Không thể biến thiết chế văn hóa thành của riêng

Không thể biến thiết chế văn hóa thành của riêng
TP - “Không nên biến bảo tàng thành không gian hội trường cho thuê đám cưới”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy nói. Nhiều chuyên gia văn hóa, bảo tàng đồng tình quan điểm này.

Tiệc cưới ở bảo tàng

“Ở nước ta quan niệm dịch vụ trong các bảo tàng khác nhau. Một số địa phương quan niệm bảo tàng là nơi tôn nghiêm nên không cho phép hoạt động dịch vụ. Cũng có nơi việc cho thuê mặt bằng, đám cưới, quán bia tràn lan gây phản cảm. Hiện vẫn có địa phương không cho phép bảo tàng mở dịch vụ, kể cả bán cà phê”, PGS.TS.Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói. Ông cũng chia sẻ thực trạng các bảo tàng có rất ít thu nhập do khách ít. “Đây là sức ép đối với lãnh đạo và nhân viên bảo tàng cho nên người ta tìm mọi cách mở dịch vụ để tăng nguồn thu”, PGS. Huy nói.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam ngự ở vị trí đẹp nhất nhì Hà Nội, tuy nhiên cơ sở 25 Tông Đản (vốn là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam) bị bao vây phía mặt tiền bằng nhà hàng bia hơi Lan Chín. Có một số quán ăn nhưng táo bạo hơn là trung tâm tiệc cưới Thúy Cải phía trong bảo tàng. Khu vực này vốn là phòng trưng bày chuyên đề trước kia. “Tôi biết cái khó của bảo tàng nhưng cho thuê mở quán bia, trung tâm tiệc cưới coi như anh bán bảo tàng cho người ta. Thiết chế nhà nước cho vào túi công của đơn vị là không được, rõ ràng là lợi dụng không gian nhà nước để biến thành lợi ích cho một tập thể. Tôi vẫn cho rằng nên cố gắng biến không gian đó thành các hoạt động công ích, có giá trị văn hóa nghệ thuật hơn”, PGS.TS. Bùi Quang Thắng nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Lâu lắm rồi Bảo tàng Phụ nữ cũng có nhận tổ chức vài tiệc cưới, nhưng tôi thấy không ổn: Khách dự tiệc đông nên khách tham quan cũng nhìn ngó lạ lẫm. Tôi cùng với ban lãnh đạo quyết định không để tiệc cưới trong bảo tàng nữa”. Về việc mở quán cà phê ở bảo tàng, bà Vân nói trước đây không có dịch vụ này nhưng khách phản hồi và yêu cầu ký vào vé để họ ra ngoài mua nước rồi trở lại bảo tàng tham quan tiếp.

Không thể biến thiết chế văn hóa thành của riêng ảnh 1

Bên trong Trung tâm tiệc cưới Thúy Cải ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia số 25 Tông Đản. Ảnh: Trần Hoàng.

Dịch vụ cần nhưng phải văn minh

PGS.TS. Nguyễn Văn Huy là người gây dựng lên bảo tàng Dân tộc học, tư vấn cho nhiều bảo tàng lớn như Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Quảng Ninh, nay ông làm giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. “Ở các bảo tàng trên thế giới người ta tổ chức các hoạt động dịch vụ là để thỏa mãn nhu cầu của khách tham quan. Khách đến thăm bảo tàng cả buổi, có nhu cầu ăn uống thì phải mở nhà hàng. Nhà hàng này có thể thu hút cả khách không vào bảo tàng để tăng thêm thu nhập. Tôi chưa thấy bảo tàng nào mở nhà hàng hay cà phê chỉ dành riêng cho khách ngoài đường”, ông nói. PGS.TS. Bùi Quang Thắng cũng chia sẻ rằng trước kia một phần lí do khiến Bảo tàng Phụ nữ vắng khách là vì không có quán cà phê trong khi khách tham quan xong có thể ngồi bàn luận về văn hóa nghệ thuật.

“Các bảo tàng trên thế giới có lượng sưu tập phong phú, khách tham quan thường mất một ngày. Dịch vụ cà phê bánh ngọt hay ăn trưa phải có. Chỉ có điều Việt Nam chưa làm được theo mô hình phương Tây vừa lịch sự lại không ảnh hưởng nội dung trưng bày. Một bảo tàng lớn ở Paris ngay trong khuôn viên có nhà hàng rất lớn, tuy nhiên trình bày rất nghệ thuật và phù hợp”, TS. Bùi Quang Thắng nói. Ông cũng cho rằng cái khó của bảo tàng Việt Nam là ít hiện vật, thiếu vắng trưng bày nghệ thuật. Nếu những người làm bảo tàng sáng tạo, chịu lăn lộn sẽ lấp đầy bảo tàng bằng các hoạt động chuyên ngành và gắn với văn hóa hơn. Chẳng hạn hơn chục năm qua Bảo tàng Phụ nữ phải thay đổi để trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn bên cạnh chức năng trưng bày, triển lãm định kỳ.

Tăng thu nhập cách nào?

PGS.TS. Nguyễn Huy Văn nói bảo tàng có thể tăng thêm thu nhập bằng cách mở cửa hàng lưu niệm nhưng phải “tự tạo ra sản phẩm riêng của mình, bán những đồ gắn liền với nội dung của bảo tàng. Các cửa hàng này thường do những người chuyên nghiệp thực hành và tuân theo tôn chỉ của bảo tàng”. TS. Bùi Quang Thắng đánh giá một số bảo tàng làm khá tốt việc này dù vậy vẫn phải học hỏi quốc tế. Ông đến nhiều bảo tàng nghệ thuật nước ngoài thấy họ thường bán sách nghệ thuật, tranh in giá từ rẻ đến đắt và nhiều mặt hàng khác nhưng “trông rất sạch sẽ”.

MỚI - NÓNG