Không lo 'Bầu trời đỏ' đụng độ 'Đông Dương'

TP - Trước buổi ra mắt báo giới và khán giả Việt Nam, đạo diễn Olivier Lorelle và nữ diễn viên chính Audrey Giacomini của Bầu trời đỏ chia sẻ với Tiền Phong xung quanh bộ phim Pháp quay hoàn toàn ở Việt Nam.

Casting diễn viên nữ có khó không, ông đưa ra tiêu chí gì đối với vai diễn này?

Olivier Lorelle: Tôi muốn tìm diễn viên Việt Nam nhưng khó khăn đầu tiên là họ hầu hết nói tiếng Anh. Sau đó chúng tôi mở rộng casting sang các diễn viên nói tiếng Pháp và một số diễn viên trẻ nhưng gặp phải trở ngại lớn vì trong phim có một số cảnh sex. Cuối cùng tôi quay về Pháp tìm diễn viên.

Trước hết diễn viên phải đẹp vì đây là phim về tình yêu, lãng mạn. Quan trọng hơn diễn xuất phải tự nhiên. Bầu trời đỏ là phim lịch sử, diễn viên phải thuyết phục khán giả tin vào phim chứ không nghĩ đến thời hiện tại. Khuôn mặt nữ diễn viên chính cần toát lên vẻ dũng cảm, kiên nghị bởi trong phim cô ấy là nữ Việt Minh và đầy thần thái. Phim diễn ra trong hoàn cảnh khắc nghiệt, kéo dài hơn ba tuần trong rừng sâu nên cần dấn thân, có nhiều cảnh chạy chân trần trong rừng, bị côn trùng cắn và gặp rắn rết. May mắn cuối cùng Audrey làm được.

Audrey, bạn có lo lắng không khi bối cảnh phim khá xa thời bạn sinh ra và lớn lên?

Không lo 'Bầu trời đỏ' đụng độ 'Đông Dương' ảnh 1

Audrey Giacomini: Phim lịch sử nhưng lãng mạn. Chủ đề tình yêu không bao giờ cũ, đó là điều giúp tôi nhập tâm. Đạo diễn tư vấn xem nhiều tài liệu và đọc nhiều sách để hiểu về thời kỳ đó, đặc biệt có cuốn sách của Xuân Phượng - nữ phóng viên chiến trường đầu tiên của Việt Nam - kể về cô gái trẻ 16 tuổi trải qua nhiều biến cố trong cuộc chiến.

Đây có phải phim vất vả nhất không, dù có một phần dòng máu Việt chảy trong huyết quản nhưng nhân vật này khá xa lạ với bạn?

Audrey Giacomini: Tôi nghĩ không phải phim quá khó khăn, việc quay trong rừng hay những cảnh quay khó khác không phải quá ghê gớm. Đạo diễn bảo chạy tôi chạy, chẳng nề hà gì. Tuy nhiên áp lực lớn nhất chính là việc đảm nhận vai nữ chính, gần như ngày nào cũng phải có mặt ở trường quay và trong hầu hết cảnh quay.

Ngay khi viết kịch bản và bắt tay làm phim, ông có nghĩ đến chọn bối cảnh Việt Nam. Liệu ông có cố tình tránh địa danh đi vào phim Pháp nổi tiếng trước đó?

Olivier Lorelle: Khi quay tôi nghĩ đến cuộc chiến ở Đông Dương và nghĩ ngay đến chiến tranh Việt Nam. Điều xây dựng nên bộ phim là câu chuyện kể về cuộc chiến của những người lính trẻ Pháp mất phương hướng ở một đất nước xa lạ, bị tấn công chớp nhoáng bởi chiến thuật du kích. Anh lính Pháp này yêu nữ Việt Minh. Bộ phim này mang hơi hướng lịch sử và là câu chuyện tình. Ban đầu có một số băn khoăn vì phim chiến tranh thường quay ở Campuchia. Ở Việt Nam việc xin giấy phép làm phim chiến tranh tương đối khó, sau đó nhờ sự giúp đỡ của nhà sản xuất nên chúng tôi quay toàn bộ ở Việt Nam. Ngoài yếu tố thiên nhiên, văn hóa cũng là điểm thu hút của phim này.

Ban đầu tôi nghĩ đến Vịnh Hạ Long, tuy nhiên nó xuất hiện nhiều trong Đông Dương rồi. Cuối cùng chúng tôi chọn những điểm ít khách du lịch lui tới hơn như hồ Ba Bể, Đồng Văn và Mèo Vạc của Hà Giang để cảnh quay chân thực và hoang sơ hơn.

Ông có lo ngại màu sắc phim khá giống với một số phim Pháp trước đó, đặc biệt là phim gây tiếng vang “Đông Dương”?

