Khoan trao giải nếu không xứng đáng

Khoan trao giải nếu không xứng đáng
TP - Nhà báo, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN trao đổi trong văn học nghệ thuật thẳng thắn về giải thưởng Nhà nước nói chung và nhiếp ảnh nói riêng. Ông Huyến từng tham gia hội đồng chuyên ngành giải thưởng Nhà nước đợt 1 và 2.

Nhạc sĩ Phú Quang: Giải thưởng nhà nước bị bóp méo

Cứ tưởng giải chỉ trao một lần

Từ những năm 1970, Liên Xô có hệ thống giải thưởng Lenin, giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Công huân- uy tín rất lớn. Việt Nam xuất hiện những giải thưởng mang tên gần giống, không biết có phải học tập hay bắt chước. Nhưng rõ ràng giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước gần như thuộc về nhân dân, tổ quốc, phải đảm bảo tính lý tưởng, tư tưởng. Tác phẩm nhận giải phải là tài sản văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Giải thưởng không chỉ tiêu biểu cho thành tựu, mà còn mang tính định hướng sáng tác.

Giải của ta xuất hiện lần đầu vào giữa những năm 1990. Từ đợt thứ nhất đến đợt thứ ba cách nhau mười mấy năm, xã hội thay đổi, quan niệm thay đổi. Càng ngày yêu cầu về thẩm định càng phải chính xác hơn, dân chủ, thuyết phục hơn, bớt những chuyện đằng sau. Càng ngày càng cần giá trị thật. Sau chặng 5-10 năm, có những tác phẩm được tiếp tục đánh giá tốt nhưng có những tác phẩm chưa hẳn, dù được giải.

Đợt xét giải đầu tiên có tính chất tổng kết thành tựu từ 1945. Tham gia hội đồng chuyên ngành, tôi cứ nghĩ giải chỉ trao một lần thôi. Cứ tiếp tục thì lấy gì ra mà trao. Các ngành khác có thể tiếp tục sáng tạo đề tài độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc nhưng nhiếp ảnh thì chịu, không thể chụp được quá khứ. Nếu 5 năm/lần xét giải, thì nên chăng có những tác phẩm phản ánh giai đoạn phát triển 5 năm đó của đất nước, bên cạnh đề tài lâu dài về truyền thống cách mạng, độc lập dân tộc.

Thật và diễn- lẫn lộn

Về tiêu chí “đã được phổ biến rộng rãi, có tác động trong đời sống”, trong khi có những tác phẩm chỉ trong ngành biết? Thậm chí có tác phẩm trong ngành cũng không biết thì có nên đưa không? Và phổ biến trong thời kỳ nào.

Ví dụ ảnh thời chiến nhưng đến thời bình mới công bố, vì trước đây không được sử dụng hoặc chưa đủ tầm được sử dụng. Nó bình thường thôi, nhưng bây giờ tác giả làm Chủ tịch Hội, làm triển lãm cá nhân, in sách, mặc nhiên mọi người biết. Sau đó tác giả xin giải thưởng, bảo là đã được phổ biến?

Ảnh xe tăng tấn công dinh Độc Lập của Trần Mai Hưởng quá tốt nhưng không may, người Pháp lại công bố ảnh chiếc xe tăng đầu tiên rồi. Người Pháp đứng ở trong sân chụp ra. Còn ông Hưởng làm sao vào được sân nếu xe tăng không vào trước? Hội đồng chuyên ngành thừa nhận, ảnh của Trần Mai Hưởng đưa lên trên, rất nhiều thắc mắc. Bức ảnh giá trị nhưng nếu ngay từ đầu nếu biết nó không phải là chiếc xe tăng đầu tiên - thì chưa chắc đã dùng nhiều như thế. Có những bài báo viết về nó như bức ảnh chụp chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập, thế mà tác giả không đính chính, cho đến khi xuất hiện ảnh của Pháp cách đây 7-8 năm. Vấn đề không chỉ liên quan người chụp, mà còn méo mó lịch sử.

Trong khi, ảnh Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất của Đinh Quang Thành giá trị tư liệu cao- lần thứ ba bị loại, lần này với lý do… quá khổ! Đấy là giở lý để loại nhau. Phóng to càng dễ xem chứ sao! Ảnh nữ dân quân kéo xác máy bay của Quang Văn được giải quốc tế, những lần trước cũng xét nhưng đều trượt, lần này cũng không được đưa vào.

