Khoan hòa, dễ tính nên dễ thích nghi

Khoan hòa, dễ tính nên dễ thích nghi
TPCN - Trong lịch sử bang giao với nước lớn, mà nước lớn ấy cứ nhất thiết bảo mình là con Trời, còn ta là man di cần giáo hóa, thì khoan hòa chính là một triết lý để tồn tại.

Họ mang quân sang, thì đem quân đánh lại; đánh thắng xong thì cử ngay sứ giả sang cầu hòa, tâu với thiên tử rằng cái đám phiên tướng của thiên triều do đi lạc vào vùng lam sơn chướng khí mà chết ráo cả, chính chúng đã làm giảm oai linh của thiên triều.

Có khi viên tướng bại trận còn chưa kịp về triều thì sứ Nam đã giải quyết xong xuôi đâu vào đấy khâu oai cho thiên tử.

Đó là chuyện trong triều, còn đây là chuyện ngoài nội: Bà bá tôi có tật hay chửi đổng, mà chửi dai. Bác trai tôi mỗi lần vợ chửi đổng lại mang cái ống quết trầu lẽo đẽo theo sau, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Chửi khẽ thôi, mai kia chết còn phải nhờ hàng xóm láng giềng khiêng đi chôn đấy!”.

Đến mạn bờ rào nhà ai, bác lại vóng lên: “Cho tôi xin lại, tôi đựng cả vào đây rồi, bác nhá”. Thế mà rồi bá tôi chừa tật xấu.

Người Mỹ, đúng hơn là những anh Mỹ chưa hiểu văn hóa Việt cứ hay chơi trò nhân quyền trong ứng xử tôn giáo; thực ra, người Việt có hàng ngàn năm nay tam giáo đồng nguyên (Phật, Nho, Lão).

Và ngoại trừ cuối thời nhà Nguyễn, các đại thần sống giàu có nhờ giáo lý Nho gia, sợ rằng để Cơ đốc giáo phát triển thì đến lúc họ phải mất ghế, xui vua làm bậy. 

Ngay bây giờ, có anh cán bộ nào kỳ thị tôn giáo thì cũng bị nhân dân coi là làm bậy. Trong mỗi gia đình có gia phong đều tồn tại hình ảnh ông nội đọc sách Thánh hiền, bà nội miệng niệm Phật nhưng tay làm cỗ cúng gia tiên; trong mỗi đại gia đình có người theo Thiên chúa, thì ngày giỗ họ vẫn vàng hương về từ đường, đề huề vui vẻ cả.

Khoan hòa cũng là một triết lý sống khôn ngoan ở một xứ sở năm nào cũng lũ bão vỡ đê, ít nhất cũng xiêu nhà trốc mái. Đó là những việc không thể làm một mình, phải nhờ hàng xóm.

Có rất nhiều câu thành ngữ làm chứng rằng người Việt coi trọng tình nghĩa lân bang: “Chú khi nay bay khi khác,” “Tối lửa tắt đèn có nhau,” “Chết một đống hơn sống một người”…

Lại có câu “Giàu ở làng sang ở nước”. Câu ấy có nghĩa, anh làm quan trong triều ngoài nội nhưng anh không đóng góp gì cho làng mình, thì dân làng có quyền coi anh không ra gì.

Anh đỗ đạt, làng sẵn sàng trích học điền cho anh vài mẫu, nhưng trong quá trình làm quan, anh phải xây cho làng không được cái đình thì cũng cái cầu, cái cống; không có thì anh không thể sang trọng nổi với các cụ tiên chỉ.

Vì vậy, các quan Nam triều đều ít nhiều đóng góp cho làng, phòng khi về hưu, khi chết. Ông Phan Đình Hòe (bác ruột đồng chí Lê Đức Thọ) làm tri phủ Ninh Bình, khi nghỉ hưu thăng tuần phủ.

Vậy mà đã thuê thợ đẽo gọt đá, chở từ Ninh Bình về quê Trực Ninh, làm con đường dài độ 3,5 km, rộng 3,5m từ Nam Định về làng. Con đường ấy nhìn từ trên cao có dáng một con rồng uốn khúc, đầu rồng là nghĩa trang gia đình họ Phan làng Nam Vân.

Thực ra, có đi ra thiên hạ mới thấy sự giàu có của một người cụ thể chả có ý nghĩa bao nhiêu so với một người giàu có khác. Người Trung Quốc có câu: “Chưa đến Bắc Kinh chưa biết mình là quan nhỏ”.

Anh có một triệu đô la, đã được coi là giàu, nhưng một vụ làm ăn của thầy trò ông Bí thư Thượng Hải đã có hơn một tỷ đô la. Vì vậy chăng mà những người giàu có, chỉ có quay về làng mới yên tâm rằng mình giàu sang.

Cái phẩm chất khoan hòa, ít nhất cũng không làm cho con người trở nên cô đơn và cảm thấy hư vô chới với trong cõi đời mênh mông. Bởi vì, nói như nhà văn Kim Dung, ngoài trời còn có trời.    

MỚI - NÓNG