Jean-Marie Gustave Le Clézio, Nobel Văn học 2008:

Không ngừng đọc và tự đặt câu hỏi

Không ngừng đọc và tự đặt câu hỏi
TP - Ít phút sau khi Viện hàn lâm Thụy Điển công bố Nobel Văn học năm 2008 trao cho nhà văn Pháp Jean-Marie G. Le Clézio, nhà văn 68 tuổi dự buổi họp báo tại Paris và trả lời phỏng vấn báo chí về cảm nghĩ của mình.
Không ngừng đọc và tự đặt câu hỏi ảnh 1
Nhà văn Clézio trả lời phỏng vấn báo chí

Cảm xúc của ông khi biết mình nhận giải thưởng danh giá bậc nhất - Nobel Văn học?

Tôi rất hạnh phúc và xúc động. Đó thực sự là niềm vinh hạnh lớn với bản thân tôi, tôi trân trọng cảm ơn Viện hàn lâm Thụy Điển dành cho tôi niềm ưu ái đặc biệt này.

Ông có bao giờ nghĩ về các giải thưởng?

Khi bạn là nhà văn, bạn nghĩ nhiều về các giải thưởng văn học. Bởi giải thưởng văn học tái hiện thời gian và tiêu tốn thời gian. Suy nghĩ ấy mang lại cho bạn nhu cầu vươn lên, vượt qua khó khăn trong đời sống, sáng tác. Nhà văn viết để có được những câu trả lời, có lẽ giải thưởng cũng là một câu trả lời.

Khủng hoảng kinh tế, chính trị đang là nỗi lo lớn của nhân loại, nếu được nói đôi lời ông sẽ?…

Đối mặt với khủng hoảng của thế giới hiện nay, điều tôi mong muốn nhắn gửi tới các bạn là phải tiếp tục đọc và không ngừng đặt câu hỏi. Đọc tiểu thuyết là một cách thức tốt để thấu hiểu, tự vấn thế giới thực tại. Tiểu thuyết gia không phải là nhà triết học, càng không phải nhà kỹ thuật ngôn ngữ, nhưng họ là người viết và không ngừng đặt ra các câu hỏi trong tác phẩm.

Ông có nghĩ văn hóa Pháp đang ở thời xế bóng?

Nước Pháp chính là tổ quốc nuôi dưỡng văn hóa của tôi. Nền văn hóa có quá khứ giàu có, phong phú, tuy thời gian cuối thế kỷ XX trải qua giai đoạn khó khăn. Nhưng tất cả chúng ta đều nhận thấy, thời gian gần đây văn hóa Pháp cũng như cộng đồng Pháp ngữ có nhiều thay đổi rõ rệt. Tôi không tin là văn hóa Pháp đang suy tàn.

Phần lớn các tác phẩm của ông là tiểu thuyết, ông có vẻ không thích hồi ký?

Đúng thế, tôi thích viết tiểu thuyết hơn các thể loại khác. Tiểu thuyết có khả năng đặc tả ký ức rất hiệu quả, điều mà tôi thấy khó khăn khi phải viết hồi kí. Nó cho phép bỏ qua những sự kiện mang tính cá nhân, giúp độc giả tưởng tượng, khiêu vũ với lịch sử. Tiểu thuyết gia không hẳn là nhà ghi chép sử mà đúng hơn là người can dự, sáng tạo hành động trong tác phẩm.

Giải thưởng liệu có thay đổi cuộc sống của ông?

Tôi không nghĩ giải Nobel có thể “hãm phanh” cuộc sống và sáng tác của bản thân. Hiện tôi vẫn tiếp tục bắt tay hoàn thành cuốn tiểu thuyết mới nhất. Sắp tới tôi dự định thực hiện chuyến du lịch dài ngày tới châu Phi, thai nghén một cuốn tiểu thuyết để tưởng nhớ Senghor.

Thông thường các nhà văn đoạt giải Nobel đều viết bài phát biểu đọc tại lễ nhận giải. Ông định viết gì trong bài phát biểu sắp tới?

Có thể là về khó khăn của những cây viết trẻ, hay vấn đề nhiều nhà văn viết nhưng khó tìm cho mình nhà xuất bản sách. Tôi muốn nói tới những người viết như ở quê hương tôi - đảo Maurice- chẳng hạn, xa những vùng đất phát triển giàu có, họ gặp không ít khó khăn về tài chính khi muốn xuất bản một cuốn sách.

T. Toan
Theo InterFrance

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.