Không có Cánh diều Vàng!

Không có Cánh diều Vàng!
TP - Ban giám khảo ở thể loại phim truyện nhựa đã không chấm đủ điểm cho bộ phim nào đoạt giải Cánh diều Vàng 2007. Đây là thái độ nhìn thẳng vào sự thật: phim không đáng vàng “già” thì không trao!

Điện ảnh Việt phải chấp nhận một mùa giải non, vậy thôi.

Nhưng việc “đốn” Rừng đen xuống hạng Khuyến khích và đặt Nụ hôn thần chết ngang Cánh diều Bạc với Trái tim bé bỏng thì điều này cũng tạo ra chút xôn xao!

Ca sĩ Phương Thanh hẳn bất ngờ lắm khi biết chính cô - với hành trang điện ảnh là những vai phụ “tưng tửng” trong phim Tết có ngày lại vượt cả Hồng Ánh để giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (vai thầy bói trong phim Nụ hôn thần chết).

Vừa “an toàn” vừa “tình thế” nhưng vẫn đáng tiếc!

Cánh diều 2007 ở thể loại phim truyện nhựa đã trôi qua một mùa giải không kịch tính, căn cứ vào kết quả trên thì nhóm phóng viên theo dõi điện ảnh bỏ phiếu cho giải Phim hay nhất do báo chí bình chọn lại kịch tính hơn: Rừng đenTrái tim bé bỏng được đề cử nhiều nhất, Nụ hôn thần chết chỉ xếp hạng 3.

Không có Cánh diều Vàng! ảnh 1
Vai Mai trong phim Trái tim bé bỏng đã giúp Lan Hà giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất

Kết quả bỏ phiếu của nhóm phóng viên như sau: Trái tim bé bỏng (9 phiếu), Rừng đen (6 phiếu), Nụ hôn thần chết (4 phiếu). Như vậy Trái tim bé bỏng được cả 2 giải: Cánh diều Bạc và Phim hay nhất (trị giá 20 triệu đồng do báo chí bình chọn).

Rừng đen được nhiều phóng viên ủng hộ hơn Nụ hôn thần chết. Sự “sụp đổ” của Rừng đen kéo theo những Kiều Trinh, Thạch Kim Long tiếp tục là phát hiện, chưa thể đặt dấu ấn về diễn xuất bằng giải thưởng cụ thể. Thật đáng tiếc!

Nếu đã ghi nhận gương mặt trẻ Lan Hà với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (vai Mai trong Trái tim bé bỏng) thì chẳng nên chặt chẽ quá ở giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Kim Long (vai Hoạt trong Rừng đen) hay Thiện Tùng (vai Lâm Thành trong Chớp mắt cùng số phận) đều xứng đáng. Vậy mà giám khảo đã không chọn ai. Lại thật đáng tiếc!

Không có Cánh diều Vàng! ảnh 2
Đạo diễn Thanh Vân (thứ 4 từ trái qua) nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất phim Trái tim bé bỏng

Cùng với Cánh diều Bạc thì Trái tim bé bỏng còn nhận thêm giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Thanh Vân) và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Lan Hà) và giải Âm nhạc xuất sắc nhất (Nguyễn Quốc Trung) trong khi Nụ hôn thần chết đem thêm thắng lợi về cho ca sĩ Phương Thanh: Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, giải Biên kịch xuất sắc nhất dành cho đạo diễn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Dũng và giải Họa sỹ thiết kế dành cho họa sỹ Mã Phi Hải.

Phim của Hãng Phước Sang lại gây khó khăn chút ít trong khâu chấm giải bởi Mười là một sản phẩm hoàn toàn “made in Hàn Quốc”, phía ta chỉ đóng góp theo kiểu cho thuê mặt bằng và nhân công mà thôi, chấm thế nào?!

Nhưng BTC đã nhận phim này dự thi thì phải chấm, ngậm ngùi nhìn giải Quay phim xuất sắc nhất  và giải Hiệu quả âm thanh xuất sắc nhất trao cho người Hàn quả là một biện pháp tình thế bởi Mười rõ ràng thuộc đẳng cấp khác!

Ở mùa giải năm nay, Nụ hôn thần chết mà đoạt giải Cánh diều Vàng mới là cú sốc lớn. Với phim này, chính đạo diễn Thanh Vân từng chê “cấu trúc phim lộn xộn” nhưng cũng khen “Ý tưởng sáng sủa, dụng công trong hình ảnh, kỹ xảo và khâu tiếp thị bài bản”.

Công bằng mà nói, đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Dũng làm Nụ hôn thần chết đã thoát được cái nhí nhố ở Hồn Trương Ba da hàng thịt. Xem Nụ hôn thần chết có cảm xúc vui, lãng mạn nhưng về tầng nghĩa cũng như kết cấu vẫn là một sự tưởng tượng… bé bỏng, không thể lên hạng Vàng!

Không có Cánh diều Vàng! ảnh 3
Phương Thanh trong vai thầy bói (Nụ hôn thần chết) giành giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất

“Mậu dịch”, “sắc giới”

Ngoài 3 bộ phim đáng chú ý Trái tim bé bỏng, Rừng đen, Nụ hôn thần chết, 8 phim còn lại có gì đáng nói? Suy đi xét lại, những phim này có một ngôn ngữ chung: hoặc cũ kỹ mậu dịch hoặc đổi mới nửa chừng xuân!

Nếu Chuyện tình Sài Gòn có khả năng làm một số phóng viên phải… kiệt sức vì xem phim (lửng lơ mãi không biết kết thúc thế nào) thì Duyên trần thoát tục lại tìm mãi không thấy lối ra nào cho sáng tạo nghệ thuật mới!

“Kiếp nạn” của những phim này là kể những câu chuyện quá đơn giản vậy mà nhân vật cứ mờ không hiện hữu, xem có cảm giác như ăn phải bát phở nước không đủ độ nóng để bốc khói.

Thiện- ác, đẹp- xấu, gieo tai ương thì gặp ngay quả báo, những màn tung chưởng và quyền pháp xanh đỏ như phim võ hiệp Hồng Kông ở Duyên trần thoát tục phù hợp một bộ phận khán giả nào đó, các em nhỏ xem có lẽ cũng thích, nhưng dự thi Cánh diều thì không thể có giải, dù là quan điểm BGK năm nay bảo thủ hay đổi mới.

Chớp mắt cùng số phậnHoài vũ trắng cùng đề cập một thời bao cấp, mậu dịch lên phim. Nhưng thời “tem phiếu” ấy chưa đủ độ khốc liệt khi hiện lên phim chỉ là vài cảnh chen lấn xô đẩy hay mấy cái cặp lồng giúi vào tay nhau.

Cứ băn khoăn không hiểu bát phở thời mậu dịch khó khăn ấy trong Hoài vũ trắng sao mà… nhiều thịt và miếng thịt to được như thế! Cùng đề tài chiến tranh- hậu chiến, nhưng Chớp mắt cùng số phận có sự dung dị và chân thật hơn Hoài vũ trắng.

Câu chuyện tình yêu giữa một cô gái hoạt động cách mạng và chàng sĩ quan chế độ Sài Gòn cũ mà Hoài vũ trắng kể lẽ ra phải tinh tế hơn và lên phim cách đây hơn chục năm mới tạo được chú ý, lại một sự lỡ nhịp đáng tiếc như Thời xa vắng vậy.

Xem 11 phim xong có phóng viên nói vui: phim ta dạo này cũng chịu khó… sắc giới! Tác phẩm Sắc giới của đạo diễn Lý An chắc chắn đã làm giám khảo phương Tây sốc vì phim của phương Đông quá “nóng”. Nhưng sử dụng cảnh “nóng” trong phim Việt vẫn là con dao hai lưỡi.

Và từ những “sắc giới” mà phim Việt bày ra ở Cánh diều 2007, vẫn chưa tìm được cái cớ hoàn toàn thuyết phục nào để xuất hiện cảnh nuy đẹp. Dền dứ từ trong nhà ra tới tận bãi đá thơ mộng nhưng đôi trai gái trong Hoài vũ trắng mãi không tìm ra cớ để… sắc giới!

Đến pha “lộ ngực” cuối cùng thì cảm xúc của người xem đã tuột mất rồi, không còn cần thiết nữa. Cảnh Mai khỏa thân giữa đống kem nhầy nhụa trong Trái tim bé bỏng là kiểu lên gân không cần thiết.

Một số cảnh “hở” ở Rừng đen cũng thừa, nhất là vừa làm vừa sợ không được duyệt thế này thì thật… ức chế cho cả người xem phim!

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.