Không cá nhân hóa thảm họa

Tủ quần áo ngoài trời với mục đích từ thiện. Ảnh: KBH
Tủ quần áo ngoài trời với mục đích từ thiện. Ảnh: KBH
TP - “Không cá nhân hóa thảm họa” là cụm từ gần đây người châu Âu hay dùng, cho dù thảm họa đó không (hoặc chưa) xảy ra ở châu lục này.

Tuần qua trên truyền hình Bỉ hay xuất hiện những gương mặt Việt sạm đen nắng gió, giọng miền Trung nằng nặng. 

Không cá nhân hóa thảm họa ảnh 1

Tủ quần áo ngoài trời với mục đích từ thiện. Ảnh: KBH

Họ là những người tham gia đội tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia mất tích trên biển Đông. Bao công sức và tiền của phía Việt Nam bỏ ra tìm kiếm một chiếc máy bay của nước khác, nạn nhân cũng là người nước khác, nhưng là thảm họa nhân loại, không thể tính toán theo kiểu chuyện mất mát cá nhân.

Tổn thất cơn bão Hải Yến gây ra hồi tháng 11 năm ngoái hẳn nhiều người chưa quên. Lúc ấy, nửa đêm, tôi gần như đã chìm vào giấc ngủ bỗng tít tít tin nhắn của một anh bạn Bỉ: “Gia đình em ở Việt Nam ổn không?”, tôi trả lời hơi cá nhân “Cảm ơn anh, gia đình em không sao. 

Bão đến tỉnh khác, và ở Philippines mới thực nặng nề”. Anh bạn vẫn tiếp tục: “Cần phải tìm cách cứu trợ gấp. Giữ vững tinh thần nhé, sẽ gặp nhau sớm. Hy vọng họ an toàn”. Quái, tôi đã nói gia đình tôi bình an, vậy anh bảo tôi giữ vững tinh thần chuyện gì? À, hiểu rồi, anh nói đến nỗi đau chung. Tôi tỉnh ngủ hẳn, chợt nhớ ra, nhắn tin lại: “Gia đình anh có ai ở Philippines không?”.

“Có người chú họ thích Philippines nên chuyển sang sống tại đảo Mindanao hơn 60 năm rồi. Giờ chú ấy khoảng 90 tuổi, vợ cũng đã già mà con trai ở tận Mỹ. Anh gọi mãi chưa liên lạc được. Hy vọng vợ chồng chú ổn”. Rồi anh nhắc tôi nhắn tin cho cô bạn người Philippines đang sống ở Bỉ hỏi thăm tình hình gia đình cô tại quê hương ra sao...

Cứ thế, các cuộc nhắn tin, gọi điện bắt đầu dồn dập hơn, giữa đêm khuya, giống như truyền hình chiếu cảnh một người đàn ông Bỉ có vợ người Philippines cuống cuồng tìm cách mua vé bay sang vùng bão vì vợ và con anh đang về thăm quê dịp này. 

Mọi thứ bắt đầu hiện rõ sự liên quan chặt chẽ, bão ở Philippines và Việt Nam nhưng lòng người Bỉ cũng có bão. Đúng là không thể cá nhân hóa thảm họa.

Mùa đông ở các nước Tây Âu năm nay khá ấm, chưa xuống âm độ không thể gọi là lạnh được. Mưa ít, nắng nhiều. Nhưng người Anh lại đối diện những ngày đầu năm ẩm ướt nhất trong hai thế kỷ rưỡi qua, vất vả chiến đấu với lũ lụt ngập cửa trôi nhà. 

Dù lúc đó Thủ tướng Anh đã tuyên bố sẽ đàm phán lại mối quan hệ của London với Brussels (tức Liên minh châu Âu- EU) và tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về khả năng rời EU, nghe nói Anh vẫn phải mượn máy bơm công suất cực mạnh của Chính phủ Hà Lan và một số kỹ sư từ “vùng đất thấp” cũng đã có mặt ở Somerset để hỗ trợ chống lụt.

Thời tiết ngày càng thể hiện tính cách vừa đỏng đảnh vừa cực đoan. Cảnh lụt lội ở Anh có thể xảy ra tại Bỉ năm sau- người Bỉ lo ngại. Bạn tôi thấy nhà tôi ở trên đồi thì bảo vùng cao, lo gì. Ơ hay, thế cứ sung sướng ngồi bó gối trên cao nhìn lụt mà không nghĩ có ngày phải lội xuống vùng đồng bằng, vùng thấp tìm thức ăn, nước uống hay sao?!

Nay thêm chuyện bạo loạn, căng thẳng chính trị ở Ukraina, người Bỉ lại loan tin “Kiev cách Brussels khoảng 2.000km thôi đấy”. Thảm họa thời tiết, thảm họa chính trị... đều dẫn đến thảm họa nhân đạo, xảy ra ở nơi khác nhưng không thể nói chẳng phải mối quan tâm chung của con người cùng sống trên trái đất này.

Có dạo về Việt Nam chơi, tôi thấy một người bạn thân đến nhà xin quần áo cũ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Em gái tôi mang ra hai bịch quần áo cũ đã giặt sạch phơi khô cẩn thận, bạn tôi vẫn giở ra ngắm từng chiếc, bỏ lại váy ngắn “lần này đoàn từ thiện đến thăm một trường nuôi dạy trẻ em bị tâm thần, không nên tặng váy sợ các em gái hớ hênh”.

Đúng là làm việc từ thiện, công tác cứu trợ phải đảm bảo cả tính chất tế nhị, thấu hiểu bên cạnh phẩm chất nhanh nhạy, kịp thời.

Động đất ở Haiti, bão Hải Yến ở Philippines... người châu Âu đều kêu gọi nhắn tin đến tổng đài, mỗi tin nhắn đồng nghĩa đã hỗ trợ nạn nhân vài euro song song tổ chức ca nhạc quyên tiền. Nhưng vẫn không phải cách cứu trợ tối ưu tức thì cho người đang đói ăn, thiếu mặc trong giá rét.

Vì cần thời gian để quyên tiền. Các chính phủ xuất kho gạo, trích ngân sách, các tổ chức nhân đạo mở kho dự trữ là cứu trợ tức thì.

Có nhiều cách hiệu quả hơn, đồng nghĩa bạn làm công việc cứu trợ hàng ngày, hàng năm, làm như một thói quen tiết kiệm nhưng bất cứ khi nào xảy ra thảm họa là các tổ chức nhân đạo có sẵn vật phẩm cần thiết ứng cứu. Ví dụ thị trấn nơi tôi ở, gần siêu thị và gần nhà thờ có đặt những hộp sắt to (ảnh), ghi rõ quần áo, giày dép bạn không sử dụng nữa có thể cất vào “chiếc tủ ngoài trời” này để tái chế, làm từ thiện.

MỚI - NÓNG