Trong nghề nhiếp ảnh, chụp đúng lúc sự việc diễn ra thật mới có giá trị. Tôi ví dụ ảnh Võ An Khánh được giải đợt 2, chụp một trạm quân y dã chiến. Bên trong bàn mổ có mấy người lúi húi. Bên ngoài cáng một anh thương binh vào. Nhìn kỹ thấy anh hướng về phía ống kính, tươi cười. Người khênh cáng rất bình thản, trong kia là hai cô hết sức trật tự. Người ta hiểu trạm quân y ấy có, sự kiện là thật, nhưng việc chụp lại diễn. Mà diễn- về nghề mà nói, người ta không phục.

Nhà báo, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến
Nhà báo, nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh Vũ Huyến.

Khi người dự giải là sếp của người chấm giải

Những tác phẩm dự giải có nên tham khảo rộng rãi trong ngành, trong dư luận? Đấy là cơ sở quan trọng. Nếu hội đồng cơ sở chỉ là những người quản lý của Hội thì không tiêu biểu. Người được bầu lên để làm quản lý không có nghĩa họ tiêu biểu cho tri thức của ngành. Nếu anh cơ cấu hội đồng chuyên ngành theo kiểu đó, thì việc xin- cho rất dễ xảy ra. Tôi lấy ví dụ chủ tịch cũng như quá nửa thành viên hội đồng chuyên ngành lại là nhân viên ăn lương của ông dự giải thì liệu có cả nể?

Trong điều kiện bây giờ, mỗi ngành có hệ thống tham khảo thông tin rất dễ. Giới nhiếp ảnh hoàn toàn có thể công bố những bức ảnh dự giải kèm trích ngang tác phẩm lên mạng, lên tạp chí chuyên ngành và lấy ý kiến trong giới. Tránh trường hợp đề nghị lên hội đồng Bộ bức ảnh giải Nhà nước mà trong giới có thể đến ¾ không đồng ý. Mặc dù nhận định của dư luận có tính chính xác tương đối nhưng dù sao cũng còn hơn 5-7 người quyết.

Sau khi có hội đồng chuyên ngành thừa nhận thì đến hội đồng liên ngành. Tránh trường hợp có người được giải 2 lần. Năm nay thấy bên điện ảnh có ông Tiến Lợi là nhà quay phim tài liệu đã quá cố dự giải. Lần trước ông được giải Nhà nước bên nhiếp ảnh với Đường ra tiền tuyến. Hồi ấy đã có dư luận. Tức là ông trích một ảnh trong phim ra dự giải. Ông Triệu Đại ngay lần đầu được giải Nhà nước do bộ ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ là người ta đã không phục. Bộ ảnh đó ông đi chụp cùng với đoàn làm phim tài liệu Nga của đạo diễn Carmen năm 1960. Trong khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ 1954.

Tác phẩm đoạt giải đợt 1,2 toàn ảnh báo chí. Ảnh báo chí có thuộc lĩnh vực chuyên môn của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh? Nhiều ý kiến muốn đổi tên thành Hội Nhiếp ảnh Việt Nam thì mở rộng hơn. Nhưng vẫn chưa đổi, vì người ta cho rằng hội này chủ yếu làm ảnh nghệ thuật. Hội viên là các nghệ sĩ. Nhưng đến lúc khen thưởng, toàn đưa ảnh báo chí! Trong hội đồng có nên có đại diện Hội Nhà báo? Vì người dự giải đều là hội viên Hội Nhà báo, có người còn chưa là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh.

Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước có nên dựa vào hệ thống những giải thưởng chuyên ngành? Những bức ảnh chụp Việt Nam và được giải ở Việt Nam là một cơ sở để xét giải. Còn nếu ảnh chụp về Việt Nam mà được nước ngoài trao giải liệu có là cơ sở? Ví dụ ảnh mấy cô đội nón với cuộc thi trong nước là bình thường, nhưng ra nước ngoài lại được giải. Thì giải đó có nên tham khảo? Đã là giải thưởng Nhà nước, Hồ Chí Minh thì tác phẩm đó phải được người Việt thừa nhận, yêu thích, phổ biến…

Nhà nước quan tâm đến văn nghệ sĩ, nhưng việc thẩm định không đúng thì sinh ra mất đoàn kết. 5 năm lại một lần thế này làm cho không khí văn học nghệ thuật kém đi, buồn đi. Nếu không có tác phẩm xứng đáng - thì hãy thôi trao giải!

“Nên rà soát lại hệ thống giải thưởng về VHNT và các danh hiệu, nếu không chồng chéo rất nhiều. Nếu ai có tác phẩm xuất sắc đột xuất có thể nhận Bằng khen Chính phủ. Ai có quá trình cống hiến lâu dài có thể nhận Huân chương Lao động. Mỗi hội chuyên ngành đều có giải hàng năm rồi”. - Ông Vũ Huyến

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).