Không lo 'Bầu trời đỏ' đụng độ 'Đông Dương' ảnh 2

Olivier Lorelle: Tôi không nghĩ vậy bởi Đông Dương đặt dưới góc nhìn người Pháp nhiều hơn, Bầu trời đỏ đặt dưới góc nhìn người Việt. Đây là phim Pháp đầu tiên mà người hùng - nhân vật nữ chính là Việt Minh. Kinh phí làm phim này không cao như Đông Dương - nhiều cảnh quay ở Vịnh Hạ Long - tuy nhiên các địa điểm du lịch mới mẻ trong phim hứa hẹn tạo nên sức hấp dẫn.

Ông từng viết kịch bản phim “Ngoài vòng pháp luật” - được đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc- về chiến tranh, điều gì hấp dẫn ông viết tiếp một câu chuyện về chiến tranh ở Việt Nam?

Olivier Lorelle: Chủ đề về câu chuyện tình yêu trong thời chiến khá mới mẻ. Tôi không biết ở Việt Nam ra sao nhưng ở Pháp phim tình yêu gần đây thường kể về đôi lứa hiện đại. Cuộc sống của họ xoay quanh chuyện yêu đương, tìm việc, mua nhà và mua xe. Vì vậy tôi nghĩ một câu chuyện tình đặt trong bối cảnh lịch sử, mang giấc mơ không chỉ về nhà, xe mà là giấc mơ thay đổi thế giới, khiến đất nước trở nên tốt đẹp hơn sẽ hấp dẫn khán giả.

Ông tin vào khán giả Pháp còn quan tâm đến phim chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt Nam?

Olivier Lorelle: Người Pháp thường tránh đụng đến chiến tranh Đông Dương, Algeria, không như Mỹ gần đây họ làm nhiều phim về các cuộc chiến nhất là chiến tranh ở Iraq.

Như vậy có vẻ mâu thuẫn bởi ông đang làm phim về thời chiến tranh ở Việt Nam, phim khởi chiếu ở Pháp từ 19/7?

Đúng như thế. Nhưng tôi muốn thay đổi suy nghĩ đó. Tổng thống Pháp Macron mới đây đưa ra một số luận điểm nóng bỏng. Chẳng hạn trong câu chuyện chiến tranh Algeria ông nói rằng người Pháp phạm tội ác về nhân quyền. Điều này tạo ra làn sóng tranh luận dữ dội trong nước Pháp. Tôi muốn xây dựng bộ phim dựa trên chủ đề đó. Chiến tranh Đông Dương lùi xa, chiến tranh ở Algeria gần hơn với nước Pháp. Câu hỏi đặt ra liệu cuộc chiến đó phi nghĩa hay mang lý tưởng nào đó chưa được giải đáp. Tôi nghĩ cần mang những câu hỏi như thế ra để tìm câu trả lời, không thể giấu nhẹm đi để ảnh hưởng đến các thế hệ sau. Năm 1946 một bộ phận lính trẻ người Pháp đến Việt Nam, trước đó vừa tham gia chiến tranh chống lại Đức quốc xã. Điều này thật nghịch lý bởi trước đó người Pháp chiến đấu giành tự do cho đất nước mình, nhưng ngay sau đó lại đến xâm chiếm nước khác.

“Bầu trời đỏ” hứa hẹn phô diễn cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của Việt Nam, hình ảnh đó mang lại cảm xúc gì đối với đoàn làm phim trong quá trình quay?

Olivier Lorelle: Thiên nhiên Việt Nam chính là nhân vật thứ ba quan trọng sau hai diễn viên chính. Vẻ đẹp thiên nhiên là điều không thể thiếu trong câu chuyện phim: Cảnh hồ Ba Bể, những cánh rừng, cảnh đẹp Đồng Văn, Mèo Vạc xứng đáng được xuất hiện trên màn ảnh.

Audrey Giacomini: Là người yêu thích thiên nhiên, trước đó từng đến miền Nam vài lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi đặt chân lên miền núi phía Bắc. Điều khó khăn nhất khi vào vai cô gái Việt Minh là tôi phải quen với băng rừng lội suối, tôi phải cố gắng tạo ra cảm giác hòa nhập, mặc dù trong lòng không ngừng thốt lên cảnh sao mà tuyệt diệu thế.

Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thể làm gì để thành phim trường thế giới, đạo diễn Olivier Lorelle nói: “Campuchia là quốc gia tạo điều kiện cho các đạo diễn đến quay phim bởi tập trung nhiều hãng phim, kỹ thuật viên và thủ tục dễ dàng. Trong khi đó thủ tục làm phim ở Việt Nam mất thời gian hơn. Việt Nam có thể trở thành phim trường quốc tế hay không phụ thuộc vào quyết định của các bạn, đương nhiên phải thay đổi một số thứ nhất là về thủ tục cấp phép”.

MỚI - NÓNG