Không mưa ở Nhã Nam

Không mưa ở Nhã Nam
TP - Nhã Nam, mảnh đất kỳ lạ chỉ dành riêng cho những người cô đơn nhất. Nỗi cô đơn cùng cực tiền kiếp của văn - chương - làm - người.
Không mưa ở Nhã Nam ảnh 1
Chợ Nhã Nam

...Cô Xoan với Đề Thám, hai người chung lưng ngựa vút giữa đêm mưa từ Bắc Giang về Nhã Nam. Cảm nhận tình yêu của Xoan, nhưng ông kiên quyết chối từ chính cảm xúc của mình, vì một lời hứa với anh con giai bị tật của cụ Đồ Hoạt.

Đêm mưa Nhã Nam ấy, một mình một ngựa quay về Yên Thế, Đề Thám oà khóc cho hữu hạn của chính mình, của người. Ông khóc sụt sùi như anh bán bánh đa mật ở chợ Kế, chứ không phải của một “hùm xám” quật cường...

Cô Xoan làm vợ con cụ Đồ, sau cả đời sống trải qua bao khổ ải, đớn đau, chiến tranh ly loạn, đói khát, thành bà lão 84 tuổi tóc bạc trắng hiền lành bán quán ở bên thành Phồn Xương ngày nào, bên tượng ngưòi anh hùng Đề Thám xi măng cốt sắt, vẫn đau đáu một mối tình với “ông ấy” cất giấu sau bầu ngực nhăn nheo.

Thiên truyện ngắn “Mưa Nhã Nam” của Nguyễn Huy Thiệp gây nhiều tranh cãi về hình tượng người anh hùng Yên Thế, lại khiến tôi váng vất hơn khi ngược về Nhã Nam...

Nhã Nam hôm tôi về, không mưa. Thực ra cơn mưa nào từ tuần trước dù đã tạnh lâu vẫn đọng dưới lớp bùn đỏ lép nhép vùng đồi trung du. Phố huyện nghèo, cũ kỹ, như người già thở đang thở ra từng hơi ngắn trong ngôi nhà mái đổ bụi ngồi ngóng bên đường.

Những con ngựa già kéo xe lóc cóc ngang chợ huyện. Ba chữ “Chợ Nhã Nam” bằng xi măng đóng rêu mờ mịt nay rớt chữ gần hết, còn như hàm răng người già...

Nhã Nam chỉ vậy thôi. Nhưng tôi nghĩ hình như nơi đây đang cất giữ chiếc hộp đen kỳ bí của ký ức cho những con người cô đơn nhất trần gian? Những con người day dứt với đời sống làm người, với lương tri, với quá khứ mà mình cứ đòi được trả giá thay cho kẻ khác...     

“Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những ngày tháng ấy chứ không tài nào mà đổi đời nổi như là bản thân đời sống của tôi. Một cách trực giác tôi luôn nhận thấy quanh tôi quá khứ vẫn đang lẩn khuất...”.

Nhân vật Kiên trong “Nỗi buồn chiến tranh”, đã mở đầu những trang tiểu thuyết gạch xoá nhằng nhịt của mình như vậy. Nhân vật ấy, hay chính Bảo Ninh khi bắt tay vào cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến trong tâm trạng mấp mé bờ vực của đớn đau, để rồi, đêm đêm bên trang giấy, “cứ thế, nửa điên rồ Kiên lao vào chiến đấu lại cuộc chiến đấu của đời mình, một cách đơn độc, phi hiện thực, một cách cay đắng, đầy rẫy va vấp và lầm lạc”.

Bảo Ninh, hiện thân của nhà văn Kiên, có ba tháng luyện quân ở Nhã Nam, trước khi được tung vào chiến trường. Một trong những chương hay nhất về ẩn ức quá khứ của “Nỗi buồn chiến tranh” chính là chương 2, kể chuyện Kiên về thăm lại Nhã Nam, với túp lều tranh nơi ngọn Đồi Mơ hiu hắt có bà mẹ Lành và cô bé Lan từng nuôi tổ “tam tam” của anh hơn hai mươi năm trước.

Khởi nguồn cảm hứng, đúng hơn là mệnh lệnh, là sự câu thúc mơ hồ của quá khứ. Tìm dấu chân trai trẻ đầu tiên bước vào cuộc chiến. Thì Đồi Mơ Nhã Nam, nào khác chi truông Gọi Hồn nơi bìa rừng Ngọc Bơ Rẫy đẫm máu và nước mắt? Mẹ Lành đã mất lâu lắm rồi, một buổi chiều ngay sau cuộc chiến.

Cùng một ngày, buổi sáng, buổi chiều, người ta đưa về Nhã Nam hai giấy báo tử các con trai mẹ. Mẹ như bị xô ngã, thiếp đi, bằn bặt, không hề tỉnh lại nữa. “Giá kể hồi đó người ta hẵng gườm gượm, báo tử lần lượt thưa ra thì có khi mẹ em vẫn còn sống được tới giờ”, Lan kể lại với Kiên như vậy.

Lan giờ thành người đàn bà tuổi tác luống chiều, xạm xĩnh vì thời gian, không chồng con, cứ bên Đồi Mơ mong ngóng về một thứ ngày xưa nào đó...   

