Triển lãm sơn mài Đỗ Kỳ Hoàng:

Khởi động Festival Huế

Khởi động Festival Huế
TP - Phòng triển lãm của cố họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng là hoạt động mở đầu cho Festival nghề truyền thống Huế 2009, có ý nghĩa vinh danh nghề sơn mài Huế, và còn là nghĩa cử đối với họa sĩ có công lao lớn nhất trong lĩnh vực đào tạo và truyền nghề sơn mài ở Huế gần nửa thế kỷ vừa qua.

Sự ra đời của nghề sơn mài ở Huế gắn liền với công cuộc xây dựng thủ phủ Đàng Trong của các chúa Nguyễn, phát triển rực rỡ vào đầu triều đại của các vua Nguyễn khi triều đình huy động thợ thủ công - mỹ nghệ ở khắp mọi miền về Phú Xuân xây dựng cung điện, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu của triều đình.

Nhà Nguyễn cáo chung nghề sơn thếp mai một dần, những người thợ lành nghề thiếu đất dụng võ, một số trở về quê hương bản quán, một số trở về mở làng nghề của mình ở vùng ngoại ô Tiên Nộn, Dương Nổ, chủ yếu sản xuất đồ thờ tự và phục vụ cho các công trình kiến trúc quy mô nhỏ như đình chùa, nhà thờ họ tộc.  

Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật ở Sài Gòn Đỗ Kỳ Hoàng trở về Huế với nhiều khát vọng, trong đó có khát vọng duy trì, phục hồi nghề sơn mài truyền thống Huế. May mắn và hạnh phúc lớn nhất đối với Đỗ Kỳ Hoàng là suốt cuộc đời công chức của mình được làm việc và cống hiến cho sự nghiệp đào tạo nhân lực và chấn hưng văn hóa truyền thống.

Là giáo viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (nay là ĐH Nghệ thuật), Đỗ Kỳ Hoàng đào tạo, bồi dưỡng được nhiều thế hệ học trò nối nghiệp. Công cuộc trùng tu di sản văn hóa Huế mở ra cho thầy - trò họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng những cơ sở thực hành và môi trường lao động nghệ thuật có một không hai.

Trong sáng tác Đỗ Kỳ Hoàng dành hết tâm huyết, đầu tư hết công sức để hình thành các tác phẩm nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa Huế. Đỗ Kỳ Hoàng đã đi về cõi vĩnh hằng nhưng thành quả lao động sáng tạo, tác phẩm nghệ thuật của ông mãi mãi gắn bó với không gian nghệ thuật Huế.

Bàn tay vàng của Đỗ Kỳ Hoàng để lại dấu ấn trong từng họa tiết sơn son thếp vàng phục chế Điện Thái Hòa. Du khách tham quan Ngọ Môn, lên lầu Ngũ Phụng lại gặp Đỗ Kỳ Hoàng với tác phẩm “Lễ Truyền lô”.

Bức sơn mài giới thiệu về một lễ hội cung đình, một nghi thức trang trọng nhằm tôn vinh đạo học, vinh danh trí thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam mà gần đây đã được phục dựng trong Festival Huế.

MỚI - NÓNG