Không đủ chỗ cho điêu khắc ngoài trời?

Không đủ chỗ cho điêu khắc ngoài trời?
TP - Hội thảo Điêu khắc ngoài trời VN hiện đại đã đề cập đến những tượng đài trị giá nhiều chục tỷ đồng, nhưng hiếm khi được giới chuyên môn cũng như người dân đồng tình.
Không đủ chỗ cho điêu khắc ngoài trời? ảnh 1
Tượng đài “Công nhân Việt Nam”  - "một đống tiền náu mình kín nhất" ảnh: Hồng Vĩnh

Trên đường Quán Thánh mới có tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, còn tượng cạnh đền Bà Kiệu có từ lâu tên là Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh.

KTS Nguyễn Trương Quý đặt câu hỏi, có cần thiết bỏ 16 tỷ đồng để dựng thêm một tượng đài nội dung và thẩm mỹ tương tự cách nhau không xa?! Họa sĩ Trịnh Cung nói thẳng, dựng tượng đài là "một áp-phe, cuộc làm ăn béo bở".

Nhân nói đến tượng đài Lý Thái Tổ, nhà điêu khắc Phạm Công Hoa kêu: “Làm sao có thể duyệt một công trình nhiều tỷ bạc, không cần biết hiệu quả nghệ thuật như thế”.

Đất nước ta có một lịch sử hào hùng, cần có nhiều tượng đài để ghi khắc. Vì là loại tạo hình nghiễm nhiên xa xỉ nên một số nhà điêu khắc và cả họa sĩ lao vào nhận dự án.

Họa sĩ “trúng thầu” sẽ thuê nhà điêu khắc làm những phần việc chuyên môn. Một tượng đài một khi đã âm thầm hoặc rầm rộ dựng lên, bất kể lời khen tiếng chê, cũng không thể phá bỏ ngay được. Rõ ràng tác phẩm đã đảm bảo những tiêu chí về nội dung theo đơn đặt hàng đấy thôi.

Tượng đài xấu không thể chỉ đổ lỗi cho nhà điêu khắc. Lỗi còn tại thẩm mỹ chậm tiến của xã hội! “Nếu chỉ dựng tượng đài đơn thuần để tưởng niệm mà không có nghệ thuật thì phần nào sẽ phá hỏng thẩm mỹ của các thế hệ tương lai”. (Trang Thanh Hiền).

Dù chênh vênh giữa ranh giới của nhu cầu nhận thức và thẩm mỹ, nhưng tượng đài bao giờ cũng đứng rất lâu, trừ khi người ta… ăn bớt nguyên liệu hoặc xây cho nó một cái móng ọp ẹp.

KTS  Ngô Huy Giao: “Ta có tật bàn cãi, đệ trình, nghiên cứu và xét duyệt thường rất lâu, trong khi tác giả cầm bút vẽ thực sự thì bị hối thúc”.

Trong các bản quy hoạch đô thị hiện đại không thấy bóng dáng quy hoạch tượng đài. Tượng đài cứ khi cần là có, bất kể không gian quanh nó có phù hợp hay không.

Nhiều người chỉ phát hiện ra tượng đài Công nhân ở Cung Hữu Nghị khi báo chí thi nhau nhắc về nó như một “đống tiền” (hơn 9 tỷ đồng) náu mình kín nhất- hay nó tự biết mình giống Tàu nên phải “trốn”(!).

Theo GS Hoàng Đạo Cung, không gian quanh tượng đài đóng góp tới 50% thành công của tượng. ở HN, tượng Quang Trung cạnh gò Đống Đa và Chiến thắng Ngọc Hồi ở Ngọc Hồi là hai ví dụ cho tình trạng “thành công một nửa”.

Điêu khắc đang là một nghệ thuật thời thượng, “nơi nào có địa danh, nơi đó có tượng đài”. Bên cạnh tượng độc tôn là các quần thể tượng ngoài trời. Trịnh Cung phản đối: Không bao giờ nên làm vườn tượng,  mà một tác phẩm điêu khắc cần có không gian riêng để tồn tại.

KTS Tôn Đại lại cho rằng chỉ cần cự ly giữa các tượng hợp lý là được. Ông khẳng định, vườn tượng làm sang hơn cho bờ sông Hương (với điều kiện tượng không bị ăn trộm để bán đồng nát hoặc bị vẽ bậy lên).

Tuy nhiên, hãy nghe tiếng nói từ Huế: “Quan niệm hời hợt theo lối cứ làm khắc có chỗ đặt để, đã làm cho môi trường thẩm mỹ ở Huế bị xáo trộn, băm nát hai bờ sông”. (Phan Thanh Bình). Tháng 5 này Huế tổ chức Trại sáng tác Điêu khắc quốc tế lần thứ 4. Hàng loạt địa phương Phú Thọ, An Giang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang...  noi gương Huế  rất có thể cũng sẽ mở trại.

Vấn đề thực sự bức xúc bởi những công trình dân dụng có sai phạm dễ bị nhận ra ngay nhưng một tượng đài không xấu chẳng đẹp vẫn tồn tại ở nơi công cộng và  “hàng ngày hàng giờ mọi người phải thưởng thức những thẩm mỹ tầm tầm đó” (ý kiến của đại biểu Đặng Thanh Vân).

MỚI - NÓNG