Không sám hối, không đau khổ, không xấu hổ

Không sám hối, không đau khổ, không xấu hổ
TP - Trước khi “Chơi vơi” bấm máy, dư luận đã xôn xao về dàn diễn viên gai góc, được đo ni, đóng giày cho vai diễn như Linh Đan, Hải Yến, Johnny Trí Nguyễn, Linh Dung…

Sau khi bộ phim hoàn thiện, lại tiếp tục đình đám vì có đến 4 Liên hoan phim mời tới tham dự, trong đó có Venice danh giá. Còn đạo diễn thì nhún vai: “Tôi chả có cảm giác gì, xem đi xem lại đến phát chán”. Nhưng có thật thế?

Bước chuyển thế hệ

“Chơi vơi” không kể về cả xã hội, giai tầng, một cuộc đời dài, hay gia đình trọn vẹn, mà chỉ là những lát cắt của số phận trong giai đoạn ngắn ngủi nào đó. Một nàng Duyên xinh đẹp, gặp chàng tài xế ta-xi Hải mới được ba tháng đã lấy làm chồng, với quan niệm: cứ nghĩ đơn giản thì sẽ có.

Rồi Duyên rơi vào ham muốn xác thịt với Thọ, trong khi anh chồng trẻ con lúc nào cũng chỉ muốn được ngủ riêng trên giường một mình. Nhà văn Cầm, dù đã đem mối tình trớ trêu ràng buộc nơi trái tim Duyên, vẫn quyết định đẩy cô vào tay Thọ. Hay Vi cùng mối tình không tưởng suốt bảy năm trời, cuối cùng đành chọn cho mình cái chết. Một tay chơi chỉ có độc mỗi việc mò đi sóc đĩa và gái gú. Rồi cô bé con dành từng đồng tiền lẻ để xây lại nhà tắm cho thỏa thích...

Có thể bản thân họ không thật sự cá tính, nổi bật, đam mê sống đến cùng tận… nhưng dù chính hay phụ, họ đều là những số phận đậm nét, có màu sắc, tiếng nói, đời sống riêng… chứ không mờ nhạt, chỉ cho vào phim để đủ nhân vật. Quan trọng hơn, họ mang trong mình hơi thở thời đại, bước chuyển của thế hệ. Và dù chỉ điểm xuyết rất mờ nhạt, thì những mối quan hệ gia đình – bạn bè – làng xóm vẫn hiện lên rõ rệt.

Hình ảnh những căn nhà chật chội, nghèo khổ, nơi con người như đang tồn tại một cách tạm bợ, chen chúc, chẳng có nổi không gian riêng, hoặc điều bí mật nào cho riêng mình. Những đường phố đông đúc, chật ních, muốn đi phải nhích lên từng bước bởi tắc đường, kẹt xe hoặc ngập lụt.

Cuộc sống của con người cũng chật chội, nhỏ hẹp như thế, không bon chen, không tranh giành với công danh, sự nghiệp, tiền tài hay đạo đức xã hội, lý tưởng, họ đơn thuần chỉ bán rẻ sức lao động để sống và cho không mơ ước. Tuy nhiên ta vẫn thấy có một cuộc đấu tranh âm thầm với chính bản năng của mỗi người diễn ra trong “Chơi vơi”.

Không lời giải đáp

Rất nhiều nguyên do khiến cho người vợ trẻ đi ngoại tình. Nhưng Duyên không đổ lỗi cho ai, mà đơn giản là cô đã muốn như thế. Muốn và khao khát cái điều mà đạo đức xã hội lên án là nhân bản hay đáng trách? Câu hỏi này quả thật khó trả lời cho thuyết phục.

Kết thúc bộ phim cũng không rõ rệt, khán giả chẳng thể hiểu con đường nào khép lại, con đường nào mở ra, tuồng như mọi sự vẫn thế. Cái chết vì tình của Vi không thay đổi việc Duyên vẫn đến với Thọ, sợi dây vô hình gắn kết giữa Cầm – Duyên vẫn bền bỉ, Hải tiếp tục lái xe chở vợ về nhà sau những cố gắng bất lực với rượu thuốc.

Thậm chí con gà chọi này chết, thì con gà chọi khác thay, không tắm trong bể có vòi sen sang trọng thì cô bé lại về với cái thùng phi. Và hành động đặt tay của Duyên lên vai Hải là lời thú tội, cảm thông, năn nỉ, hay đơn giản là tiếng nói của người hành khách: anh tài xế, cho tôi xuống đoạn đường này? Chọn cho mình một cuộc sống như thế nào, và phải trả giá thế nào cho cuộc sống đó, hẳn nhiên không ai giải đáp, mà chính bạn phải tự tìm ra lối thoát.

Ta sẽ tìm thấy rất nhiều chi tiết được trau chuốt tỉ mỉ, những khoảng khắc đẹp đến nao lòng, cái cố tình nhấn nhá nhịp điệu, sự hiện hữu của các mảng sáng - tối như đôi mắt ngập nước của Cầm, từng giọt mồ hôi chảy trên da thịt giới nữ, phút run rẩy vì sự trong trắng mất đi khi Thọ chạm vào Duyên, tiếng chuông điềm báo cái chết của Vi…

Không còn là cái ẩn ức, thét gào bất lực của bản năng, qua “Chơi vơi”, nhân vật đã hành động một cách tự nhiên như nhiên, không sám hối, không đau khổ, và không cả xấu hổ. Điều đó đủ để ghi một dấu ấn đậm nét vào hành trình sáng tạo của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Nói về “Chơi vơi”, Ngọc Đại – người thực hiện phần âm nhạc của bộ phim không tiếc lời khen: “Đừng suy diễn quá nhiều, cũng đừng dùng lý tính thông thường để phân tích. Chẳng bộ phim nào mà không có sạn, nên cũng bỏ qua chuyện diễn tệ, hay. Sự thật là “Chơi vơi” có được hai thứ: hình ảnh và thông điệp. Hình ảnh thuyết phục khán giả về một thứ được gọi là đẹp, sau nữa là thông điệp rằng: cá tính ơi, hãy lên ngôi đi, hãy biết lựa chọn cuộc sống cho mình đi”.
MỚI - NÓNG