Kiên - Bảo Ninh trở về sau chiến tranh, đầy day dứt. Còn một người nữa, cùng thời, cùng tuổi, cùng những ngày tháng luyện quân cấp tốc ở Nhã Nam, nhưng không bao giờ trở về: liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc ! Trang nhật ký viết đúng hôm từ biệt Nhã Nam, sau này ra mắt với cái tên “Mãi mãi tuổi Hai Mươi”, lại đầy trong trẻo :

“Ta muốn thăm lại thị trấn Nhã Nam, quả bàng chín rụng, thăm hòm thư của bưu điện giấu một niềm tâm sự, một lời thủ thỉ… Ta muốn lại ngồi trong quán nước, gặp bà hàng nhai trầu bỏm bẻm, muốn đi qua sân bóng, muốn vào thăm mái lều san sát của bãi chợ ồn ào... Ta muốn vào thăm nhà bên kia đồi, có cái xe bò và có anh chàng canh đồi dẻ, thăm cụ già mù bật ngón trên cái kèn đưa người ra ruộng...”.

Trong nhật ký, Nguyễn Văn Thạc nhắc đến người bạn lính cùng tuổi Hoàng Nhuận Cầm, chàng thi sĩ hơi ngang tàng, suy tư nhiều về đời sống, thường hay “lang thang trong đêm”, từng có những ngày “bê tha ở chợ Nhã Nam”..., khác với Nguyễn Văn Thạc ngày ấy.

Mãi mãi tuổi Hai Mươi với một Nhã Nam xưa cũ, có lẽ bởi người lính giỏi Văn nhất miền Bắc Nguyễn Văn Thạc không kịp ra khỏi cuộc chiến tranh này để bước vào một cuộc chiến khác như Kiên trước những trang bản thảo đời sống ? Bởi anh không thể về lại thăm ngôi nhà bên kia đồi, thăm lại những cảnh đời của mẹ Lành, của Loan, mở ra chiếc hộp ký ức đen sạm lửa đạn, máu và nước mắt?

*

*        *

Không mưa ở Nhã Nam ảnh 2
Con trai út nhà văn Nguyên Hồng, ông Nguyễn Vũ Giang - người quản thủ ngôi nhà Nguyên Hồng ở ấp Cầu Đen

Nhã Nam, mảnh đất kỳ lạ chỉ dành riêng cho những người cô đơn nhất. Nỗi cô đơn cùng cực tiền kiếp của văn - chương – làm - người, như cụ Nguyên Hồng đang nằm bên bờ suối mạn Đồi Cháy, ấp Cầu Đen bây giờ đây. Tôi về, đúng hôm giỗ cụ bà. Con cháu đủ đầy.

Niềm ấm cúng gia đình sau bao nhiêu giông gió. Bốn chữ “Huyết Lệ Thành Văn” trên tường, nền giấy đã ngả màu rêu ẩm kia cứ hồng lên tưởng chừng vẫn đọng từng khối nước mắt bên trong. 

Nguyên Hồng hai lần đưa gia đình về ấp Cầu Đen, trong hai trạng huống, tâm thế khác nhau. Kháng chiến chống Pháp mở màn, ông cùng Ngô Tất Tố, Kim Lân, Đỗ Nhuận, Trần Văn Cẩn... đưa gia đình về Nhã Nam tản cư. Điều bình thường trước mọi cuộc chiến, để những người đàn ông yên tâm phần hậu phương mà ra đi cùng kháng chiến.

Nhưng lần về sau của Nguyên Hồng mới thật khốc liệt, người ta đã nói nhiều, viết nhiều... Từ Hà thành đùm bới vợ con gia quyến lui bước đến cùng tận chốn heo hút cỗi cằn này để giữ cho được phẩm tiết khí khái, dù bao phen cả nhà suýt chết đói, chết rét, chết vì lao lực...

Ngồi dưới gốc khế xoà bóng mát trước sân nhà Nguyên Hồng đung đưa từng chùm trái chín vàng ậng mà nghe kể từ hơn 60 năm trước nhà văn khư khư ôm cái nồi đất đựng cây khế con con còi cọc ngồi tàu từ Hải Phòng mang về trồng nơi Đồi Cháy, tôi nghĩ nhiều về giấc mơ đời người.

Đồi Cháy hay là Đồi Mơ đây? Khổ đau, thất vọng gieo quá nhiều hạt đắng, hạt đau, nhưng đêm đêm, giữa đói lạnh và cô đơn cùng cực, nhà văn vẫn chiu chắt ươm thành những hạt chữ chất chứa tình yêu con người, không một chút oán hận.

Để làm một con người đúng nghĩa, có lẽ nhiều khi người ta phải biết mơ, không phải những giấc mơ hoang vu, mà  mơ giản dị về những điều tốt đẹp...

...Nhã Nam không mưa. Thậm chí chỉ là mưa bóng mây, “thứ mưa xoàng” bữa nào đó Nguyễn Huy Thiệp bắt gặp khi về Phồn Xương. Đề Thám cũng chưa bao giờ làm thơ, có lẽ vậy. Thiệp từng làm thơ. Nhưng những câu thơ này trong “Mưa Nhã Nam” lại khiến tôi thêm một lần váng vất khi về Nhã Nam...

...Vầng trăng kia xa lắc
Vầng trăng kia lơ lửng trên đầu
Có đôi mắt nào mở to trong tim ta
Và mỗi cái chớp mắt đều khiến ta nhói lòng...

Nhã Nam, 2009

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.