Không đòi hỏi quyền lợi cho 'gay'

Trương Tân bên tác phẩm. Ảnh: N.M.Hà
Trương Tân bên tác phẩm. Ảnh: N.M.Hà
TP - Triển lãm 'Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình' tại gallery Bùi (23, Ngô Văn Sở - Hà Nội đến 15-11) đánh dấu sự trở lại của Trương Tân kể từ 2007. Là nghệ sĩ hoạt động giữa Paris và Hà Nội, Trương Tân hoàn toàn cởi mở về giới tính của bản thân.

> Bị nghi ngờ giới tính vì quá ngoan

Trương Tân bên tác phẩm. Ảnh: N.M.Hà
Trương Tân bên tác phẩm. Ảnh: N.M.Hà.

Được biết những bức tranh anh triển lãm chung đợt này được vẽ cùng thời với những bức từng không được treo vào 1995?

Năm 1995, tranh tôi bị cấm. Ngay gallery cũng phải hạ tranh tôi xuống, chỉ bán thôi. Buồn lắm. Lần đấy vẽ về sex quá nhiều, quá mạnh. Tôi bảo người duyệt tranh là nếu chỉ vì cái đó thì tôi che chỗ đấy đi, họ vẫn không đồng ý. Hơn nữa, hồi đấy tôi cũng vẽ về tôn giáo nhiều, ảnh hưởng đến chính trị nọ kia.

Năm 2007, tác phẩm Bỉm tôi làm cùng với nghệ sĩ Đức cũng phải mang về. Bao lần làm trình diễn cũng bị cấm. Đâm ra tôi không muốn triển lãm ở Việt Nam nữa vì sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn của gallery quá nhiều. Bây giờ chắc vấn đề đơn giản hơn. Tôi vui khi được treo những bức nhẹ nhàng nhất tại triển lãm này.

Những bức anh vẽ đã lâu nhưng đến hôm nay mới công bố. Tại sao vậy?

Thời gian đấy chỉ bạn rất thân tôi mới cho xem. Mà cũng chỉ xem một lần rồi cất. Tôi không phải người khoe khoang. Tôi còn rất nhiều cái mọi người chưa bao giờ xem. Tranh chuyên về tình dục đồng giới không thể cho mọi người xem được. Một ngày nào đó tôi già rồi, cái sự “trơ trẽn” lớn hơn, có thể mang ra triển lãm.

Có thể khi đó xã hội cũng chấp nhận đồng tính hơn. Như bên Tây thì những tranh này có thể triển lãm một cách đơn giản. Bây giờ một số người, ngay cả giới nghệ sĩ vẫn còn dị nghị về tranh của tôi. Họ nói là tranh về gay này khác. Không biết họ chê hay khen.

Một bức tranh toàn nam giới dù khỏa thân vẫn chưa thể kết luận là tranh về gay?

Lúc đó tôi chỉ vẽ về con người. Bởi tôi không hiểu phụ nữ lắm, không biết cơ thể họ ra sao. Mặc dù trong trường có nghiên cứu, nhưng để biết được bản thân họ rất khó, làm sao biết bằng cơ thể của mình được.

Đó cũng là giai đoạn anh bắt đầu vẽ trực diện về con người mình?

Đúng. Giống như cuộc xung đột trong tôi giữa yêu và ghét. Giữa tình yêu và “ghen tuông”-với Chúa Trời, với tất cả những gì mình thấy bất công. Ví dụ trong xã hội coi đàn ông là nhất, thì tôi cảm giác tôi là phụ nữ lúc đó, tôi thấy không thể thế được.

Tôi luôn đứng về phía phụ nữ, đòi hỏi quyền lợi cho phụ nữ như quyền lợi của tôi vậy. Tôi không nghĩ mình phải đòi hỏi cho gay. Dù tôi biết mình là gay. Tình yêu của mẹ tôi với chúng tôi quá lớn. Từ đó mình cũng có tình yêu với phái nữ.

Giai đoạn đó anh đã công khai về xu hướng giới tính của mình?

Có chứ. Vì tôi thật thà nên không thể giấu ai được. Gia đình tôi không biết, tôi chả nói với họ. Còn với bạn bè, tôi vẫn thể hiện mình là gay mà. Tôi luôn cởi mở về xu hướng giới tính. Giấu giếm là ngu ngốc. Tôi tự hào về điều đó. Hồi 14-15 tuổi tôi cũng lo sợ, giấu giếm, nhưng khi nghệ thuật của tôi phát triển đến những năm 1990 thì tôi không còn lo sợ nữa.

Có lúc nào anh cảm thấy bị kỳ thị vì là người đồng tính?

(Thở dài) Không, vì tôi luôn tin tưởng vào tôi. Có thể có những chuyện đó với người khác. Ví dụ gia đình luôn nghĩ đó là điều xấu hổ cho gia đình. Tôi không biết đó có gọi là kỳ thị hay không, nhưng định kiến văn hóa là như vậy. Đến một ngày, người ta sẽ hiểu.

Hơn nữa, giáo dục ở Việt Nam về giới tính ngay cả cho người straight (từ tiếng Anh nghĩa là “thẳng”, chỉ đàn ông dị tính luyến ái - PV) cũng không sâu sắc, việc nói về gay hay “thẳng” cũng như là một điều cấm kỵ. Tôi nghĩ mình cũng rơi vào tình trạng đó, chứ không bị đối xử phân biệt gì cả.

Bây giờ anh còn nghĩ mình là phụ nữ?

Lâu rồi tôi không nghĩ thế nữa. Nhưng tôi vẫn thích bênh vực người yếu đuối. Mình chả khỏe mạnh, ghê gớm nên thích bênh vực người yếu hơn. Thứ hai, nghệ sĩ bao giờ cũng có tính nhân đạo.

Thế bây giờ anh nghĩ anh là... gì?

Tôi nghĩ tôi là nghệ sĩ thôi. Nghệ thuật đã giúp tôi lớn lên, hiểu biết hơn. Bố mẹ chẳng có thời gian dạy dỗ tôi. Nếu dạy dỗ theo kiểu của bố thì tôi cũng chẳng làm được gì. Đôi khi phải nói cảm ơn bố mẹ rồi đến cảm ơn nghệ thuật.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG