…đệ tử của mình.

Chục năm trước, ở Hà Nội có mỗi tôi làm việc này. Sau đó, tôi đào tạo khoảng 10 người, họ đang làm rất tốt. Giờ thì rất nhiều người làm. Nhưng nói chung, mình làm có uy tín, nên vẫn được thuê, nhất là nước ngoài.

Làm nhiều với các hãng nước ngoài, chắc anh giỏi ngoại ngữ lắm nhỉ?

Tôi biết khoảng… 5, 6 thứ tiếng. Nhưng sau mỗi công việc với đoàn làm phim Pháp, Mỹ, Thái Lan hay Trung Quốc… là tôi quên hết tiếng của họ ngay.

Nói thực là tôi không có “căn” học ngoại ngữ. Đi học 8 lần rồi đấy. Nhưng không thành. Giáo viên cũng bảo bó tay với tôi. Nên khi làm với nước ngoài, lúc đầu thì nói bì bõm được dăm bảy câu, sau thì… trao đổi bằng tay. Thế mà hiệu quả lắm đấy! Họ hiểu hết.

Ít người biết anh làm casting, nhưng nhiều người biết anh trên phim với các vai phụ: du côn, lừa đảo… Hình như chưa thấy anh vào vai chính nào?

Đúng là tôi đóng hàng trăm vai phụ rồi, nhưng chưa bao giờ đóng vai chính. Mà tôi cũng không thích đóng vai chính. Cơ bản, nghề casting cũng chiếm nhiều thời gian. Vào vai chính, mất thì giờ lắm. Nên khi ai làm phim, gọi điện, tôi cũng chỉ chọn vai nào ngăn ngắn để đóng thôi.

Còn nói tôi hay vào các vai lừa đảo, trộm cắp… thì do tôi có kinh nghiệm quan sát ngoài xã hội nhiều, về hình thức, thì cũng ưng mắt đạo diễn, tôi vào các vai đó rất ăn nhập.

Lập Công ty truyền thông 3T, làm giám đốc, nhưng sao anh không chuyên nghề casting mà lại làm nhà sản xuất phim?

Bị thiên hạ bóc lột nhiều rồi, giờ tự mình bóc lột mình. Công ty lập nên đều do anh em chơi với nhau, đam mê nghệ thuật. Chúng tôi đang sản xuất bộ phim truyện hài “Tiến cùng”. Kịch bản phim này tôi viết cách đây 3 năm. Nhiều hãng cũng thích, muốn làm, mượn kịch bản về xem, nhưng được vài hôm, người ta trả lại, bảo phim phức tạp, khó hiểu, khó làm. Thế thì tôi làm.

Bình Trọng đang chỉ đạo quay phim
Bình Trọng đang chỉ đạo quay phim " Tiến Cùng".

Tôi cũng muốn thử xem mình có đủ sức làm chủ không, đủ sức đóng vai chính không, chứ cứ làm thuê mãi, chán rồi! Phim này vừa hài, vừa hành động. Chúng tôi sẽ ra mắt khán giả vào dịp Tết Trung thu tới.

Vào những vai diễn khiến cho người ta ghét, bươn chải với nhiều nghề… Vậy có điều gì khiến anh sợ nhất?

Ra đời tôi chả sợ gì, bởi tôi đã từng làm đủ việc, từ bán hàng cơm, bán nước, bơm vá xe, bán xổ số dạo, làm nhựa tái chế… Thế mà về nhà lại sợ vợ.

Mà tôi nghiệm thấy, nhiều ông bạn, rồi hàng xóm, người quen mà cùng sinh năm 1973 như tôi… đều sợ vợ hay sao. Chắc tại tuổi của chúng tôi hay chiều vợ, chiều phụ nữ, nên đâm ra… sợ vợ!

Xin cảm ơn anh!

Vương Xuân
vuonghaqdnd@yahoo.com.vn

MỚI - NÓNG